"Kỳ án" như trong phim hài
Căn nguyên của "kỳ án" bi hài như trong phim này xảy ra vào khoảng rạng sáng ngày 4/2/2013. Trước đó, khoảng 19h ngày 3/2, tại một quán nhậu trong thị thấn Long Mỹ (Hậu Giang) cùng ngồi với Trương Thành Tâm (SN 1991, ngụ ấp 1, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có Đinh Minh Thiện (SN 1988, cùng ngụ thị trấn Long Mỹ), cùng Nguyễn Văn Bon (24 tuổi, ngụ xã Long Bình, huyện Long Mỹ). Sau khi nhậu say, ai nấy đều "tưng tưng" men rượu trong người, cả 3 "đệ tử lưu linh" ngồi lì tại quán nhậu.
Bà nội của Tâm vui mừng khi đứa cháu dại dột được thả về.
Chủ quán nhiều lần giục nhóm Tâm ra về, nhưng đến khoảng 1h ngày 4/2, 3 gã trai làng vẫn ngồi "nổ như pháo", chán chê cả bọn quay ra bắt lỗi lời nói lẫn nhau. Sau màn đấu khẩu "nảy lửa", chẳng ai chịu kém ai, ai cũng cho rằng đối phương chỉ là những kẻ "múa trống khua chiêng", chẳng đáng mặt "anh hào". Cãi nhau chán, một đối tượng nghĩ ra quái chiêu thi thố bản lĩnh bằng việc thách đố ai dám đến trụ sở công an huyện gần đó để...đập phá.
Nghe lời khích bác, Tâm liền nổi máu "yêng hùng". Y khật khưỡng đi về phía trụ sở công an huyện Long Mỹ cách đó không xa, Thiện và Bon lục tục theo sau. Trên đường đi, Tâm nhặt được một thùng nhựa cứng đã qua sử dụng, cầm theo làm "công cụ thể hiện bản lĩnh". Xách chiếc thùng nhựa trên tay, Tâm đến gần nhà bảo vệ trụ sở công an huyện, thẳng tay đập mạnh vào kính cửa sổ.
Tuy nhiên, những cú đánh đầu tiên không đủ lực, phần vì "hung khí" quá nhẹ. Thấy "quê mặt" với 2 bạn nhậu đang đứng "mục sở thị" bản lĩnh của mình, Tâm giở bài chửi thề bâng quơ nhiều lần, và tiếp tục xách thùng nhựa lên "vận lực" đập liên tiếp vào cửa kính nhà bảo vệ, gã đập cho đến khi chiếc cửa kính bể tan mới chịu ngừng tay. Hành vi ngông cuồng đó, bị các chiến sĩ công an trực đêm phát giác, truy đuổi và tóm gọn cả nhóm Tâm sau ít phút bỏ chạy.
Ngày 4/2, cơ quan CSĐT công an huyện Long Mỹ cho rằng, dù giá trị tài sản bị hủy hoại chỉ khoảng 150 ngàn đồng, chưa đủ mức thiệt hại theo qui định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự là 2 triệu đồng. Tuy nhiên hành vi cố ý đập bể cửa kính cửa sổ nhà bảo vệ trụ sở công an huyện đã gây hậu quả nghiêm trọng, nên đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo qui định tại khoản 1 điều luật trên. Ngoài ra, hành vi này lại gây xôn xao, bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng tới hiệu quả tấn công, trấn áp tội phạm, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Nhiều năm qua, cha con Tâm sống trong căn nhà đơn sơ này.
Vì thế cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản" đối với Tâm. Sau đó, Tâm bị bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra, còn hai đối tượng Thiện và Bon, dù có liên quan đến vụ án, nhưng qua xác minh, hai người này chỉ nhậu chung, và cùng đi đến trụ sở công an huyện, cũng không bàn bạc trước với Tâm việc đập phá, đồng thời cũng không có hành vi đập phá nên không có cơ sở để xử lý hình sự.
Liên quan đến vụ án, sau khi Tâm bị bắt giam, gia đình y đã bồi thường thiệt hại tài sản bị hủy hoại cho công an huyện Long Mỹ. Đến giữa tháng 4/2013, hồ sơ vụ án được chuyển sang TAND huyện Long Mỹ để đề nghị xét xử Trương Thành Tâm về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Đến lúc này, trong bốn bức tường nhà giam, gã trai làng lặng lẽ khóc thầm, gã không ngờ chỉ vì một phút bồng bột nhất thời, gã dính vòng lao lý trong tình huống trớ trêu đến không ngờ.
Tuổi thơ tủi cực
Tìm hiểu về gia cảnh của gã trai làng dại dột Trương Thành Tâm, mới thấy gã vừa đáng giận, lại vừa đáng thương. Tâm sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, ở ấp 1 thị trấn Long Mỹ. Nhà Tâm nghèo khổ từ đời ông nội, đến đời cha Tâm vẫn còn bị cái nghèo đeo bám. Ông, bà nội Tâm sinh được 8 người con, ông Trương Thành Tôn, cha Tâm là con thứ 2 trong nhà. Sinh ra trong cảnh nhà đông con, không có ruộng đất, cha Tâm cùng các anh, chị em khác đều thất học, vất vả từ nhỏ. Năm 21 tuổi, ông lập gia đình với cô thôn nữ ở xã bên, sau đó sinh được Tâm.
