Đến năm 40 tuổi đã được phong tướng và là một trong những vị tướng trẻ nhất trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác chiến đấu tại một đơn vị
Hồi ức “chắt chiu đời binh nghiệp” qua những trang sách
Tướng Hiệu kể lại, trong chiến tranh hay trong thời bình, khi đi làm nhiệm vụ, mỗi mảnh đất ông đã đi qua, mỗi con người ông gặp, những tên sông, tên suối, tên rừng... đều đọng lại trong ông nỗi nhớ.
Gọi tên những nỗi nhớ ấy, tướng Hiệu đã lần lượt cho xuất bản 7 đầu sách. Những cuốn sách ấy là kết quả của sự nghiên cứu, tham khảo, của những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công việc cũng như những trải nghiệm của chính cuộc đời ông.
Tướng Hiệu bàn tới nghệ thuật quân sự, tới ngoại giao quân sự, tới phương châm bốn tại chỗ, tới giải quyết hậu quả chiến tranh, tới quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường... Tham gia công tác nào ông cũng nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo và có những tổng kết đích đáng, trên cơ sở khoa học.
Theo cách nói của ông: "Đó là những chắt chiu của đời binh nghiệp được chưng cất lại". Trong những trang hồi ký chân thực, trang viết về nghệ thuật quân sự, những chỉ dẫn trong lĩnh vực cứu nạn, bảo vệ môi trường..., ẩn trong những con chữ là một tấm lòng yêu thương, hồi ức lấp lánh ánh hào quang.
Trong cuốn hồi ức, ông có viết: "Tôi là một trong 5 người trưởng thành từ lính nghĩa vụ đầu tiên được phong quân hàm cấp Tướng". Câu đó như một tổng kết cô đúc cuộc đời binh nghiệp của ông, cuộc đời của một vị tướng đi lên từ thực tiễn, gian nan, máu lửa, với những trận đánh, những mất mát và nhiều lần cận kề với cái chết".
Hành trình của ông là hành trình từ làng quê thanh bình tới chiến trường, sau đó tới vùng trời của những tri thức. Với những công trình nghiên cứu, khảo cứu, ông đã đạt được học vị Tiến sĩ và là người nước ngoài duy nhất được Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga công nhận danh hiệu Viện sĩ.
Nhà văn phía sau bộ quân phục
Tướng Hiệu kể lại, sau 10 năm ấp ủ, ông quyết định cho ra mắt cuốn hồi ký "Một thời Quảng Trị" (với sự chấp bút của đại tá, nhà văn Lê Hải Triều). Cuốn hồi ký đã nhận được những hiệu ứng nhất định. Nhiều gia đình tìm đọc để tìm hình bóng của con em mình; Có những người tìm đọc hồi ký của tướng Hiệu để chắt lọc thông tin đi tìm hài cốt người thân còn thất lạc.
Cảm nhận về "Một thời Quảng Trị", nhà văn Nguyễn Bình Phương đúc kết: "Cuốn hồi ức tràn trề bom đạn, lửa máu, tràn trề những mất mát và cũng tràn trề tình cảm người lính, thứ tình cảm bất tử nhất của con người, bởi nó được thử thách ở nơi gần cái chết nhất. Đó là cuốn hồi ức gây cho người ta ấn tượng rõ nét về chiến tranh. Qua cuốn hồi ức ấy, ta hiểu thêm phần nào chân dung của người lính trong chiến tranh".
Được cung cấp thêm tư liệu của tướng Hoàng Minh Thảo và Nguyễn Hữu An, dưới sự tổng hợp chắt lọc của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cuốn sách “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" được xuất bản. Trong những khảo cứu ấy, ông đưa ra nhiều nhận xét đích đáng. Ông có những nhận xét tổng kết về quân sự đáng để người đọc "phục lăn".
Tướng Hiệu tổng kết: Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, những trận tiêu diệt địch có ý nghĩa chiến lược đều diễn ra vào mùa khô, sau đó ông kết luận: “...Tác chiến theo mùa khí hậu đã trở thành hiện tượng có tính quy luật chung đối với các nước trên bán đảo Đông Dương và nói riêng đối với Việt Nam".
“Cha đẻ” của phương châm “Bốn tại chỗ”
Cũng vẫn trong tương quan quân sự, nhưng với khía cạnh khác, phức tạp hơn, uyển chuyển hơn, trong cuốn "Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam", tướng Hiệu lại cho bạn đọc thấy thêm sự sắc sảo.
Không dừng lại ở nghệ thuật quân sự, tướng Hiệu còn tham gia nghiên cứu và có những tổng kết, đánh giá, những đề xuất quan trọng trong lĩnh vực rà phá bom mìn sau chiến tranh.
Những bài viết của ông trong cuốn “Quân đội với vấn đề hậu quả sau chiến tranh" là những bài viết sắc sảo, có luận cứ, có trách nhiệm, chứa đựng tính nhân văn cao, cho thấy sự trăn trở, xót xa của người lính khi chứng kiến di hại của cuộc chiến còn lởn vởn từng giây, từng phút trên đất nước.
Khi được giao nhiệm vụ là Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn, trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác cứu nạn ở các địa phương, tướng Hiệu đã phát huy hết những kinh nghiệm, trí tuệ của mình cho nhiệm vụ này.
Bởi theo ông, từ xưa đến nay, để có sự trường tồn của đất nước thì ông cha ta đã phải chống giặc ngoại xâm và chống lại sự tàn phá của thiên tai. Thảm họa của thiên tai là vô cùng khốc liệt và không đoán định được. Ít ai biết rằng ông chính là "cha đẻ" của phương châm phòng chống thiên tai hiệu quả nhất hiện nay: ông đã đề xuất phương châm "Bốn tại chỗ”.
Theo cuốn “Vận dụng phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai", thì Bốn tại chỗ là: 1. Chỉ huy tại chỗ; 2. Lực lượng tại chỗ; 3. Phương tiện tại chỗ; 4. Hậu cần tại chỗ. Đó chính là "bài giải" hữu hiệu nhất cho đến thời điểm này cho "mặt trận chống thiên tai" của nước ta.
Thượng tướng Hiệu chia sẻ: "Những lúc rảnh rỗi, chiêm nghiệm cuộc sống, hoài niệm quá khứ, tôi lại tìm đến những trang sách, cho tâm trí bồng bềnh ngược thời gian với những buồn vui của người lính".
Vương Hà