Dạy học nhiều cũng điên
Có mặt tại Khoa Lâm sàng thuộc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nhìn lên tấm bảng trắng theo dõi bệnh nhân, có thể thấy gần 100% số bệnh nhân trong độ tuổi từ 21-45. Những trường hợp này đa phần đều giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan, những người đang trong quá trình phấn đấu nhưng gặp phải quá nhiều áp lực trong cuộc sống cũng như công việc.
BS. Bế Thị Hiển -Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, mỗi trường hợp đến bệnh viện là một hoàn cảnh khác nhau, có người bị bệnh do áp lực công việc, có người do những cú sốc đổ vỡ hôn nhân, tình cảm gia đình... Nhưng ấn tượng với BS. Hiển là những câu chuyện tri thức vô sắc trong viện tâm thần. ở đó, có rất nhiều người đã làm việc, cống hiến hết mình nhưng rồi hóa điên lúc nào không ai hay.
Nỗi đau của những bệnh nhân tâm thần. |
BS. Hiển nói: "Y học dùng từ hội chứng burnout- cháy hết để nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng các giáo sư, tiến sỹ, doanh nhân... khi sự nghiệp của họ đã đạt đến đỉnh rực rỡ rồi, nhưng do lao động quá mức mà không được nghỉ ngơi, đã hóa điên khi gặp một va vấp rất nhỏó”.
BS. Hiển kể rằng, cho đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh một bệnh nhân vốn là giảng viên của một trường đại học nổi tiếng mà bác sĩ không muốn nói rõ tên, địa chỉ. Bệnh nhân này có tên N.M.T. được xác định là đã mắc bệnh từ năm 2006. Nhưng, do bệnh nhân và gia đình phủ định bệnh, điều trị ở nhà nên khi nhập viện trong tình trạng quá nặng, khó có thể điều trị khỏi hẳn.
BS. Hiển là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nên gần như thuộc từng "chân tơ kẽ tóc" của vị giảng viên này. Theo lời kể của BS. Hiển, T là một giảng viên được nhiều sinh viên và đồng nghiệp quý mến bởi sự nhiệt thành, hết lòng với nghề. ông dành hầu như trọn thời gian cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nhưng gần đây, mọi người bắt đầu mệt mỏi vì ông nhiệt tình quá mức, luôn hăng hái với những công việc không phải của mình, nói huyên thuyên và cho rằng mình có rất nhiều sáng kiến làm nhân loại phải ngạc nhiên. Dù vậy, đồng nghiệp và gia đình cũng không mấy quan tâm, chỉ nghĩ đơn giản rằng ông quá hưng phấn với công việc.
Đến một ngày, đưa ông đi khám để trị chứng mất ngủ, người nhà mới ngã ngửa vì kết luận của bác sĩ: Rối loạn hưng cảm và hoang tưởng tự cao. Đó là hệ quả của tình trạng stress kéo dài do ông quá yêu công việc. Thế nhưng, sau lần điều trị đó mọi người trong gia đình vẫn chỉ nghĩ đơn giản là ông T làm việc, cống hiến quá sức với công việc.
Từ đầu năm 2008, vị giảng viên đại học này bắt đầu có những triệu chứng của bệnh tâm thần. Sau một lần đi công tác ngoại tỉnh về, vị giảng viên luôn sống lo sợ và vẽ ra cảnh tượng có một thế lực đang theo dõi mình vì anh có những "thông tin tuyệt mật". Trước những câu chuyện hoang tưởng đến phi lý mà T.L thêu dệt, nhà trường đã phải đình chỉ việc giảng dạy của ông.
Nghỉ việc ở nhà, tình trạng của anh lại càng nghiêm trọng hơn khi bắt đầu lo lắng đến vấn đề to lớn hơn như có thế lực thù địch muốn hủy hoại nền giáo dục trong nước. Không dừng lại ở đấy, vị giảng viên này còn nghĩ một thế lực vô hình sắp giết hại mình nên hoảng loạn chạy trốn khắp nơi. Cuối cùng, gia đình đã "cưỡng chế" ông đến viện chữa bệnh.
Theo BS. Hiển, vào đến bệnh viện, khi nhìn thấy bác sĩ vị giảng viên còn nghi ngờ đó là một trong những tay chân của thế lực muốn hại mình nên không hợp tác điều trị. BS. Hiển bảo rằng: "Việc điều trị cho những trí thức mắc bệnh tâm thần là vô cùng khó khăn. Họ luôn phủ định mình bị mắc bệnh tâm thần. Thậm chí nhiều người quá hoang tưởng với tài năng của mình có thể làm thay đổi tương lai của cả thế giới cũng trở nên điên dại".
