Đã từ lâu, nghề tân trang hàng hiệu trở thành nghề “hốt bạc” trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề này mới thịnh hành và còn ít người mạnh tay chi tiền để sửa chữa, bảo dưỡng những món đồ xa xỉ...
Nhiều người chọn dịch vụ tân trang lại hàng hiệu đã cũ.
“Tút” lại hàng hiệu
Khách tìm đến các tiệm sửa chữa, bảo dưỡng đồ da chủ yếu để tân trang lại cho những món đồ hàng hiệu đã cũ của mình. Vì số tiền chi ra để mua được một món đồ hiệu Gucci, Prada, Giorgio, Burberry... lên tới cả ngàn đô, thậm chí hàng chục ngàn đô.
Chị Lê Thị Hương (khu đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) là một “tín đồ hàng hiệu”. Chỉ riêng túi xách, ví da chị đã có cả bộ sưu tập. Vì thế chị đã trở thành khách “ruột” của một cửa hàng tại phố Hà Trung (Hà Nội). Với chị, việc “chăm sóc” những món hàng hiệu được sánh ngang với việc chăm sóc sắc đẹp cho mình.
Không chỉ riêng chị Hương mà rất nhiều khách hàng tìm đến các cửa hàng chuyên tân trang đồ cũ. Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các hãng sản xuất đồ xa xỉ thường không chịu trách nhiệm trong việc làm sạch hay sửa chữa các món đồ bị hư hại. Nếu có thì việc sửa chữa cũng mất rất nhiều thời gian bởi có rất ít hãng xa xỉ có nhà máy bảo dưỡng tại các nước mà mình phân phối hàng.
Vì thế, chỉ trong quá trình bảo hành thì “thượng đế” mới được chăm sóc tận tình, còn các món đồ bị hỏng hoặc cũ muốn bảo dưỡng, sửa chữa thì họ phải tự tìm đến các cửa hàng chuyên làm mới đồ cũ có uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.
Phố Hà Trung nổi tiếng là phố thuộc da của Hà Nội. Ở đây, có nhiều cửa tiệm chuyên bảo dưỡng, sửa chữa làm mới đồ da. Có rất nhiều khách hàng tin vào tay nghề cũng như tiếng tăm của những người thợ lâu năm ở phố này đã mang những món đồ hàng hiệu đến tân trang.
Theo như lời kể của chị Hương, gần đây nhất chị phải mang chiếc túi xách hiệu Gucci (chiếc túi với giá 17 triệu- PV) đến phố Hà Trung để tẩy vết mực. Vì xót xa chiếc túi hàng hiệu vừa dùng được ít ngày, chị Hương phải chi đến 300 ngàn đồng mới lấy lại sự nguyên vẹn cho chiếc túi xách.
Chị Hương cũng cho biết, giá tân trang đồ hàng hiệu tùy thuộc vào từng món đồ (túi xách, ví da, dây lưng…). Và tùy thuộc vào mức độ hư hỏng hay cũ… mà các “nghệ nhân” sẽ bảo dưỡng, sữa chữa, “lên đời” theo đúng yêu cầu của khách. Có những món đồ chị mang đi tân trang chỉ hết vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có khi ngót nghét cả triệu đồng.
Không chỉ các cửa hàng chuyên làm mới, bảo dưỡng đồ da mới đắt khách, mà các cửa hàng chuyên sửa chữa đồ điện tử cũng được các tín đồ hàng hiệu nhắm tới. Họ đến để “tút” lại những chiếc điện thoại di động, máy tích xách tay hàng hiệu của mình… Giá để bảo dưỡng những món đồ ấy thì “thượng vàng hạ cám”, không có một mức giá chung. Tùy vào thương hiệu của sản phẩm các chủ tiệm sữa chữa, bảo dưỡng đồ thu tiền công của khách tương ứng.
Dịch vụ “hốt bạc”
Đã từ lâu, nghề tân trang hàng hiệu trở thành nghề “hốt bạc” trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề này mới được thịnh hành và còn ít người mạnh tay chi tiền để sửa chữa đồ cũ.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ sửa chữa và bảo dưỡng, một số khách hàng cũng yêu cầu thay thế các chi tiết đã hỏng. Theo chủ cửa hiệu 22 phố Hà Trung)- chuyên sữa chữa, làm mới đồ da, cho biết: Phần lớn món hàng được đem đến yêu cầu thay thế tại các cửa hiệu chủ yếu là thắt lưng, túi xách.
“Trước đây, khi người dân chưa có thói quen mua hàng hiệu thì dịch vụ này khá im ắng. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người mua các sản phẩm xa xỉ và nhu cầu cho dịch vụ bảo dưỡng mặt hàng này cũng tăng lên. Dịch vụ này ngày một gút khách", chủ cửa hàng này tiết lộ.
Tại Trung Quốc, mảng dịch vụ này của các doanh nhân gặp khó nếu các hãng thời trang xa xỉ tự mình cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng các món đồ cho khách hàng của mình. Tuy vậy, nhiều người trong lĩnh vực này vẫn đang kiếm bộn. Thậm chí, ở Trung Quốc nhiều doanh nhân nảy ra ý tưởng hợp tác với các hãng thời trang xa xỉ để mở rộng dịch vụ này.
Theo thông tin trên các trang mạng đăng tải, công ty Sửa chữa và Bảo dưỡng Đồ da Bắc Kinh phát triển dịch vụ chăm sóc hàng hiệu từ năm 2010. Doanh nghiệp này chuyên sửa chữa các mặt hàng xa xỉ làm bằng da với lợi nhuận hàng tháng là trên 150.000 nhân dân tệ (hơn 23.500 USD). Chi phí khách hàng phải trả tùy thuộc vào loại dịch vụ, nhưng nhìn chung dao động từ 250 đến 500 nhân dân tệ. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách hàng phải trả hàng nghìn nhân dân tệ bởi các món hàng xa xỉ của họ cần đến nhiều công đoạn để phục chế như ban đầu.
Ở các nước trên thế giới, dịch vụ sửa chữa hàng xa xỉ đang là nghề “hốt bạc”, còn ở Việt Nam chỉ những cửa hàng có tay nghề cao mới được khách hàng tìm đến. Tuy nhiên, cũng nhiều người có tâm lý khó chịu khi mang những món đồ hàng hiệu, đắt tiền đi tân trang bị hỏng, trầy xước… Vì thế, theo ông Tuấn (một thợ chuyên sửa đồ da trên phố Hà Trung), khi nhận sửa những món đồ hàng hiệu, khách hàng thường đưa ra thỏa thuận, nếu cửa hiệu làm hỏng đồ phải bồi hoàn tiền.
“Phần lớn các món đồ mà khách mang đến được yêu cầu bảo dưỡng làm mềm da, tẩy các vết bẩn, thay một số chi tiết nhỏ đã hỏng… Tuy vậy, các món đồ xa xỉ thường được làm thủ công và cần được xử lý hết sức cẩn thận, nếu không “sai một ly đi một dặm””. Ông Tuấn – một thợ sửa chữa đồ da ở phố Hà Trung – Hà Nội. |
Lam Giang