Hủ tiếu gõ - góc đêm Sài Gòn

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Sài Gòn về đêm, trong những con hẻm nhỏ, trên những con đường không ồn ào, và những vỉa hè không tấp nập ta lại thấy những chiếc xe đẩy của những con nguời tha phương kiếm sống bằng nghề bán hủ tiếu.

Họ lặng để đẩy đi hương vị của cả một vùng quê nào đó bán cho những vị khách đói lòng trong đêm. Cái mùi vị bình dân ấy đã khiến bao khách phải dừng chân nán lại để thưởng thức và rồi nó vô tình trở thành thói quen ẩm thực đêm của một thành phố phồn hoa, tráng lệ.

Người bán đang làm hoành thành để bán cho khách

Nghệ thuật ẩm thực vỉa hè

Có thể nói loại ẩm thực bình dân và đại trà nhất đại diện cho ẩm thực vỉa hè trong đêm vẫn là hủ tiếu. Người ta có thể khó khăn để tìm ra một quán phở, quán ốc hay quán cháo lòng nhưng lại dễ dàng tìm thấy một quán hủ tiếu bình dân đâu đó. Nó dường như có mặt trong mọi ngóc ngách, mọi ngõ hẻm và cả trên những con đường lớn với hình ảnh đặc trưng đập vào mắt người nhìn là một chiếc xe kéo, những chiếc bàn nhựa xếp ngăn nắp vào một vách tường trong hẻm hay vỉa hè bên đường.

Hủ tiếu là món ăn lâu đời có nguồn gốc từ người Hoa, qua sự du nhập và học hỏi lẫn nhau, hủ tiếu của người Hoa đã được người Việt biến tấu trở thành một món ăn khá quen thuộc cho người Việt bây giờ. Tùy vào mỗi vùng miền mà cách chế biến khẩu vị thích hợp riêng. Có khá nhiều loại hủ tiếu như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Thanh Xuân... Song hình thức chúng vẫn giống nhau chỉ khác ở hương vị, cách trình bày, và cách làm nước lèo truyền thống của từng người đầu bếp.

Vòng qua các con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi ở quận 5, hay các con đường nhỏ khác ở quận 6 sẽ bắt gặp những quán hủ tiếu với các tên gọi như Zìn Ký, Sơn Ký, Tàu Ký... rất đặc sắc của người Hoa.

Trong các con hẻm nhỏ trên tất cả các con đường quen thuộc trong thành phố như Kha Vạn Cân, Chợ Bà Chiểu, Quang Trung... chúng ta sẽ thấy ẩn đằng sau những dãy nhà cao tầng, những ánh đèn rực rỡ là những mái che tạm bợ, những ánh đèn pha công suất nhỏ đủ sáng trong một khoảng không chật hẹp để lữ khách dừng chân nán lại ghé vào ăn cho đỡ đói lòng.

Hủ tiếu – món ăn đêm Sài Gòn

Sài Gòn là nơi hội tụ nhiều tầng lớp. Sau một ngày vất vả với công việc những người có tiền thì tìm đến nhưng nơi sang trọng, những kẻ bình dân lại tìm về với những bát phở, bát cháo và những tô hủ tiếu ngun hút hơi ấm và hương thơm đến nức lòng. Họ đến đó không chỉ để ăn cho dịu cơn đói mà còn đến để tìm về một chút hương vị ấm áp của một vùng quê nào đó để vơi đi nỗi nhớ nghẹn ngào nơi họ đã từng rời xa để đến với mảnh đất Sài thành xô bồ và hối hả này.

Một quán hủ tiếu bên góc đường Kha Vạn Cân

Trong không khí yên tĩnh, không gian thoáng đãng và cả ánh đèn hiu hắt len lỏi giữa những con đường rộng lớn, chúng ta thử ngồi xuống và thưởng thức từng cọng bún dai mềm, từng miếng thịt mỏng nhỏ và đặc biệt là cái nước lèo ngọt thơm sẽ không có gì thù vị bằng giữa đem Sài Gòn như thế.

Không cầu kì mĩ vị, không sang trọng đẳng cấp, nó đơn thuần và bình dân như chính cái tên của nó "Hủ tiếu", thế nhưng nó lại trở thành một nét đặc trưng của ẩm thực đêm nơi đây. Lân la khắp các quán vô tình ta sẽ bắt gặp hình ảnh vừa ăn vừa đùa vừa trò chuyện của một nhóm bạn trẻ ăn khuya, hay một đôi bạn đói lòng dừng chân, hoặc cũng có thể là một kẻ cô đơn nào đó ăn để trút buồn...

Có thể nói hủ tiếu gõ là điểm lựa chọn đầu tiên trong danh sách ẩm thực khuya của đa số thanh thiếu niên hiện nay, và của những người lỡ đường đói bụng dừng chân ghé lại, và hơn hết nó trở thành một thói quen ăn đêm của nhiều người vì vừa đơn giản, vừa vừa bình dân lại phù hợp với mọi túi tiền. Ngày vật giá chưa leo thang thì giá một tô hủ tiếu chỉ có 2.000 đồng rồi sau đó nó cũng bắt đầu tăng dần lên 5.000 đồng, tùy vào sở thích và cách ăn của từng người muốn thêm cục giò hay nhiều thịt thì giá sẽ tăng thêm từ 3 - 5 ngàn đồng một tô. Nó rẻ và đơn giản như thế đấy.

Đa số những người bán hủ tiếu gõ là người từ miền Trung nhất là ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... vào Sài Gòn buôn bán. Họ ăn rồi bắt đầu học hỏi và biến nó trở thành kế sinh nhai của mình. Chính vì thế mà lâu lâu những thực khách vô tình nhận ra nhau là đồng hương, họ lại càng cảm thấy ấm lòng và thân thuộc hơn khi nghĩ mình đang chứa cả hương vị quê nhà trong đó.

Nghề hủ tiếu gõ tuy không quá nặng nhọc nhưng vẫn phải chấp nhận vất vả. Để có một gánh hủ tiếu bán đêm thì ngay sáng sớm họ phải len lỏi qua các chợ đầu mối để mua nguyên vật liệu từ thịt, giá, hẹ, tương, ớt... tất bật từ sáng đến trưa để chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho hành trình kiếm tiền trong môi trường ẩm thực đêm của một Sài Gòn sầm uất. Thu nhập tuy không cao, nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình của những con người tha phương kiếm tiền trên đất khách xô bồ và phức tạp như thế này.

Đâu đó trong đêm, những tiếng "lốc cóc... lóc cốc", "xèng xẹt...xèng xẹt", hay "lét két...lét két"... đan xen nhau nhưng người ta biết đâu là tiếng gõ của một tô hủ tiếu bốc hơi thơm lừng, đâu là tiếng của người bán phục linh, sương sáo và đâu là tiếng của những chàng trai làm nghề tẩm quất. Họ có thể đẩy cửa để gọi một cậu bé đang "lốc cốc... lốc cốc" mang vào một tô hủ tiếu nóng hổi để lót bụng cho dễ ngủ.

Chúng ta thử bỏ qua mọi tiêu chuẩn về nhu cầu, hãy trải lòng mình trong một khoảng không dễ chịu cùng một tô hủ tiếu thơm ngát và tận hưởng từng chút một từ cọng bún cho đến từng muỗng mước lèo, sẽ thật sự sảng khoái, nhẹ nhàng và no lòng sau những giờ phút căng thảng, mệt mỏi và khó chịu để rồi chúng ta thoải mái trở về mái ấm của mình đánh một giấc ngon chờ ngày mai sẽ tới.

Huyền Thanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.