“ĐBQH là công bộc của dân"
May mắn có dịp gặp ông một ngày cuối năm, trong căn phòng chất đầy sách vở. Trừ thời gian nghỉ dùng bữa, lúc nào cũng có người tìm đến xin gặp ông. Vừa trò chuyện, chuông điện thoại của ông reo liên hồi, lại có những lịch hẹn sau đó. Bận rộn là thế nhưng ông không bỏ sót hay từ chối bất cứ trường hợp nào tìm đến, đặc biệt là những bà con ở các tỉnh xa đến nhờ kêu oan. Lúc nào vị giáo sư ấy cũng tâm niệm: Người ta có quý mến mới tìm đến mình.
Được nhân dân tín nhiệm bầu làm người đại diện, phản ánh hộ những bức xúc của quần chúng trong suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp, theo GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, muốn nói được trên nghị trường, ông phải theo dõi và suy nghĩ trong suốt 6 tháng. Trong vô số những bức xúc của dân, việc chỉ chọn 5 - 6 bức xúc để nêu ra tại nghị trường không phải là chuyện dễ dàng gì. Khi chúng tôi đến gặp GS. tại nhà riêng trên phố Trần Thánh Tông, ông vẫn đang miệt mài xem một tài liệu dày phản ánh về những sai trái về việc chiếm dụng đất đai của nông dân Hà Nam. Ông bảo: "Đã từng là ĐBQH, nước ngoài gọi là cựu nghị sĩ, thì vẫn cần phải biết lắng nghe tiếng nói của dân chúng".
Nhớ lại những buổi chất vấn trên nghị trường, GS. Lân Dũng cho biết, chuyện chất vấn về tham nhũng để lại nhiều ấn tượng thú vị với ông. Có lần, ông nói: "Quét cầu thang không thể nào quét được từ dưới lên", bà con rất thích câu nói vui vẻ và rất ấn tượng ấy. Khi đấu tranh về việc đòi hộ nhà cho ĐBQH Dương Trung Quốc, ông nói: "Một người là con liệt sỹ, cháu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đương kim Đại biểu Quốc hội, đòi 18m2 nhà ở của mình mà không được thì dân thường còn hy vọng gì được nữa?". Để gây ấn tượng, GS. đã sửa lời một bài hát quen thuộc thành: "Mẹ đòi nhà từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc". Ông nói: "Tại nghị trường đừng nói nhiều và không bao giờ được nói quá giờ, vì vậy nên chọn những câu gì dễ gây ấn tượng nhất cho Quốc hội và cho quần chúng".
Khi chất vấn trên nghị trường, ông cũng là người đầu tiên nêu ý kiến không đồng tình với cách gọi "rau sạch", "rau an toàn" vì chả nhẽ bán cho dân "rau bẩn", "rau không an toàn". Ông phấn đấu tổ chức sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng "rau bảo đảm", bán trong siêu thị và tuy có đắt hơn nhưng rất được hoan nghênh vì là rau được trồng trong nhà lưới và ghi cam kết bảo đảm trên bao bì.
Khi nói về vấn đề ruộng đất tại Quốc hội, ông là một trong số những người nói mạnh dạn nhất. Ông nói: "Ai không hiểu khái niệm về cấu tượng của đất thì không nên làm nhà lãnh đạo. Đất có ba loại cấu tượng: Hạt quá nhỏ là đất sét, hạt quá lớn là đất cát; hai loại này không có độ phì nhiêu. Loại đất trồng trọt có cấu tượng là loại có các hạt vừa phải do có chất mùn tạo nên bởi vi sinh vật qua hàng trăm năm, khi đó đất mới có những khe hở chứa nước, thức ăn, không khí, nghĩa là tạo nên độ phì nhiêu của đất. Vậy mà nhẫn tâm san lấp, đổ bê tông làm khu công nghiệp hay trồng cỏ làm sân golf suốt dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thì thật nguy hiểm. Nhiều bạn bè quốc tế khuyên chúng ta: Muốn làm giàu trước hết hãy làm đường. Có đường tốt thì các nhà đầu tư mới chịu xây khu công nghiệp, khu chế xuất tại các vùng đất bạc màu, đất đá ong, đất cát sỏi...Và nếu muốn làm tại vùng đất lúa thì phải chịu trả giá...rất cao!. Nhất là nước ta là một trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của nguy cơ biến đổi khí hậu".
Lúc nào vị GS. ấy cũng tâm niệm đã là ĐBQH thì phải đi sát cuộc sống của dân. Ông tiếp tất cả những ai đến gõ cửa vì suy nghĩ thường trực của ông là người dân có quý, có tin tưởng mới tìm đến mình. Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, lại có đông nghịt người đến tìm gặp GS. Với GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, ĐBQH cũng chỉ là công bộc của dân và ngay trong luật đã ghi rõ ĐBQH phải thường xuyên tiếp xúc cử tri, mà thường xuyên thì đâu phải là hàng tháng mới tiếp ở Văn phòng đoàn ĐBQH (!).
Gắn bó với sự nghiệp giáo dục trên nửa thế kỷ, tại kỳ họp Quốc hội nào, người ta cũng thấy GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chất vấn Bộ trưởng bộ GD&ĐT về chương trình và sách giáo khoa. Ông kiến nghị lấy lại tên cấp I, cấp II, cấp III, kiến nghị Nhà nước không bỏ tiền in sách giáo khoa mà tập trung trí tuệ làm thật tốt bộ Chương trình chuẩn (đủ sức Hội nhập quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh nước ta để có thể dùng được nhiều năm), khi đó việc biên soạn và in sách giáo khoa là công việc của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Tuy nhiên chưa được đa số ĐBQH đồng tình.
GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng
Không phê phán tràn lan như một người... "thích nổi tiếng"
Trò chuyện một hồi, ông bảo, các vấn đề được nêu trên nghị trường đều là những vấn đề rất bức thiết của xã hội mà nhân dân đang cần được giải quyết. Tuy nhiên, khi chất vấn đến một bức xúc gì bao giờ ĐBQH Nguyễn Lân Dũng cũng đề nghị có những hướng giải quyết khá cụ thể. GS. nói: "Tôi không phê phán tràn lan, cũng không nói nặng lời bởi như vậy sẽ giống như một người muốn nổi tiếng. Nhiều người hay dùng từ "truy" để nói về việc chất vấn các thành viên Chính phủ, tôi không nghĩ như vậy. Ở đây đơn giản chỉ là chất vấn, nếu câu trả lời chưa thỏa đáng thì hỏi tiếp một cách nhã nhặn chứ có chuyện gì đáng gọi là truy".
Trong những phiên chất vấn tại Quốc hội, có một ấn tượng làm nhiều người nhớ tới đó là việc GS. Nguyễn Lân Dũng minh oan cho... mắm tôm. Trước đó, năm 2007, Bộ trưởng bộ Y tế ra quy định cấm sản xuất và phân phối mắm tôm, đồng thời ra lệnh chôn các bể mắm tôm vì nghi có chứa vi khuẩn gây bệnh tả. GS. Lân Dũng với tư cách là một nhà sinh học đã khẳng định, với độ muối có trong mắm tôm thì vi khuẩn gây bệnh không thể sống được. Việc ăn mắm tôm bị bệnh là do bị ruồi nhặng bám vào, cộng thêm việc ăn thêm rau sống mang mầm bệnh. Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XII, bộ Y tế đã rút lại lệnh cấm mắm tôm.
Có dịp lên miền núi Chiêm Hóa (Tuyên Quang), một trong những Thủ đô kháng chiến, ông bảo cuộc sống bà con nơi đây còn quá nghèo, thu nhập quá thấp, thậm chí một số trẻ còn bị thất học… Trong khi đó, vẫn tồn tại những dự án cực kỳ "nhảm nhí" và tốn không dưới nhiều tỷ, chẳng hạn như "gắn tên lên từng cây xanh" trên đường phố. Điều ông buồn nhất là hàng nghìn đơn từ về đất đai của người dân chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Trong các kỳ họp sắp tới, theo ông, Luật Đất đai cần sửa đổi mạnh mẽ. Luật về Hội cần thông qua trên tinh thần không bất kỳ Hội nào nằm ngoài luật về Hội. Bên cạnh đó, khi sửa đổi Hiến pháp nên có quyền phúc quyết của toàn dân, và cần có tính dân chủ cao hơn trong QH. Các ĐBQH là đảng viên cần biểu quyết theo nguyện vọng của đông đảo cử tri đã bầu ra mình.
Với ông, trách nhiệm của người ĐBQH không chỉ trong nhiệm kỳ, trong khi các nước đều có khái niệm cựu nghị sỹ thì tại sao mình lại không. Dù đã hết nhiệm kỳ nhưng ông vẫn sẽ có trách nhiệm với dân, và vẫn sẽ giúp những người dân bị oan khiên chuyển đơn đến các cơ quan có trách nhiệm.
Năm 1956, ông là một trong hai người (cùng GS. Nguyễn Văn Hiệu) tốt nghiệp đại học ít tuổi nhất Việt Nam, khi mới tròn 18 tuổi. Có cử tri đã nói rằng ông khai man lý lịch vì cho rằng "lúc đó ông chỉ mới đang học lớp 11". Ông từng giữ chức Ủy viên Trung ương MTTQ năm khóa, Chủ tịch hội Các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân, Ủy viên Trung ương Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam... Tuy có 19 năm là chiến sỹ thi đua, là GS.NGND, ĐBQH ba nhiệm kỳ nhưng ông lại là trí thức ngoài Đảng. Tại một kỳ tiếp xúc cử tri, có người đã nói thẳng với ông: "Ông chưa được vào Đảng, chắc vì có một tội gì lớn lắm, ông hãy nói cho cử tri biết đi". GS. Nguyễn Lân Dũng chỉ giải thích đơn giản: "Thưa bà con, chúng ta có ba triệu đảng viên, còn có tới 83 triệu người ngoài Đảng, chả nhẽ 83 triệu người đó đều có tội cả hay sao. Tôi muốn làm một công dân tốt, trong một đất nước có một Đảng tiền phong lãnh đạo". Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, ĐBQH phải nói thẳng, nói thật. Còn các vị bộ trưởng thì không nên nói nhiều về thành tích, không nên nói vòng vo câu giờ mà nên trả lời thẳng vào câu hỏi, dám nhận lỗi,và đã hứa thì phải thực hiện bằng được. "Tôi không tán thành cơ cấu ĐBQH một cách hình thức, vì như vậy sẽ thiếu đi những ĐBQH xuất sắc. Người đại biểu dân tộc ít người không cần đông, nhưng phải là người am hiểu các chính sách dân tộc . Quốc hội lấy một loạt các cô giáo theo đủ 4 tiêu chuẩn (trẻ, nữ, người dân tộc, tạm thời ngoài Đảng). Trong số đó, rất ít người mạnh dạn, có những cô giáo người dân tộc 5 năm không chất vấn câu nào, như vậy là quá lãng phí", GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng tâm sự. |
> Đọc thêm: Tình yêu cứu rỗi của nữ đại kiện tướng thế giới cờ vua Việt
Yến Dương (Còn nữa)