Từ ngày 27 đến ngày 29/11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây cũng là 3 ngày lễ hội lớn thu hút khách du lịch trong cả nước. Tuy nhiên, năm nay đền Trạng đón ngày lễ hội lớn đó bằng những lá đơn phản ánh và đơn kiện của nhân dân địa phương và một số du khách từng đến đền Trạng. Tình trạng này diễn ra suốt từ đầu năm 2013 đến nay mà chưa thể giải quyết êm đẹp được. Câu chuyện chỉ xoay quanh ông Trưởng BQL khu di tích.
Cách ứng xử thiếu tôn trọng của BQL đền Trạng
Cụ Trần Văn Khoáng, SN 1929, ở xóm 4, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nói trong phẫn nộ: "Đền trước đây là làng chúng tôi quản lý và tổ chức cúng lễ hàng năm. Sau khi được bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử, làng chúng tôi trao lại cho UBND xã Lý Học quản lý. Bao nhiêu năm chúng tôi làm rất nghiêm túc việc thờ cúng cụ. Tự nhiên đùng một cái, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo về khi hội nghị Đảng bộ của xã công bố là xã không đủ năng lực quản lý đền thì giao lại cho địa phương. Ông ấy đọc quyết định mà không trao đổi gì với nhân dân từ trước. Ông Mai (nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo) quyết định là trao trách nhiệm cho anh Đốc làm trưởng BQL đền, anh Kiều làm phó ban. Nhân dân chúng tôi cũng có nhiều điều phẫn nộ. Phẫn nộ thứ nhất là đền do nhân dân ở xã này xây dựng và giữ gìn. Đó là tài sản về tâm linh, tinh thần, là niềm tự hào của người dân. BQL đền tỏ ý coi thường cả địa phương chúng tôi, nhất là các cụ bô lão ở trong làng. Có công việc gì ngoài đền không bao giờ hỏi ý kiến của chúng tôi. Chỉ có đến ngày lễ hội, chúng tôi ở đây có đội tế, thì yêu cầu ra tế và một số các cụ ra rước thì nhà đền trả tiền thù lao 10.000 đồng cho mỗi cụ”.
Một hot girl ngồi trên lòng tượng cụ Trạng Trình chụp ảnh vì BQL đền buông lỏng quản lý.
Ông Lê Thiên Lý, nhà thư pháp nổi tiếng số một của Hải Phòng được nguyên Phó chủ tịch UBND TP, ông Hoàng Văn Kể mời về đền Trạng để gây dựng việc viết thư pháp chữ Hán Nôm ở đền từ năm 2007. “Khi tôi về đền Trạng, UBND huyện, UBND xã đã rất trân trọng. Anh Đốc vừa lên làm Trưởng BQL đền được mấy hôm, anh ấy đã dán ngay một cái trát đòi tiền chỗ ngồi của tôi ở trong sân đền. Anh ấy thu của tôi mỗi buổi 500.000 đồng và không giải thích gì thêm. Thế rồi anh ta cho rất nhiều người vào viết thư pháp trong đền, làm loạn cả đền vì các nhà thư pháp của anh ta viết sai khiến du khách phẫn nộ. Anh ta lại còn đuổi thầy trò tôi ra khỏi đền. Từ khi anh Đốc đuổi tôi khỏi đền, tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại đe dọa và những tin nhắn tục tĩu với nội dung cấm tôi về đền viết chữ. 7 năm trời tôi viết chữ ở đền không va chạm với ai. Chỉ từ khi anh Đốc lên làm Trưởng BQL đền mới xảy ra tình trạng như vậy. Tôi hơn 70 tuổi, là người gây dựng lại không khí học hành ở đền Trạng mà anh ấy đối xử với tôi như mấy bà bán hàng rong ngoài đường”.
Tập thể giáo viên và học sinh giỏi khối 12, trường THPT Lê Quý Đôn, phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng phản ánh: "Sáng ngày 28/09/2013, chúng tôi có đến dâng hương tại đền Trạng. Khi vào đền, thầy cô và học sinh có nguyện vọng thắp hương ở Hậu cung. Ông Nguyễn Bá Đốc mở cửa cho chúng tôi. Các cháu học sinh có hơi ồn, ông Đốc liền đuổi hết mọi người ra với lời lẽ rất khó nghe khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm”.
“Ba ngày lễ hội hoa nhiều không thể tưởng tượng được. Ngày xưa xã làm hội còn tiết kiệm, còn đóng góp tiền công đức vào công quỹ của xã. Nhưng mà ở đền bây giờ, họ chở hàng bao nhiêu xe ô tô tải toàn lẵng hoa to, toàn cây to. Xong rồi họ vứt đi. Nhiều người góp ý: Dân người ta mang hoa đến là nhiều quá rồi, không cần mua thêm nữa nhưng mà năm nào cũng đi mua hoa tràn ngập”, chị Trần Kim Liên, Chánh Văn phòng Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng cho biết.
Một số người không hiểu vì lý do gì được ngồi bên trong đền bán hàng; còn lại phải ra ngoài. Đây là nguyên nhân gây mâu thuẫn cho người dân.
Quản lý di tích cấp quốc gia theo kiểu... tùy hứng?
