Cái "bắt tay" đôi bên cùng có lợi
Lầu Năm Góc giúp Hollywood kiếm tiền và đổi lại, kinh đô điện ảnh giúp loại bỏ hình ảnh tàn khốc của “cỗ máy chiến tranh” nước Mỹ - đó là câu nhận xét của nhà phê bình phim và là nhà bình luận văn hóa người Mỹ Michael McCaffrey về mối quan hệ giữa hai thực thể dường như không liên quan này.
Mỹ có ngân sách quân sự lớn nhất trên thế giới, lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái đất. Quân đội Mỹ cũng sử dụng bộ máy tuyên truyền thành công nhất mà thế giới từng biết đến: Hollywood.
Kể từ khi hợp tác vào năm 1927 thông qua tác phẩm từng đoạt giải Phim xuất sắc “Wings”, cho đến nay, quân đội Mỹ đã sử dụng Hollywood để quảng bá hình ảnh tới công chúng trong hơn 1.800 bộ phim và chương trình truyền hình.
Đổi lấy điều này, Hollywood được phép sử dụng các trang thiết bị quân sự tiên tiến trong các sản phẩm phim ảnh và chương trình truyền hình, đem lại doanh thu hàng tỷ đô la.
Nhiều bộ phim như "Lone Survivor ", “Captain Philips”, thậm chí những bộ phim kinh điển như “Transformers” và hàng loạt các bộ phim về siêu anh hùng oanh tạc phòng vé gần đây của Marvel, DC, đều đồng ý nhượng bộ một phần sáng tạo nội dung, để đổi lấy việc sử dụng vũ khí quân sự của Mỹ.
Để có được sự hợp tác của bộ Quốc phòng, các nhà sản xuất phải ký hợp đồng đảm bảo kịch bản đã được phê duyệt bởi quân đội, trước khi đưa lên màn ảnh rộng.
Mặc dù bị kiểm soát về mặt sáng tạo, các nhà sản xuất Hollywood vẫn tiết kiệm được hàng chục triệu đô la từ ngân sách cho trang thiết bị quân sự, các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng thiết bị, thậm chí là chi phí thuê địa điểm đắt tiền.
"Chúng tôi sẽ không hỗ trợ một chương trình làm mất uy tín hoặc thể hiện chúng tôi trên màn ảnh một cách không tốt", Đại tá Russell Coons, Giám đốc Văn phòng Thông tin Hải quân Mỹ, nói với Al Jazeera về tiêu chuẩn hợp tác.
Phil Strub, Giám đốc bộ phận hợp tác của Lầu Năm Góc với Hollywood cũng cho hay: “Nếu các nhà làm phim sẵn sàng nói chuyện về một số vấn đề chúng tôi quan tâm trong kịch bản của họ, thông thường hai bên sẽ dễ dàng đạt được một thỏa thuận.
Nếu không, các nhà làm phim có thể tự do làm sáng tạo theo ý mình nhưng sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ quân đội”.
Nói cách khác, bộ Quốc phòng Mỹ đang sử dụng ngân sách để đầu tư cho những bộ phim mà họ yêu thích.
Quân đội Mỹ không quan tâm đến sắc thái, sự thật hay những nhạy cảm tôn giáo có trong bộ phim, mà chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để công chúng có cái nhìn thiện cảm với mình nhất.
Điều này khiến nhiều quan điểm lo ngại rằng, bộ Quốc phòng Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy tài chính để chèn ép các bộ phim không chịu hợp tác với mình, không vì lợi ích quân sự hoặc ủng hộ Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
Sự nguy hiểm của liên minh Lầu Năm Góc-Hollywood ở chỗ, kinh đô điện ảnh nước Mỹ là công cụ có kỹ năng cực kỳ xuất sắc trong việc lồng ghép thông điệp tuyên truyền trong các sản phẩm giải trí.
Vỏ bọc "anh hùng"?
Bộ Quốc phòng không tham gia vào các bộ phim như “Iron Man”, “X-Men”, “Transformers” hay “Jurassic Park III” chỉ để cho vui. Quân đội Mỹ chịu đầu tư vì đó là một cách hiệu quả để âm thầm gieo vào nhận thức của công chúng Mỹ - đặc biệt là người trẻ tuổi – sự hâm mộ, tôn thờ đối với quân đội và cổ vũ cho chủ nghĩa quân phiệt.
Một số bộ phim như “The Longest Day” (1962) thậm chí còn bị nghi ngờ là sản xuất ra để cổ vũ tính “chính đáng” cho các cuộc phiêu lưu quân sự ra bên ngoài của người Mỹ và mang đến cho công chúng trong nước hình ảnh quốc gia của họ là “anh hùng”.
Tinh thần chủ nghĩa quân phiệt nằm trong những bộ phim bom tấn của Hollywood, cũng dẫn đến việc người Mỹ cố ý vin vào đó để ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Lý do cho cuộc xâm lược Iraq được Mỹ được xây dựng dựa trên những bộ phim thành công như "Saving Private Ryan" (1998) của đạo diễn Steven Spielberg và "Black Hawk Down" (2001) do Jerry Bruckheimer sản xuất, không chỉ thành công lớn về doanh thu lẫn giá trị nghệ thuật, các tác phẩm này còn ủng hộ không nhỏ cho sự bành trướng quân sự Mỹ trong thời đại mới.
Spielberg và Bruckheimer được biết đến là hai cái tên gạo cội của Hollywood được Lầu Năm Góc coi là cộng sự đáng tin cậy nhất của họ.
Một ví dụ khác về sự thành công của chương trình tuyên truyền của quân đội Mỹ là đứng đằng sau bộ phim bom tấn “Top Gun” (1986) với vai chính thuộc về Tom Cruise.
"Top Gun" là hình ảnh đại diện cho sự lạc quan và là “thuốc giải độc” điện ảnh sau quãng thời gian dài quân đội Mỹ bị chỉ trích vì cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam.
Từ mức ủng hộ thấp nhất (50%) vào năm 1980 cho đến thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh bắt đầu năm 1991 - sự ủng hộ của công chúng đối với quân đội Mỹ đã tăng lên 85%.
Kể từ sau “Top Gun”, cỗ máy tuyên truyền của bộ Quốc phòng đã thành công trong việc mang hình ảnh của mình gắn liền trong mọi mặt đời sống nước Mỹ.
Giới phân tích đặt câu hỏi, nếu Mỹ là quốc gia dân chủ nhất trong thế giới, tại sao quân đội của họ lại có ý định làm sai lệch suy nghĩ của công chúng trong nước?
Câu trả lời rất hiển nhiên: Bởi vì để thuyết phục người Mỹ rằng đất nước của họ là quốc gia dân chủ nhất trên Trái đất, Lầu Năm Góc phải biết lập lờ “tranh tối tranh sáng” và chống lại nghệ thuật chân chính.