Việc tập đoàn Khải Silk mua hàng từ Trung Quốc sau đó gắn mác hàng Việt Nam để bán đã làm sụp đổ trầm trọng niềm tin của người tiêu dùng Việt.
Câu chuyện bắt đầu từ việc anh Đặng Như Quỳnh đặt cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk với giá 644.000 đồng/chiếc vào ngày 15/10.
Đến chiều ngày 17/10, nhân viên giao hàng của Khaisilk mang đồ đến cho anh, khi kiểm tra anh phát hiện 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác "made in China" và một mác Khaisilk "made in Vietnam". 59 chiếc còn lại anh phát hiện vết cắt tem cùng màu với tem có chữ "made in China" nham nhở và chỉ còn tem Khaisilk "made in Vietnam".
Đến ngày 19/10, anh nhận được phản hồi từ đại diện Khải Silk với nội dung khẳng định sản phẩm của mình là lụa tơ tằm, việc có một chiếc khăn 2 mác là do nhân viên khi soạn lô hàng còn thiếu một chiếc nên lấy trên máy may. Sản phẩm hai mác này xuất khẩu sang Đài Loan.
Không đồng tình với phản hồi này, anh Quỳnh đã lấy mẫu vải đi kiểm tra nguồn gốc, chất liệu. Khi chưa có kết luận thì doanh nhân Hoàng Khải (ông chủ thương hiệu Khaisilk) thừa nhận thương hiệu này nhập đồ từ Trung Quốc.
Không chỉ anh Đặng Như Quỳnh bất bình mà tất cả người tiêu dùng Việt Nam đều bất bình.
Bao lâu nay, khăn lụa Khaisilk được họ coi là niềm tự hào khi làm bằng lụa tơ tằm do bàn tay, khối óc của người Việt. Họ mua để sử dụng, để làm quà tặng cho đối tác như một sự trân trọng, ủng hộ cho thương hiệu Việt. Vậy nhưng, doanh nhân Hoàng Khải đã đáp lại niềm tin của người tiêu dùng bằng cách thừa nhận bán hàng "made in China" từ những năm 90.
Câu hỏi đặt ra ở đây là một thương hiệu thuộc hàng cao cấp lại bán sản phẩm mập mờ xuất xứ thì người tiêu dùng làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định, hành vi của doanh nghiệp Khải Silk có dấu hiệu cấu thành tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự. Muốn xử lý tội này, nhiều bị hại, người tiêu dùng phải khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để có cơ sở xác định thiệt hại.
Luật sư Tuyến phân tích, Khải Silk gắn thương hiệu (Khaisilk - made in Vietnam) của mình lên các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, làm người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm đó do Khải Silk sản xuất và có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam.
Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về hướng dẫn luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 08/2006/TT-BTM của bộ Thương mại (nay là bộ Công Thương) thì nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là: "Hàng hóa sẽ có xuất xứ của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này".
Do vậy, nếu hàng hóa là thành phẩm được nhập khẩu từ quốc gia khác thì nghĩa là công đoạn cuối cùng sản xuất ra thành phẩm này không ở Việt Nam thì không thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Điều 10, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định hành vi kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác được coi là hành vi cấm.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần chứng minh việc mua các sản phẩm của Khải Silk gây thiệt hại.
Chiếu theo khoản 6, 7, Điều 8, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền: Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Người tiêu dùng cũng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
V.Hương