Theo bác sĩ Hiển, trong số bệnh nhân trí thức, công chức, có rất nhiều người trẻ tuổi, đó là những người dễ bị tổn thương về tâm lý, bản thân ít chịu thất bại trong cuộc sống. Họ thuộc mọi ngành nghề, nhất là những nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư. Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tâm thần cho giới công chức là stress trong công việc. áp lực đó dẫn đến căng thẳng kéo dài, khiến tâm trí họ hoảng loạn, bất an và lâu ngày thành bệnh.
Hội chứng "cháy hết"
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do mắc chứng burnout. Nhiều thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, hay doanh nhân thành đạt, nhưng do lao động quá mức mà không được nghỉ ngơi, đến khi gặp một va vấp nhỏ, họ cũng bị chứng burnout hạ gục. Hội chứng burnout có tính phổ biến cao, nhưng lại rất nguy hiểm với những người trẻ tuổi, nhất là người ở tuổi vị thành niên.
Ảnh minh họa |
Bởi, ở độ tuổi này, trí tuệ của người thành niên đang phát triển mạnh, nhưng kinh nghiệm sống thì không có, khả năng chịu đựng thất bại không có nên nó rất dễ gây nên khủng hoảng tâm lý. Mà khủng hoảng tâm lý ở độ tuổi này rất dễ đẩy bệnh nhân đến hành động tự tử. Hoặc, nếu không tự tử, thì hậu quả của nó có thể kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân.
BS. Bế Thị Hiển -Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, cách đây mấy tháng, bệnh viện Mai Hương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam tên M.Q được xác định đã mắc chứng burnout. Bệnh nhân này tốt nghiệp 2 bằng Đại học, có năng lực làm việc và rất được sếp trọng dụng.
M.Q làm việc trong ngành xây lắp. Hầu hết thời gian M.Q dành cho công việc và chỉ sau một năm M.Q đã được cất nhắc lên vị trí giám đốc công ty. Nhưng niềm vui ngắn, một năm sau cậu bị điều chuyển làm chuyên viên. M.Q đã bị sốc, không ăn uống, nói năng, suốt ngày nằm trong phòng và bị chứng mất ngủ thường xuyên cho đến khi gia đình đem cậu đến bệnh viện tâm thần điều trị. BS. Hiển cho biết: Nguyên nhân là do M.Q đã dốc quá nhiều trí lực, tinh thần, tâm huyết và sự kỳ vọng quá cao vào công việc nên mới dẫn đến tình cảnh này. May thay, sau hơn 3 tháng điều trị M. cũng thoát khỏi thế giới người điên.
Trong những năm gần đây, những người mắc tâm thần do yếu tố ngoại sinh phát triển ngày càng cao. Đối với những bệnh nhân trong độ tuổi công chức, khi đến đây dường như đều đã ở thể muộn, bởi người nhà không quan tâm đến người bệnh hoặc chính họ kỳ thị với bệnh của người thân. Các bệnh nhân khi đến với chúng tôi thường thuộc nhóm thế yếu của xã hội. Mà đã mắc bệnh tâm thần rồi thì thế mạnh cũng thành thế yếu. Một người trí thức đã mất trí, loạn trí thì bi kịch lại càng lớn hơn.
Khi người bệnh gặp một sang chấn tâm thần nào đó, ranh giới giữa một trạng thái tâm lý bình thường với một trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Đặc biệt với những trí thức làm việc căng thẳng, thường trở nên nhạy cảm hơn, ít có khả năng đề kháng khi đối mặt với các sang chấn tâm lý.Lúc đó, nếu như không gặp được những liệu pháp tâm lý kịp thời, người thân thờ ơ thì có thể dẫn đến bệnh tâm thần, thậm chí là hành vi tự tử.
Bác sĩ Hiển dẫn tôi đến những phòng điều trị của bệnh nhân, có người thoạt nhìn có thể nghĩ căn bệnh này không thể đánh gục được họ, vậy mà trong những con người đó lại có những nỗi đau khiến tinh thần trở nên méo mó. Đến với các bác sĩ của bệnh viện, họ được học thiền, được nói chuyện chia sẻ, được nghe nhạc trị liệu những nụ cười cũng đã xuất hiện trở lại trên gương mặt họ. Dường như sự tỉnh táo sẽ dần được nhen nhóm trở lại trong những cái đầu không bình thường ấy. Đó không chỉ là nỗ lực của các bác sĩ, của bản thân họ mà quan trọng hơn là của cả những người thân trong gia đình.
BS. Hiển cho biết, hội chứng burnout là hội chứng tâm thần thường gặp ở nhóm những trí thức. Mà nguyên nhân, do các trí thức đã dốc quá nhiều trí lực, tinh thần, tâm huyết và sự kỳ vọng quá cao vào công việc nghiên cứu, học tập. Nếu kết quả đạt được không như mong muốn, sức khỏe tâm thần của họ sẽ rơi xuống vực.
Ngân Giang- Anh Đức