Tại buổi họp báo sáng 19/9, Huyền Chip đã giải đáp những nghi vấn của độc giả về các chi tiết bị cộng đồng mạng coi là “hoang đường” trong hành trình kéo dài gần 2 năm của cô như việc xin visa dễ dàng qua 25 nước, chi phí chuyến đi, việc vượt biên trái phép, kiếm việc với mức lương cao ngất dù không có kinh nghiệm, bằng cấp và không biết ngôn ngữ địa phương...
Huyền Chip trong buổi họp báo sáng 19/9
Tuy nhiên, thông tin gây chú ý nhất là việc Huyền Chip kể, cô bị xe máy tông gãy "ống đồng", nhưng chỉ sau đó ba tuần đã có thể đi lại, chạy nhảy bình thường, thậm chí là leo núi.
Trong buổi họp báo, một độc giả đã hỏi Huyền Chip về chi tiết này và cô khẳng định: “Xin lỗi bạn mình không có nói cái đoạn đấy trong sách”. Tuy nhiên, sau một hồi tranh cãi, cô thừa nhận là bị gãy chân do có thể không tin vào thần linh khi ở Ấn Độ. Lý giải cho việc hồi phục quá nhanh chóng, Huyền Chip cho rằng “mỗi người có một cách bình phục nhanh chậm khác nhau”.
Ngay sau đó, trên các diễn đàn mạng, bức ảnh chụp trang sách có chi tiết này được trưng lên với những dòng rõ ràng.
Độc giả tự hỏi, lẽ nào tác giả của nó, một cô gái trẻ 23 tuổi lại đãng trí và quên những chi tiết này dù cuốn sách chỉ mới được phát hành có 1 năm.
Theo PGS. TS Vũ Quang Vinh, phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình - bệnh viện Bỏng Quốc gia, thời gian để hồi phục sau khi gãy ống đồng ít nhất là 2 tháng. Tùy từng trường hợp như gãy kín hay gãy hở, bó bột hay phẫu thuật, thời gian phục hồi có thể lâu hơn. Tuy nhiên, chắc chắn sau 3 tuần người bệnh không thể hoạt động mạnh ngay được. Do đó, việc leo núi sau 3 tuần gãy ống đồng là điều khó có thể xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Nguoiduatin.vn, nhà văn Y Ban cho biết bà có theo dõi lùm xùm quanh cuốn sách của Huyền Chip. Nhà văn Y Ban nóit: “Bản thân tôi là người sáng tác nên tôi hiểu những điều hư cấu trong tác phẩm hoàn toàn có thể thay đổi, nay hư cấu thế này, mai lại thế khác. Các nhà văn viết tiểu thuyết thường phải lập sơ đồ tuyến tính nhân vật hẳn hoi để tránh nhầm lẫn. Nhưng nếu đã là tác phẩm dạng hồi ký, cẩm nang như thế này (Xách ba lô lên và đi – PV) thì tác giả không được phép sai lầm. Nếu đó là sự thật thì tác giả phải nhớ. Nếu Huyền Chip thực sự gãy chân, cô ấy phải nhớ ngay. Nhưng ở đây, sự dối trá đã thò ra”.
Nhà văn Y Ban nói thêm, bà không bình luận gì thêm về vụ lùm xùm cuốn sách của Huyền Chip, nhưng “cô bé đó mới có 23 tuổi. Thôi cứ để cuộc đời dạy cho cô ấy bài học!”.
Nhiều người dấy lên nghi ngờ, liệu Huyền Chip có thực sự là người chắp bút từng câu chữ của "Xách ba lô lên và đi" không?
Trích một đoạn trong bài viết của Facebooker Cười Chút Chơi: “Bản thân các bài viết, và cuốn sách đứng tên em, là thành phẩm của em, do em tự tạo nên, hay do một ai đó đã biên tập, hiệu đính, chỉnh sửa, thậm chí thêm thắt vào cho sinh động, gay cấn, lôi kéo độc giả ? Có thể không hẳn chỉ do em nghĩ đâu, mà người ta muốn thế. Cuốn sách của Huyền Chip vì thế sẽ có những lỗi ngơ ngẩn, mà tự em phải chấp nhận, há miệng mắc quai công nhận một cách buồn cười. Ví dụ chi tiết em bị tai nạn xe đâm vào. Có thể đó là chi tiết do người nào đó phang thêm vào, và Huyền Chip do cũng muốn có chút gay cấn nên đồng ý bơm thêm. Em có thể không hiểu xe máy chạy 100km/giờ đâm vào thì em sẽ thành cái gì, cũng không nghĩ cái ống cẳng chân gãy thì phải nằm bao lâu. Vấn đề là ai đó đã thêm vào để hấp dẫn câu khách, hợp với câu chuyện cậu bé Phật, và Chip phải ừ. Mà đã ừ rồi thì em phải chịu bị búa rìu mổ xẻ, không nói lại được. Khổ là chính em có đọc điều ấy không, và có phải em viết đâu…. Nhưng chi tiết ấy đã bị bịa ra ngoài ý của Chip, và có trong sách, nên em không nhớ và bị ăn gạch tơi bời”. |
Phương Anh