Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Hà Huy Phong - GĐ công ty Dịch vụ tư vấn Ka Long và luật sư Tạ Ngọc Sơn - GĐ công ty luật Kosy về câu chuyện một thanh niên lên mạng xã hội Facebook khoe thành tích gây tai nạn.
Việc một thanh niên lên mạng xã hội Facebook khoe "thành tích gây tai nạn" như thế được coi là hành vi gì, có dấu hiệu cấu thành tội gì theo BLHS?
Hành vi của người có nickname “Kẹo Mút Chơi Bời” lên mạng tung hê một hành động tội ác rất phản cảm và đáng bị lên án. Hành vi này đã làm xúc động trong dư luận, gây nên làn sóng phản đối, lên án mạnh mẽ.
Đứng trước một tội ác như vậy, anh này không những không thương xót mà còn đưa lên mạng Internet với những lời lẽ ngang ngược vô cảm. Hành vi này đáng lên án ở khía cạnh đạo đức, nhưng ở khía cạnh pháp lý, hành vi “khoe tai nạn và thách thức dư luận” đó chưa đủ các dấu hiệu để cấu thành để định tội danh theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ thêm về hành vi trước đó của người thanh niên này, đó là khi anh ta ngồi trên xe hoặc trực tiếp chứng kiến cảnh người khác gây tai nạn dẫn đến chết người để làm rõ thông tin về việc anh ta có phải là người ngồi sau xe gây ra tai nạn và có vai trò gì trong việc gây ra tai nạn hay không.
Bên cạnh đó, nếu điều tra cho thấy, anh thanh niên này chứng kiến tai nạn mà không có hành động cứu giúp dẫn đến nạn nhân đáng thương bị chết thì có thể anh ta sẽ đối mặt với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 của Bộ Luật Hình sự. Kết luận cụ thể, cần chờ ý kiến từ phía cơ quan điều tra.
Có ý kiến cho rằng đây là hành vi "làm nhục người khác". Ý kiến của ông?
Tôi thấy là với hành vi này, anh thanh niên đang tự làm nhục mình, tự xúc phạm danh dự và nhân phẩm của mình thì nhiều hơn!
Anh ta đã có những lời nói xấc xược, thiếu văn hóa khi nói đến một người cao tuổi, lại đang trong tình trạng bị thương nặng do tai nạn và sau đó đã chết. Những lời lẽ thiếu văn hóa đó đã xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người bị nạn và gia đình người bị nạn, lại cố tình đưa lên mạng Internet và lặp lại một cách cố ý, bất chấp dư luận.
Tuy nhiên, cần lưu ý là trên các đoạn phát tán của anh này, tôi không thấy anh ta ghi rõ danh tính cụ thể của ai. Việc phát tán danh tính (hoặc làm cho dư luận biết đến danh tính) của người bị tai nạn lại từ dư luận và từ người của cơ quan điều tra. Do đó, “người khác” ở đây rất cần được làm rõ. Theo tôi hiểu thì “người khác” phải là một người được xác định cụ thể về danh tính trong hành vi đó, tức là nếu hành vi “khoe tai nạn và thách thức dư luận” của thanh niên nói rõ tên tuổi của người bị tai nạn thì có thể xác định đây là hành vi “làm nhục người khác”. Người khác không thể xác định một cách chung chung, mà cần phải làm rõ, qua đó mới xác định được yếu tố khách thể của hành vi phạm tội.
Hành vi như thế nào được coi là làm nhục người khác, đặc biệt là trên mạng Internet hiện nay, thì hành vi làm nhục người khác được thực hiện như thế nào?
Hành vi làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Việc xác định mức độ nghiêm trọng cần căn cứ vào mức độ phổ biến trong dư luận về sự việc một người bị xúc phạm, tuần suất của hành vi và ảnh hưởng của hành vi tới tinh thần, nhân phẩm và danh dự của người bị hại và các yếu tố khác.
Internet là một công cụ thông tin mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là công cụ thuận lợi để kẻ xấu phát tán ý đồ làm nhục người khác. Thông thường hành vi làm nhục người khác trên Internet thường được biểu hiện qua việc phát tán, phổ biến ra cộng đồng sử dụng Internet các tài liệu sai sự thật, xuyên tạc hoặc lăng mạ của một người nào đó. Có những hành vi có tính tinh vi và tính toán, nhưng cũng có những hành vi có tính bột phát, không lường trước được hậu quả do thiếu kiểm soát mức độ lan truyền trên Internet, tuy nhiên, đều có một điểm chung là xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của một hoặc những người cụ thể.
Cùng chung quan điểm với luật sư Phong, Luật sư Tạ Ngọc Sơn - Công ty luật Kosy cho biết, theo quy định tại Điều 121 BLHS : “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Luật sư Tạ Ngọc Sơn
Theo quy định tại điều này tội làm nhục người khác về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và danh dự của nạn nhân, hạ thấp hoặc làm mất uy tín của người đó với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan nới họ sinh sống, nới công cộng. Việc xúc phạm này thể hiện bằng lời nói hay viết, vẽ…có tính chất bỉ ổi. Chủ thể thực hiện vơi động cơ cá nhân và lỗi cố ý trực tiếp.
Như vậy việc viết trên Facebook như trên là lời nói mang tính chất trắng trợn, bỉ ổi gây phẫn nộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội. Tuy nhiên hành vi này chưa xác định được chủ thể thực hiện tội phạm cũng như mặt khách quan và chủ quan của tội phạm nên không thể quy vào tội “ Làm nhục người khác”.
Luật sư Sơn chia sẻ thêm, Facebook – mạng xã hội giải trí được sử dụng khá rộng rãi tại Việt Nam nhất là trong giới trẻ. Với tính chất là nơi chia sẻ các thông tin trên một mạng ảo, tuy nhiên không ít những thông tin này đã gây “sốc” trong cộng đồng mạng hiện nay. Như thông tin từ chuyên mục Pháp luật của “ Người đưa tin” về việc kẻ lên Facebook khoe "chiến tích" đâm chết người mang nickname "Kẹo mút chơi bời" đã gây căm phẫn bức xúc trong dư luận xã hội về lối sống đạo đức suy giảm của bộ phận giới trẻ hiện nay. Việc thể hiện cái “tôi” một cách thái quá và lệch chuẩn hiện nay phải chăng đang là một trào lưu đáng báo động?
Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật hiện hành chưa có quy định nào nhằm xử lý chính xác đến việc tương tự như trên nhưng xét từ mức độ nguy hiểm và hậu quả để lại là nghiêm trọng cho xã hội từ hành vi trên: làm cho nhận thức sai lệch dẫn đến các hành vi phạm tội có thể xảy ra.
Để ngăn ngừa tội phạm hình thành và phát triển, theo quan điểm của cá nhân tôi xét thấy cần thiết phải tội phạm hóa nhưng loại hành vi này tức là bổ sung vào Bộ luật hình sự các quy định có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội để lại những hệ lụy về mặt đạo đức xã hội trong các trường hợp tương tự để truy cứu trách nhiện hình sự. Việc nghiên cứu cần phải kỹ càng nhằm ngăn chặn, dự liệu, những hành vi tương tự có thể sảy ra trong tương lai.
Thu Thanh (thực hiện)
Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty luật Kosy, địa chỉ: Số 59, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (04) 35 149 943 - Fax: (04). 35 149 943. Bài vở cho chuyên mục, xin vui lòng gửi đến email: luatsu@nguoiduatin.vn. Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long, địa chỉ: Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 - Hotline: 0903. 255 339 - Email: hanoi@klc.vn - Website: http://klc.vn |