Hoàng Khương bị đề nghị 6-7 năm tù

Hoàng Khương bị đề nghị 6-7 năm tù

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Bị Viện Kiểm sát kết luận "đưa tiền cho CSGT để lấy xe vi phạm là xuất phát từ mục đích cá nhân", Hoàng Khương vẫn một mực cho rằng anh "chỉ muốn đấu tranh phòng chống tiêu cực" và "vì nóng vội mà phải nhận hậu quả".

Sáng nay, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc Hoàng Khương đưa tiền cho Cảnh sát Giao thông để lấy xe vi phạm không phải là sai sót trong quy trình tác nghiệp nên đã đề nghị phạt bị cáo 6 - 7 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Pháp luật - Hoàng Khương bị đề nghị 6-7 năm tùNhà báo Hoàng Khương tại phiên tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ

Cùng tội danh, các bị cáo Đông Anh bị đề nghị 4 - 5 năm tù, Trần Minh Hòa 5 - 6 năm, Trần Anh Tuấn 2 - 3 năm tù, Tôn Thất hòa 2 - 3 năm tù. Riêng Huỳnh Minh Đức (nguyên Trung úy CSGT Công an quận Bình Thạnh) cũng bị đề nghị 6 - 7 năm tù về tội Nhận hối lộ và Trần Minh Hòa còn phải tổng hợp hình phạt 3 năm tù về tội Cướp tài sản vừa bị tuyên trong một vụ án khác.

Vị đại diện VKS lập luận, sau khi Khương và Tôn Thất Hòa nhờ cảnh sát Đức lấy xe "đi bão" của Trần Minh Hòa, ngay hôm sau Khương đã có bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”. Nhưng do giấy tờ xe Đức vẫn còn giữ và để lấy được thì phải đưa thêm 3 triệu đồng. Thấy sự việc không theo ý mình nên nhiều ngày sau Khương đã viết tiếp bài báo “CSGT giải cứu xe vi phạm”.

"Khương đã lợi dụng tư cách nhà báo, cùng lúc nắm được quan hệ tiêu cực của Đức và Tôn Thất Hòa để lấy chiếc xe cho Trần Minh Hòa, bạn của Đông Anh, em vợ Khương", VKS nêu.

VKS cũng cho rằng, nếu thực sự chỉ vì mục đích viết bài thì Khương hoàn toàn có thể nói cho Hòa, Đông Anh biết việc làm của mình trước và việc tác nghiệp đã dễ dàng hơn nhiều.

"Hơn nữa, tại cơ quan điều tra, ban đầu Khương hoàn toàn không khai rằng hành vi của mình là nằm trong hoạt động tác nghiệp viết bài. Mà sau này khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ thì bị cáo mới khai là đang thực hiện các loạt bài viết theo yêu cầu của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ", VKS buộc tội.

Cơ quan công tố cũng ghi nhận những bài báo tích cực của Hoàng Khương trước đó trong việc chống các tệ nạn xã hội. Nhưng trong trường hợp của vụ án này, "bị cáo Khương đã vi phạm pháp luật" chứ không phải sai sót khi thực hiện nghiệp vụ báo chí. "Với kinh nghiệm 15 năm làm báo, bị cáo phải biết được theo Luật Báo chí phạm vi tác nghiệp của mình như thế nào. Tôi cho rằng bị cáo đã không tuân thủ pháp luật", vị đại diện VKS nêu.

Ngoài ra VKS còn cho rằng, nếu việc đưa tiền cho CSGT Đức là nhằm mục đích viết bài thì phải báo cáo sự việc này với cơ quan chủ quản. Mặc dù báo Tuổi Trẻ đã có công văn khẳng định Hoàng Khương đang thực hiện loạt đề tài được giao, nhưng việc đưa tiền để giải cứu xe cho Hòa thì hoàn toàn không báo cáo. Số tiền đưa hối lộ 15 triệu đồng cũng không phải là tiền của cơ quan mà là của người vi phạm.

Từ đó VKS khẳng định các chứng cứ trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận bị cáo Khương cùng với Minh Hòa, Thất Hòa, Đông Anh đã phạm tội Đưa hối lộ.

"Đối với cựu trung úy Huỳnh Minh Đức, biết việc nhận tiền của người khác để lấy xe vi phạm ra mà không thực hiện theo đúng quy trình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc quản lý của nhà nước, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước", cơ quan công tố nêu.


Suốt thời gian VKS luận tội, Hoàng Khương và các bị cáo khác đều khá lặng lẽ. Ngoài khán phòng, nhiều người dân đến theo dõi phiên xử xôn xao, đa số cho rằng mức án mà VKS đề nghị với Hoàng Khương là quá nặng.

Bào chữa cho Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài nêu lên những đóng góp của thân chủ trong việc chống tiêu cực về giao thông, trật tự xã hội... giúp cơ quan chức năng điều tra và khởi tố nhiều vụ án.

Luật sư cũng cho rằng, do những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nên bị cáo đã quá dấn thân dẫn đến sai phạm. "Những bài báo sau đó của Hoàng Khương liên quan đến việc đưa tiền cho CSGT đều được Ban biên tập báo Tuổi Trẻ duyệt theo đúng quy trình, đăng tải với thông tin nhiều chiều của các cơ quan chức năng, chứ không phải vì động cơ cá nhân như VKS truy tố", luật sư Hoài nhấn mạnh.

Tự bào chữa cho mình, Hoàng Khương phân trần: "Nếu thực sự chỉ vì muốn lấy xe cho Hòa ra bằng được, bị cáo hoàn toàn có thể dựa vào mối quan hệ của mình để nhờ vả một cách dễ dàng, chứ không phải bỏ ra nhiều thời gian lặn lội thực hiện một quá trình tìm hiểu dài như vậy. Trong việc này, bị cáo không hề mong muốn lợi ích cho bản thân".

Được nói lời sau cùng, Hoàng Khương gửi lời xin lỗi của mình đến Tôn Thất Hòa và Đông Anh vì đã "giúp đỡ bị cáo nhiệt tình mà phải chịu một hậu quả pháp lý nặng nề và xin HĐXX xem xét giảm án cho họ". Nhà báo Khương cũng khẳng định việc làm của mình là vì mục đích trong sáng nhưng do sai sót nên phải chịu hậu quả nặng nề.

"Trong những ngày bị tạm giam bị cáo rất day dứt và tự hỏi: Nếu không vì những bài báo đó bị cáo có phải bước vào vào vòng lao lý ngày hôm nay không? Chỉ vì muốn đấu tranh phòng chống tiêu cực, vì nóng vội mà bị cáo phải nhận hậu quả. Bị cáo xác định mình có lỗi nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự và tội phạm pháp lý mà bị cáo phải nhận đến hôm nay là 248 ngày tạm giam, đối với bị cáo đã là quá nặng nề", Hoàng Khương nói.

Sau cùng, bị cáo mong tòa áp dụng điều 289 của Bộ luật Hình sự và các tình tiết giảm nhẹ khác, tuyên bị cáo không phạm tội như một sự khoan hồng của pháp luật mà bị cáo đáng được nhận.

Nhiều người dự khán và gia đình Hoàng Khương đã đưa tay lau nước mắt khi bị cáo dứt lời. Phía ngoài phòng xét xử, hàng loạt người vỗ tay dù trái quy định của tòa án.

Theo VNE


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.