Kinh hãi thầy đồ cho chữ “Phát” thành chữ “Phạt” Theo đơn phản ánh của chị Trần Kim Liên, năm 2010 ông Đốc có cho một ông viết thư pháp tên Tản (không rõ địa chỉ) xưng danh là “cho chữ thánh hiền” viết thư pháp ở đền Trạng. Ông này viết sai những chữ như chữ “Phát” thành chữ “Phạt”; chữ “Chí” thành chữ “Chó”, Một số người xin chữ đã kiện ông Đốc đến lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo và lãnh đạo xã Lý Học. |
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tờ thông báo thu tiền chỗ ngồi của ông Lê Thiên Lý, ký tên ông Nguyễn Bá Đốc. Ông Cảnh khẳng định: “UBND huyện không hề biết có chuyện thu phí “chỗ ngồi” như thông báo của ông Đốc. Hay một việc tùy hứng khác mà ông Đốc làm chính là việc ngày 16/06, ông Đốc đã có cuộc họp với nội dung: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Bảo, ban quản lý đền mời tất cả những người viết thư pháp ra khỏi khu vực đền. Ông Đốc khẳng định với PV báo ĐS&PL: "UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo việc di dời tất cả những hoạt động kinh doanh trong đền Trạng ra khỏi khu vực bên trong sân đền”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Cảnh lại khẳng định: "Từ trước đến giờ huyện chưa cho ai vào trong đền bán hàng và cũng chưa cho ai ra khỏi đền, không được bán hàng”.
Đầu năm 2013, ông Đốc cho thêm 3 nhóm thư pháp nữa vào đền Trạng. Kể từ đó, cảnh lộn xộn, bát nháo, chơi đểu nhau thường xuyên xảy ra ở đền Trạng. Bắt đầu là gian hàng của nhóm viết chữ của vợ chồng ông Phong ở Kiến An, Hải Phòng bị hất xuống ao; các nhóm chiếm chỗ của nhau; ông Lê Thiên Lý bị một đối tượng bảo kê cho một nhóm viết thư pháp khác hành hung, chửi bới, cướp đồ.
Trước đây, khu đền Trạng chỉ là một khu thờ nhỏ. Năm 1994, nhân dân trong xã có đất ruộng ở xung quanh đền đã hiến đất để mở rộng diện tích đền. Sau khi dân hiến đất xong, UBND xã Lý Học có hứa sẽ tạo điều kiện để nhân dân quanh vùng, nhất là những hộ đã hiến đất bán hàng, làm dịch vụ quanh đền. Việc này duy trì bình thường dưới sự quản lý của UBND xã Lý Học. Cho đến khi UBND huyện giao việc quản lý việc bán hàng cho BQL đền thì mọi chuyện nảy sinh mâu thuẫn. Từ cuối năm 2012 đến nay, người dân liên tục kiện ông Nguyễn Bá Đốc vì những khuất tất trong việc bốc số chỗ ngồi cho bà con. “Ông Đốc và BQL đền ngồi trong một cái phòng, gọi từng người vào bốc số chứ không cho tất cả mọi người vào chứng kiến. Chúng tôi hỏi ông Đốc thì ông ấy giải thích: Huyện chủ trương thế. Chúng tôi xin chủ trương thì ông ấy không cho, còn có những thái độ thiếu tôn trọng người dân”, chị P.T.M., một người bán hàng ở khu vực cổng đền Trạng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Lý Học cũng công nhận: "BQL làm cũng chưa chặt chẽ. Đúng là có chuyện bốc số chỗ ngồi cho bà con trong cái nhà bảo vệ của đền. Ban chỉ đạo ngồi trong, gọi người vào bốc số. Bà con có kiện việc này nên UBND huyện lại giao cho xã giải quyết. Hiện giờ xã đã giải quyết ổn thỏa rồi”.
Trả lời về việc quản lý tình trạng viết thư pháp lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh trong đền Trạng, ông Đốc cho biết: "Hoạt động này bắt đầu từ năm 2007, đến nay vẫn diễn ra khá tự do. Những người có thương hiệu như cụ Lê Thiên Lý thì không nói làm gì, những người khác muốn vào viết ở đây chúng tôi đều yêu cầu có chứng nhận của một câu lạc bộ thư pháp và thông qua phòng văn hóa của huyện. Những việc khác, ông Đốc cho rằng mình đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình được giao.
Thanh tra sở VH- TT&DL đang vào cuộc Ông Nguyễn Đức Cảnh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: "Không có văn bản nào UBND huyện giao cho BQL đền quản lý hoạt động thư pháp. Nhưng hoạt động thư pháp như báo chí phản ánh (báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng lộn xộn trong hoạt động thư pháp ở đền Trạng), huyện cũng xem xét và giao cho phòng văn hóa thông tin chủ trì đi khảo sát một số đơn vị xem mô hình người ta quản lý như thế nào rồi về áp dụng ở đền Trạng. Đối với những phản ánh của nhân dân xã Lý Học và khách du lịch, ông Cảnh cũng cho biết là UBND huyện chưa từng biết. UBND huyện lập ra BQL đền nhằm để hoạt động của đền tốt hơn. Nhưng nếu hoạt động ở đó không tốt hơn thì UBND huyện sẽ có những điều chỉnh, ông Cảnh cho biết thêm. Hiện nay, thanh tra sở VH-TT&DL cũng đang vào cuộc thanh tra theo đơn thư tố cáo ông Nguyễn Bá Đốc ở đền Trạng. |
Hải Toàn