Hơn 30 năm trước, Mai Tài một mình đương đầu với gần cả trăm tên cướp để bảo vệ đoàn tàu Thống Nhất. Vậy mà ít ai ngờ, hiện nay ông lại là một lương y điềm đạm, ngày ngày chẩn bệnh bốc thuốc cứu người.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật từ nhỏ ông đã được rèn luyện để có được sức mạnh cũng như tinh thần võ học. Trưởng thành, Mai Tài gia nhập quân đội để chiến đấu và bảo vệ quê hương.
Mai Tài vốn là chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định 2 vang danh bởi cái tên C7 anh hùng, chiến đấu tại vùng đất thép Củ Chi. Sau khi tham gia giải phóng Sài Gòn - Gia Định, ngày 19/8/1975 Tài Đô (biệt danh của Mai Tài) được gọi vào lực lượng công an cùng với các đồng chí bảo vệ thành công lễ Quốc khánh 2/9/1975. Cuối năm 1976, theo phân công của chỉ huy và yêu cầu công việc, Tài Đô được chọn là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 4 Cảnh sát bảo vệ xe lửa.
Năm 1977, Mai Tài làm tổ trưởng trật tự tại ga Diêu Trì (tỉnh Nghĩa Bình, nay là Bình Định) và năm 1978 đảm đương trách nhiệm giữ an ninh trật tự tại ga Quy Nhơn. Đến vùng đất mới, bản tính ham học hỏi võ thuật của ông trỗi dậy khi được biết cách ga Diêu Trì không xa là lò võ của thầy Hà Trọng Sơn - được mệnh danh là Hùm xám đất Bình Định. ông tìm đến và rất may mắn được thầy Hà Trọng Sơn thu nhận làm đệ tử.
Mai Tài luôn ý thức: "Trên sàn đấu, mình còn có thể tung khăn trắng để nhận thua, bảo toàn tính mạng nhưng đương đầu với bọn cướp thì không thể. Chỉ cần sơ sẩy trong chớp mắt là bọn chúng có thể "luộc chín" mình ngay. Sở dĩ chúng sợ công an là chúng sợ lẽ phải, sợ những con người "thi ân bất cầu báo". Nhưng khi bọn tội phạm sợ thì chúng càng liều lĩnh, manh động nên người công an phải tinh thông võ thuật để vừa bảo vệ được nhân dân, vừa bảo vệ chính mình...".
Tài Đô ý thức được sự nguy hiểm trong công việc của mình. Vì cấp trên có lệnh các chiến sĩ phải bám tàu, theo dõi các đối tượng móc túi, trộm, cướp trên tàu, chặn bắt và thậm chí truy lùng tới tận hang ổ của chúng nên mọi sinh hoạt, ăn ngủ của Tài Đô cũng như các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 hầu như đều gắn chặt với con tàu.
Trong hai năm 1977 - 1978 Mai Tài và các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đã bắt giữ tới vài trăm tên bất lương. Bọn chúng, phần được đi học tập cải tạo, phần bắt buộc học các lớp ngắn ngày về cách làm ăn rồi được cho về quê. Nhiều người trở thành tai mắt của công an.
Sự thiệt hại nghiêm trọng về lực lượng và việc làm ăn ngày càng khó khăn khiến bọn tội phạm vô cùng căm tức công an, trong đó Mai Tài là cái gai cần phải nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Bọn chúng đã lên kế hoạch để trả thù.
Cơ hội của chúng cũng đến, tháng 3/1979, 3h sáng tàu chạy một cách chậm chạp, rồi kiệt sức nằm ịch tại ga Bình Tuy, trưởng tàu phải gọi điện cầu viện ga Sài Gòn cho đầu máy ra kéo. Việc đoàn tàu bị chết máy, phải nằm lại ga Bình Tuy đã nhanh chóng được truyền đi, đám giang hồ khắp nơi lập tức nhảy tàu tập kết tại ga xép này.
Nhưng không may cho bọn chúng là Tài Đô luôn đề phòng, không cho phép bản thân lơ là, chủ quan dù chỉ là một giây. 5h 30 sáng, Mai Tài thức dậy sớm để đi kiểm tra tình hình an ninh trật tự của chuyến tàu (vì chuyến tàu hôm nay có mỗi mình ông làm nhiệm vụ). ông nhận được sự cảnh báo của người dân về ý định trả thù của bọn cướp.
Mai Tài biết không thể tránh khỏi trận đánh sinh tử với bọn tội phạm này, nên lặng lẽ quay về toa dành cho nhân viên nghỉ ngơi lấy sức. Không ngoài dự đoán, 12h trưa hôm ấy, chiếc đầu máy từ TP. HCM ra tới nơi để kéo cả đoàn tàu về ga. Tàu chạy được một lát thì tại toa ông ngồi có tiếng người hò la nhảy múa, đập ầm ầm trên nóc tàu. Sau một hồi suy tính, Mai Tài giắt thêm khẩu K54 và đi về phía toa số 14.
Bọn cướp thay phiên nhau tấn công ông. Mai Tài một mình tả xung hữu đột, bình tĩnh vận dụng hết mọi chiêu thức đã tập luyện. Nhưng bọn cướp thì đông, sức ông thì có hạn, ông nghĩ đánh như thế này thì không ổn, sớm muộn gì cũng thua bọn chúng.
Ông quyết định dùng những thế võ hiểm để hạ gục bọn chúng càng nhanh càng tốt. Mặc dù rất cố gắng nhưng đến lúc này ông thấy mình thật sự kiệt sức, nghĩ mình chắc không còn cầm cự được nữa, ông móc khẩu súng ra bắn một phát xé toạc không gian hỗn độn của cuộc chiến. May thay, đồng đội của ông cũng vừa kịp đến...
Bùi Diện - Ngọc Lài