Hội Luật gia Việt Nam nỗ lực phát triển cùng đất nước

Hội Luật gia Việt Nam nỗ lực phát triển cùng đất nước

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 14/02/2018 11:00

Thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới đã cận kề. Một năm qua đi với rất nhiều cảm xúc, thành công và cả những điều cần phải nhìn lại để tạo ra khí thế mới cho những kết quả tốt đẹp hơn. Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

PV: Thưa Chủ tịch, năm 2017 là năm có tính chất bản lề của nhiệm kỳ khóa XII (2014-2019) của Hội Luật gia Việt Nam. Ông có thể nói ngắn gọn những kết quả đã đạt được là do đâu?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Ngay từ đầu năm, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nghị quyết Trung ương lần thứ 4, lần thứ 5 (khóa XII), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 5-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ được thể hiện trong Kết luận số 19-KL/TW, ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động đến các cấp hội địa phương, các đơn vị, chi hội trực thuộc Trung ương Hội; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra ở tất cả các lĩnh vực như: Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế - Hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp Hội luật gia các nước ASEAN (ALA) và Hiệp hội Luật gia châu Á -Thái Bình Dương (COLAP); công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí xuất bản...

Để có những kết quả tốt đẹp, các cá nhân, tập thể Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã luôn cố gắng, nỗ lực hết mình. Điều này là rất đáng khích lệ.

Chính trị - Hội Luật gia Việt Nam nỗ lực phát triển cùng đất nước

TS. Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: Thành Long.

PV: Công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật là hoạt động quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những hoạt động này trong năm qua?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Xác định tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, ngay từ đầu năm, Thường trực Trung ương Hội đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực này. 

Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, Trung ương Hội đã tổ chức gần 30 hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý cho nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; luật Tố cáo (sửa đổi); luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Hành chính công...

Thường trực Trung ương Hội đã cử cán bộ tham gia tích cực và có hiệu quả vào các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, các chương trình, đề án của Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Ở địa phương, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật tiếp tục được triển khai và đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.

PV: Được biết, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng đã được đẩy mạnh trong năm qua. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được các cấp Hội từ Trung ương tới cơ sở quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực.

Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018. Đạo luật này có liên quan chặt chẽ đến công tác của Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt là công tác của các trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội. Thường trực Trung ương Hội đã có ý kiến chỉ đạo Hội Luật gia các tỉnh, thành phố bám sát các nội dung mới của Luật và các văn bản hướng dẫn, thi hành luật để tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả.

Năm 2017, Hội tiếp tục thực hiện Dự án thí điểm của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Các trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội chủ động đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động, thu hút được các nguồn lực xã hội cho công tác này. Thực hiện dự án ADDA về tư vấn pháp luật cho người nông dân dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La. Kết quả: Đã thực hiện 280 cuộc tư vấn, tuyên truyền cho hơn 11.000 lượt người dân tại các thôn, bản và doanh nghiệp. Mở 26 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho hơn 950 đối tượng khác nhau. Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS đã tư vấn pháp luật qua đường dây 18001029 cho gần 2.000 trường hợp người nhiễm HIV và đối tượng thuộc nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cả nước...

PV: Nhiều năm qua, Hội Luật gia Việt Nam luôn coi trọng công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta. Xin ông chia sẻ những dấu ấn đặc biệt về lĩnh vực này?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) và Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP). Cụ thể là: Tổ chức Đoàn đi tham dự cuộc họp Ban Chấp hành COLAP và Hội nghị quốc tế về Biển Đông do IADL tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Việc tổ chức Hội nghị Biển Đông tại Tokyo, Nhật Bản là một thành công lớn của Hội Luật gia Việt Nam, bởi sau thời gian dài 2 năm Hội nỗ lực đàm phán và thuyết phục, IADL đã thống nhất tổ chức hội nghị với các nội dung Hội đã đề xuất. Sau khi kết thúc hội nghị, Hội Luật gia Việt Nam đã có bài viết về kết quả hội nghị đăng trên các báo của Việt Nam, đồng thời viết bài tiếng Anh đăng trên tạp chí Quý 2 của IADL.

Tổ chức Đoàn đi tham dự Hội nghị hội đồng điều hành ALA tại Brunei và tại Philippines; tổ chức thành công Hội nghị Ban Thường vụ IADL, Hội nghị Ban chấp hành COLAP và Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ IX (phối hợp với Học viện Ngoại giao) tại TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức các đoàn cán bộ đi trao đổi kinh nghiệm hoạt động theo thỏa thuận hợp tác song phương với một số tổ chức quốc tế cụ thể là: Đi trao đổi kinh nghiệm hoạt động tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác song phương với Đoàn Luật sư Seoul; Làm việc với Hội Luật học Vân Nam, Trung Quốc; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và thảo luận về các hoạt động phối hợp để triển khai thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Hội Luật gia Việt Nam và Đoàn luật sư California tại Hoa Kỳ; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và thảo luận về các hoạt động phối hợp để triển khai thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hội Luật gia Liên bang Nga; tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác và phát triển pháp luật Trung Quốc - ASEAN lần thứ VII tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Với những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Hội Luật gia Việt Nam được ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ “Tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, năm 2017”.

PV: Đến nay, ông đã là Đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ khóa XII và XIV. Những điều gì ông tâm huyết nhất trong vai trò này?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Cũng như gần 500 Đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, ngoài tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tôi luôn cố gắng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Chính những điều mà cử tri phản ánh đã giúp chúng tôi có những quyết định thận trọng, sáng suốt trong quá trình tham gia xây dựng, ban hành và sửa đổi luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì luật ra đời là để phục vụ đời sống người dân được tốt hơn.

Được cử tri, nhân dân tin tưởng, tôi lấy làm vinh dự, nhưng đó cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Người dân không chỉ bầu lên mà còn theo dõi, giám sát hoạt động của mỗi Đại biểu Quốc hội. Do đó, cá nhân tôi và các Đại biểu Quốc hội luôn nỗ lực vì niềm tin của cử tri và nhân dân.

PV: Xin ông chia sẻ một số định hướng cơ bản để hoạt động của Hội Luật gia năm 2018 phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Đối với Hội Luật gia Việt Nam, năm 2018 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội, nhiệm kỳ 2014-2019 và là năm các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần phải nỗ lực phấn đấu nhằm tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Do vậy, các cấp hội kịp thời học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI và các Nghị quyết Trung ương được ban hành năm 2018.

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 08-CT/TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 326/BTV-HLGVN ngày 28/11/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về tiếp tục thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố.

Song song với đó, các cấp hội chủ động đẩy mạnh hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức tốt các cuộc hội thảo, tọa đàm, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và theo kế hoạch của Trung ương Hội đề ra, trong đó tập trung vào một số văn bản Luật quan trọng được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2018.

Tiếp tục thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, gắn công tác trợ giúp pháp lý với tư vấn pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021 và năm 2018; Trung ương Hội tiếp tục tham gia đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đặc biệt là trong hoạt động đối ngoại nhân dân v.v...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!       

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.