Khi Mỹ phóng tên lửa tấn công một sân bay Syria hồi tuần trước, có luồng dư luận ở Hàn Quốc hiểu rằng điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thực hiện hành động quân sự đơn phương chống lại Triều Tiên mà không cần hỏi ý kiến ai.
Cho đến hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa thể hiện một chính sách rõ ràng đối với Triều Tiên, nhưng các phát biểu và hành động gần đây cho thấy Nhà Trắng đang muốn tỏ rõ sự cứng rắn của mình, theo Al Jazeera.
Tuần này, Mỹ đã phái nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson tiến đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, trong một động thái phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp rõ ràng tới Bình Nhưỡng.
Những tin đồn về một cuộc chiến sắp xảy ra đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội, dẫn đến việc các quan chức chính phủ Hàn Quốc đã phải lên tiếng trấn an người dân.
Hồi đầu tuần, ông Cho June-hyuck, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đã khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Mỹ sẽ không hành động quân sự mà không tham khảo ý kiến của Seoul.
Trước đó, các cuộc thảo luận ở Hàn Quốc đều xoay quanh khả năng chính quyền Tổng thống Trump có thể khởi động một số hoạt động quân sự ở miền Bắc mà không cần đến sự tư vấn của chính phủ nước này.
Một số phương tiện truyền thông bày tỏ sự lo ngại về hành động đơn phương của Washington sẽ làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Kim Young-hie, bình luận viên của tờ JoongAng Ilbo, đã viết: "Cuộc tấn công của Mỹ có thể bắt đầu chiến tranh Triều Tiên lần hai”.
Kim nói thêm: "Hàn Quốc không thể cho phép Mỹ tự quyết định khơi mào một cuộc chiến trên bán đảo”.
Kể từ khi nhậm chức, các quan chức chính quyền Trump đã nói về sự cần thiết phải chấm dứt các chính sách về Triều Tiên dưới thời ông Barack Obama mà thường biết đến với tên gọi "sự kiên nhẫn chiến lược".
Mỹ đã nhiều năm chờ đợi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa trước khi hướng tới bất kỳ cuộc đối thoại chính thức nào.
Dù trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ thiện chí đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un , khi nói rằng muốn mời ông tới Mỹ và “thưởng thức burger" cùng nhau. Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh gần đây với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc mà không có một cam kết rõ ràng về hợp tác giải quyết khủng hoảng ở Triều Tiên.
Điều này đã dẫn đến việc Tổng thống Trump rục rịch triển khai các hành động quân sự mà đáng chú ý nhất là việc cử tàu USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên.
"Bằng cách triển khai tàu USS Carl Vinson, ông Trump có lẽ đang cố gắng thể hiện sức mạnh của Mỹ đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump có thể sẽ chỉ gây sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua ngôn từ, chứ không phải là hành động quân sự", ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul bình luận.
Mặc dù Bình Nhưỡng coi đây là động thái đe dọa rõ ràng của Mỹ và khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp để trả đũa bao gồm cả việc dùng vũ khí hạt nhân, chuyên gia Jonathan D. Pollack từ viện Brookings, cũng đánh giá đây chỉ là những phản ứng quen thuộc của Triều Tiên như mọi khi và sẽ không có những biến cố bất ngờ.
Giới quan sát cho rằng Tổng thốngTrump sẽ không mạo hiểm phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Triều Tiên, do hiểu những hậu quả mà các đồng minh Washington phải hứng chịu.
Theo Pollack, bầu không khí căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng chỉ là một "cuộc chiến cân não" giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh cả hai đều đang nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Xem thêm>>> Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ
Biến chuyển trên bán đảo Triều Tiên
Hình ảnh vệ tinh do 38 North cung cấp cho thấy các hoạt động đang tiếp tục tại một địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở Triều Tiên. Với sự tập trung nhân lực và phương tiện xung quanh khu vực, giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng dường như chuẩn bị để thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Bình Nhưỡng có thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa để trong dịp lễ trọng đại của đất nước lần này hay không.
Tuy nhiên, Giáo sư Chang Yong-seok cho rằng có thể Triều Tiên sẽ chỉ phóng một tên lửa tầm trung nhằm phô diễn sức mạnh thay vì khiêu khích để mở màn cho một cuộc chiến tranh.
Trong khi đó dư luận ở Hàn Quốc dường như không quan tâm nhiều tới những căng thẳng hiện tại mà vẫn tập trung vào vụ bê bối của cựu Tổng thống Park Geun-hye, cũng như tức tốc chuẩn bị cho cuộc bầu cử chọn nhà lãnh đạo mới.
Các khẩu hiệu tranh cử từ các ứng viên phần lớn tập trung vào các chương trình chống tham nhũng và thúc đẩy nền kinh tế đang suy giảm của Hàn Quốc thay vì các hướng đi mới với người hàng xóm Triều Tiên.
Cuộc sống của người dân ở Seoul cũng không có gì thay đổi so với ngày thường. Trong các khu thương mại nhộn nhịp ở thủ đô Hàn Quốc, các nhà hàng thịt nướng và quán cà phê vẫn đông khách như thường lệ.
Khi được hỏi về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng, một phụ nữ trung niên nói với Al Jazeera: "Tôi cũng hơi lo loắng một chút khi không biết Triều Tiên sẽ làm gì. Nhưng dù sao nó cũng không quá quan trọng với tôi".
Xem thêm>>> Chuyên gia luật chỉ rõ lý do United Airlines sẽ thua kiện
Quốc Vinh