Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ thông tin báo chí nêu về khối tài sản lớn hàng trăm tỷ đồng của Thứ trưởng bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc, trong đó có Thanh tra Chính phủ.
Một lần nữa, câu chuyện kê khai tài sản làm sao cho minh bạch, hiệu quả được đặt ra. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng – đơn vị được Thanh tra Chính phủ giao phối hợp chính với các cơ quan hữu quan để làm rõ sự việc này.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Phiên họp thứ 7 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định “vẫn kê khai tài sản hàng năm”. Tuy nhiên, sau những thông tin lùm xùm xung quanh khối tài sản của vị Thứ trưởng, đặt ra câu chuyện kiểm soát kê khai tài sản của quan chức hiện nay còn kẽ hở, thưa ông?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói vẫn kê khai tài sản, nhưng dư luận đòi hỏi kiểm tra cả những tài sản ngoài kê khai thì cũng là việc phải xem xét. Đúng là theo quy định, các quan chức vẫn kê khai tài sản hàng năm. Nhưng vấn đề quan trọng là có kiểm soát được số tài sản kê khai đó hay không? Kê khai có trung thực không?
Tới đây, sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng, chắc chắn chúng ta phải xem xét, cân nhắc kỹ nội dung này. Hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều giám sát quyền lực nhưng kết quả lại không thực sự tốt. Đơn cử như viện Kiểm sát Nhân dân, bộ Công an, Tòa án Nhân dân, bộ Tư pháp, Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, kiểm toán, thậm chí báo chí cũng có thể giám sát quyền lực. Nhưng, cuối cùng, chẳng có ai nắm rõ được vấn đề gì. Tới đây, khi sửa luật, chúng ta phải nghiên cứu, phải đặc biệt chú ý đến cơ chế giám sát sự trung thực của việc kê khai tài sản.
Không giám sát được, không quản lý được, không công khai được thì kê khai cũng chẳng để làm gì. Kê khai như thế chỉ là hình thức mà thôi. Tất nhiên, việc kê khai tài sản công khai tại nơi cư trú cũng phải tránh xung đột với các quy định pháp luật hiện hành. Kê khai vừa phải gọn, vừa phải đúng, đúng cả đối tượng và tài sản kê khai. Bây giờ còn nhiều hiện tượng kê khai tài sản, nhưng lại đẩy tài sản cho người thân.
Vậy theo ông, muốn kiểm soát tốt việc kê khai tài sản thì cần chú trọng vấn đề gì?
Đã kê khai tài sản là phải có bộ phận xác minh tài sản kê khai đó. Đã là quan chức, đảng viên phải kê khai trung thực; phải giải trình được số tài sản của mình, được cơ quan chức năng giám sát minh bạch, có xác minh, thẩm định và được chấp nhận là đã kê khai đúng, trung thực... Sau đó mới xét vào diện đề bạt, bổ nhiệm.
Tôi nghĩ việc xác minh, giám sát kê khai tài sản phải giao cho một tổ chức riêng biệt thuộc cấp Trung ương. Nếu giao cho các cấp ủy, đảng, quản lý, bộ ngành địa phương xác minh theo phân cấp của mình, tôi nghĩ khó minh bạch được.
Nếu tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kê khai được giám sát, thẩm định ngay từ đầu như ông nói thì chắc chắn việc kiểm tra lần này sẽ không mất nhiều thời gian?
Đúng vậy, thậm chí nếu có giám sát, thẩm định số tài sản kê khai đó thì việc kiểm tra lại kết quả thẩm định chỉ vài ngày. Còn nếu thẩm định sai thì người thẩm định phải chịu trách nhiệm.
Cũng như hiện tượng đề bạt cán bộ đúng quy trình nhưng dư luận vẫn ồn ào, nghi ngại. Bởi quy trình thì đúng nhưng mục đích, động cơ lại “méo mó” thì chắc chắn là có vấn đề. Kê khai tài sản không được thẩm định thì mãi là hình thức và khó khăn cho phòng, chống tham nhũng.
Xin được hỏi nhận định của cá nhân ông trước những thông tin mà báo chí đã phản ánh về số tài sản trăm tỷ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?
Tôi rất hoan nghênh việc báo chí đã khởi động nhiều vụ việc quan trọng, khai thác những nguồn tin rất tốt, từ đó, cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ nhiều sai phạm.
Việc báo chí nêu sẽ có những căn cứ nhất định. Tuy nhiên, tài liệu để chứng minh điều đó đúng hay sai thì chưa thanh, kiểm tra chưa kết luận được. Nhưng phải nhấn mạnh lại, việc báo chí đã nêu thì chắc chắn phải có căn cứ, cơ sở.
Tin rằng, sự việc là có thực về hình thức, nhưng bản chất có phải thế không và ở mức độ nào là điều mà các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ sẽ có trách nhiệm làm rõ để đi đến kết luận cuối cùng, công khai với dư luận xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)