Khi Tâm được 3 tháng tuổi, vì mâu thuẫn vợ chồng, mẹ Tâm bỏ cha con Tâm đi biệt tích. Suốt nhiều năm sau đó, mẹ Tâm chỉ về thăm Tâm đúng một lần duy nhất. Tâm lớn lên trong tình thương yêu của người cha, sự đùm bọc của ông, bà nội cùng các cô, bác trong nhà. "Ngày đó, thằng Tâm còn đỏ hỏn, mẹ nó đã bỏ đi. Cha con nó vô cùng khổ cực. Mỗi khi thằng bé khát sữa, khóc ré lên lòng tôi đau nhói. May mà khi đó, tôi sinh thằng con út trước thằng Tâm vài tháng tuổi, nên có sữa cho thằng Tâm bú cả thể. Hai chú cháu nó bằng tuổi nhau, cùng bú chung một bầu sữa mà lớn lên", bà Phạm Thị C. (66 tuổi, bà nội của Tâm) tâm sự.
Dù gia cảnh khó khăn, cha Tâm vẫn gắng gượng "gà trống nuôi con", ông bươn chải đủ các nghề bốc vác, chạy ghe, làm mướn... để nuôi Tâm ăn học. Nhưng chật vật lắm ông cũng chi lo nổi cho Tâm học đến lớp 6 rồi nghỉ. Nhiều năm cực khổ, cha Tâm đổ nhiều chứng bệnh trong người, ông mắc căn bệnh hen suyễn suốt nhiều năm qua. Lao động cực nhọc, lại lao lực vì bệnh tật không có tiền chữa chạy, ông Trương Thành Tôn cứ gầy gò, đen đúa như cây củi. Lại thêm căn bệnh sâu răng, khiến ông Tôn gần như rụng hết răng, vì vậy ở tuổi 47 trông cha Tâm còn già hơn cả ông nội 67 tuổi.
Trương Thành Tâm.
Trước khi bị bắt, Tâm được người dân địa phương đánh giá là chàng trai khá hiền lành, chịu khó làm ăn. Vì ít học, nghề nghiệp chính của Tâm là làm thuê, làm mướn quanh năm. Đến mỗi vụ lúa, Tâm đi bốc vác cho nhà máy xay xát lúa trong ấp mỗi ngày công khoảng 100 ngàn đồng, mỗi khi nông nhàn, gã đi thả lưới đánh cá, hoặc tìm kiếm bất cứ công việc gì có thể bán sức lao động để kiếm tiền phụ giúp người cha bệnh tật trang trải cuộc sống. Dù nỗ lực lao động, nhưng với người ít học, chỉ cốt bán sức lao động mưu sinh lại không có ruộng đất như cha con Tâm, thì cuộc sống vô cùng khó khăn. Tính đến khi bị bắt, Tâm sống cùng cha trong căn nhà mái lá tuềnh toàng, không có nổi một cái giường, chỉ chơ vơ một chiếc võng, vài bao thóc và một chiếc dát giường kê ở góc nhà làm nơi nghỉ ngơi.
"Thằng Tâm bị bắt ngày 3/2, đến ngày 25/2, gia đình tôi mới được báo tin. Đến khi nó bị xét xử, 10 tháng trời gia đình tôi sống trong nơm nớp lo âu, không biết con, cháu mình mắc tội gì. Suốt 10 tháng đó, cha nó lo lắng như người phát điên đau xót, khóc thầm vì con. Nhìn cha nó rầu rĩ như người sắp chết mà thắt cả lòng. Gia đình tôi nghèo khổ quá, 3 lần đi thăm cháu mà chỉ gửi cho nó được 80 ngàn đồng, với một ít mỳ tôm", bà nội Tâm nói.
Ngày Tâm trở về, người cha đau khổ, và ông, bà nội của y đã vui mừng rớt nước mắt. Từ đó, cha con Tâm trở lại những ngày tháng chăm chỉ làm mướn, trang trải cuộc sống nghèo khó. Sau gần 1 tháng từ ngày được trả tự do, gặp chúng tôi, Tâm ân hận bảo: "Sự ngu dại của em đã đẩy cha, ông bà vào cảnh đau khổ. Giờ đây, được làm lại cuộc đời, em sẽ chăm chỉ làm mướn, cố gắng trở thành người tốt. Những ngày sống trong trại giam, em đã thấm thía lắm rồi". Tâm cũng bảo, từ ngày trở về, cậu đã đoạn tuyệt với những người bạn xấu, chí thú làm ăn. Mỗi khi rảnh rỗi, gã trai làng lại quanh quẩn bên mái tranh nghèo, với ông bà nội thân yêu.
Bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ Sau hơn 10 tháng bị tạm giam, Tâm bị TAND huyện Long Mỹ đưa ra xét xử tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Xét hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình bị cáo Trương Thành Tâm, và thái độ ân hận, thành khẩn khai báo trước hành vi sai trái của bị cáo. TAND huyện Long Mỹ quyết định phạt bị cáo Tâm 12 tháng cải tạo không giam giữ. Do bị cáo đã bị tạm giam 10 tháng, 9 ngày, sau khi khấu trừ, thời gian chấp hành hình phạt còn lại là 1 tháng 21 ngày. Bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, trở về địa phương sinh sống dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. |
NGUYÊN VIÊT