Hơn 200 container “mất tích” ở cảng Cát Lái: Lộ sai phạm của cán bộ hải quan

Hơn 200 container “mất tích” ở cảng Cát Lái: Lộ sai phạm của cán bộ hải quan

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 4, 09/08/2017 08:30

Liên quan đến 213 container (nhập về cảng Cát Lái từ tháng 4/2015 đến tháng 2/2016) của 56 doanh nghiệp “mất tích bí ẩn”, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có thông tin ban đầu. Theo đó, ngành hải quan xác nhận có một số công chức thừa hành tại cảng chưa thực hiện đúng quy trình.

Đã truy bắt được hơn 60 container

Một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Liên quan đến số container nói trên, Tổng cục Hải quan xác định, một số công chức thừa hành tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Cụ thể, họ chưa cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hóa, không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...”.

Theo tìm hiểu của PV, có dấu hiệu cho thấy một số cán bộ hải quan đã can thiệp vào hệ thống điện tử, xóa thông tin xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi (BOA), hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập...

“Trường hợp can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, công chức thực thi hải quan đã có giải trình, đồng thời cục Hải quan TP.HCM cũng có văn bản báo cáo, đề nghị cục Công nghệ thông tin xác định thời điểm BOA bị xóa để làm rõ trách nhiệm của những cán bộ liên quan”, vị lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm.

Xã hội - Hơn 200 container “mất tích” ở cảng Cát Lái: Lộ sai phạm của cán bộ hải quan

Tổng cục Hải quan xác định, một số công chức thừa hành tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ.

Ngoài ra, việc để 213 container "biến mất bí ẩn" còn có một số nguyên nhân khác như đối tượng đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu.

Qua xác minh của cơ quan hải quan, 56 doanh nghiệp có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký.

Theo thông tin mà PV mới nhận được, cơ quan chức năng đã truy bắt được khoảng 60 container trong tổng số 213 container nói trên.

“Số này bắt được chủ yếu ở TP.HCM và Vũng Tàu với hơn 100 container, trong đó có khoảng 60 container có lai lịch từ cảng Cát Lái. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm số container đã rời khỏi cảng Cát Lái để ngăn chặn thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ”, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết.

Về hàng hóa trong các container này, theo cán bộ nói trên, đều là hàng cấm, hàng lậu, chủ yếu là hàng điện tử đã qua sử dụng (máy lạnh, máy giặt, thùng loa...) nhập khẩu tử Nhật Bản về Việt Nam. Đây đều là hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu.

Riêng đối với số container đã truy bắt được, cơ quan hải quan sẽ xác minh làm rõ thông tin nhập tại cảng khi nào, rời khỏi cảng ra sao và có hay không chúng biến mất cùng một kiểu.

Còn đối với toàn bộ vụ việc 213 container “biến mất bí ẩn”, hiện, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh (bộ Công an) và Công an TP.HCM khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm.

Được biết, mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra 1 container trong tổng số hơn 200 container chưa kịp “biến mất” tại cảng Cát Lái. Kết quả, container này cùng chủng loại, chứa cùng loại hàng hóa với số container đã truy bắt được.

“Từ những nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục Hải quan TP.HCM xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm. Đồng thời, Tổng cục cũng kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”, đại diện lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh.

 “Nóng” hàng quá cảnh

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng “chiêu thức” mang tên hàng quá cảnh để buôn lậu, với những diễn biến hết sức phức tạp, đang gây nhiễu loạn thị trường.

Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu quốc tế Bình Chánh được cho là có trụ sở tại TP.HCM vận chuyển mặt hàng được khai báo là dụng cụ nhà bếp, máy lọc nước, máy lạnh... mới 100%. Theo “lệnh” thông quan, doanh nghiệp này sẽ vận chuyển số hàng nói trên đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) để xuất sang Campuchia.

Tuy nhiên, rời khỏi cảng, doanh nghiệp đã lén tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Khi tiến hành xác minh, điều tra về doanh nghiệp này, cơ quan hải quan “té ngửa” bởi đây chỉ là một doanh nghiệp “ma”.

Xã hội - Hơn 200 container “mất tích” ở cảng Cát Lái: Lộ sai phạm của cán bộ hải quan (Hình 2).

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng “chiêu thức” mang tên hàng quá cảnh để buôn lậu.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trên cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, công ty này vẫn “đang hoạt động”. Theo đó, công ty được thành lập ngày 3/2/2016, đại diện pháp luật là Trần Văn Thùy, trụ sở tại 26 đường số 1 (phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM). Dù vậy, khi PV tìm đến thì không hề có doanh nghiệp nào như trên.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Trước những nghi vấn về hiện tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt giải pháp để chủ động đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm. Theo đó, ngành hải quan sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hải quan”.

“Tổng cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu. Mặt khác, tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm những công chức có hành vi vi phạm”, ông Cường khẳng định thêm.              

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.