Istanbul: Cung điện từ 1001 đêm

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

Mái tóc đỏ xõa dài quá vai xuống đến tận bộ ngực trắng lõa lồ. Ánh mắt xa vắng. Bên cạnh mỹ nữ có một cái điếu ống, một nữ nô lệ đang quỳ chơi đàn ở bên cạnh. Nàng quý phi nằm uể oải trên chiếc gối thêu vàng, nghe nhạc và dường như đang chờ đợi nhà vua đến.

"Odalisque và nữ nô lệ", Jean Auguste Dominique Ingres, 1840

Nghệ nhân người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867) vẽ bức tranh "Odalisque và nữ nô lệ" năm 1840 mà chưa bao giờ vào thăm một harem. "Haram" là tiếng Ả Rập và có nghĩa là "cấm" – đàn ông xa lạ không được phép vào trong harem, chỉ các vị vua Thổ và thái giám mới được phép vào khu vực trong cùng của cung điện vua Đế quốc Ottoman ngày xưa; trong Cung điện Topkapi. Thái giám trông nom và giám sát thê thiếp của vua, những người bị cấm không được phép ra khỏi harem.

Toàn cảnh cung điện Topkapi rộng 70 ha. Ảnh: Merian

Có rất ít đề tài chắp cánh cho trí tưởng tượng của các họa sĩ và nhà văn phương Tây nhiều như thế giới của harem – hậu cung của vua Thổ. Năm 1704, bản dịch đầu tiên của "1001 đêm" được xuất bản ở châu Âu, tác giả của nó, Antoine Galland, tuy đã bỏ đi những gì quá dâm dục nhưng truyện của ông đã khởi đầu cho một trường phái Đông phương học mà trong đó harem đã biến thành một nhà thổ đẹp kỳ lạ và những cư dân của nó là nữ thần được yêu chuộng.

Lối vào hậu cung trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Hiện thực rất lộng lẫy: Vòm đồ sộ bắc ngang qua gian sảnh, ở giữa là chiếc đèn treo tráng lệ, trần được trang trí trong những sắc màu vàng, xanh dương nhạt và xanh lá mạ. Gạch men xanh trắng trên tường, gối thêu vàng trên sàn. Trường kỷ bằng vàng dưới trướng bằng gỗ.

Sảnh lễ hội trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Ngày nay, gian sảnh lễ hội của harem, một phần của cung điện Topkapi, thuộc trong số những viện bảo tàng có nhiều khách tham quan nhất của Istanbul. Các vị vua Ottoman đã trị vì đế quốc rộng lớn từ trong cung điện này nhiều thế kỷ liền. Có thời, hơn 5000 người đã sống trong cung điện. Chỉ riêng harem thôi đã có đến trên 300 phòng.

Nhà thờ Byzantine trong cung điện Topkapi. Ngày nay là một viện bảo tàng. Ảnh: Merian

Một trong số những người phụ nữ châu Âu hiếm hoi được phép vào trong hậu cung là Lady Mary Wortley Montagu, phu nhân của đại sứ Anh tại Constantinopel vào thế kỷ 18. Năm 1717, người phụ nữ lúc đấy 27 tuổi đã tả lại trải nghiệm của mình trong một bức thư cho người em gái: "Đầu họ đầu trâm có đính ngọc lục bảo và kim cương. Họ mang vòng tay kim cương và 5 chiếc nhẫn kim cương, lớn hơn tất cả những hạt kim cương mà chị đã từng nhìn thấy. Chị chắc chắn rằng không có một hoàng hậu châu Âu nào lại có được nửa số đá quý ấy".

Thư viện trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Hậu cung của cung điện Topkapi là một vũ trụ riêng biệt với những quy định gắt gao và cấp bậc rõ ràng. Phòng có cửa sổ ngắm cảnh dành cho mẹ của các hoàng tử. Phòng càng lớn và càng xa xỉ thì vị trí của người cung phi càng cao. Người quan trọng nhất, có quyền lực nhiều nhất trong toàn đế quốc Ottoman là hoàng thái hậu.

Trần lộng lẫy trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Người mẹ của vua cố vấn cho con trai trong những sự việc của triều đình, bảo vệ vua chống lại những mưa đồ làm phản và lựa chọn quý phi cho con từ trong số những mỹ nữ trong cung. Thái giám trông nom và dạy cho họ học. Nhiều cung phi của vua là người Gruzia hay người Nga và đã nổi tiếng vì sắc đẹp. Vài người đã bị bắt cóc và mang vào hậu cung của vua.

Thư giãn trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Như Roxelane, cho đến nay là người nổi tiếng nhất trong số những thê thiếp của vua Thổ. Trong thế kỷ 16, người con gái xứ Ba Lan này đã thăng tiến từ một nữ nô lệ trở thành quý phi của vua, người sống một vợ một chồng với nàng cung phi – điều chưa từng có trong đế quốc Ottoman. Người ta cho rằng bà thông minh và học rộng hiểu nhiều. Những lúc vua đi vắng, bà viết thư tường trình sự việc trong Constantinopel và cố vấn cho chồng trong những vấn đề về chính trị. Người ta cho rằng bà đã đứng sau việc giết chết tể tướng Ibrahim Pasa và người con trai đầu của vua là Mustafa, để giúp cho con trai mình nắm lấy quyền lực.

Cổng vào cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Chuyện về harem của cung điện Topapi đầy những tường thuật về ám sát, giành giật quyền lực và lạm dụng quyền hành như thế; harem, trong trung tâm quyền lực của một đế quốc khổng lồ, giống như một hang rắn.

Vườn trong cung điện Topkapi. Ảnh: Merian

Năm 1909, khi những người của phong trào người Thổ trẻ chiếm cung điện và hạ bệ vua Thổ, họ đã treo cổ tổng thái giám ở cầu Galata và đã trả tự do cho tất cả các cung phi trong harem. Nhiều người đã trở về với gia đình, một vài người vào được tầng lớp cao nhất của xã hội. Và những người khác đi lang thang khắp nơi, xuất hiện trong những cuộc triển lãm cho người dân xem cái mà họ chưa từng được tận mắt nhìn thấy bao giờ: phụ nữ trong hậu cung của nhà vua.

Phan Ba (theo Merian)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.