Kiếm củi ba mươi năm thiêu một ngày...
Ngày 23/10 vừa qua lẽ ra là một ngày bình thường trong chuỗi ngày làm ăn phát đạt tại mấy chục cửa hàng Khải Silk của ông chủ Hoàng Khải, nếu như không có một biến cố tai hại. Một khách hàng đã phản ánh vụ việc ngày 17/10/2017 sau khi mua 60 chiếc khăn lụa của hãng này về thì phát hiện một chiếc có gắn cả hai nhãn mác xuất xứ “Made in China” và “Khải Silk”. Kiểm tra toàn bộ lô hàng nhận thấy những chiếc khăn còn lại có dấu hiệu cắt mác “Made in China” để gắn mác Khải Silk.
Sự việc ngay lập tức tạo ra một làn sóng bày tỏ sự bức xúc trước hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng để kiếm lời bất chính của một ông chủ trước giờ vốn luôn phát ngôn những lời có cánh về đạo đức kinh doanh. Chưa hết, khi đăng đàn để xin lỗi khách hàng, ông chủ Hoàng Khải vẫn tiếp tục ngạo mạn khi tuyên bố rằng: “Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khải Silk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa”.
Đây được coi là hành vi gian dối có chủ đích, có hệ thống và coi thường niềm tin của người tiêu dùng. Ông Hoàng Khải cũng thừa nhận đã nhập lụa từ Trung Quốc về bán từ giữa những năm 90 đến nay và cho biết 50% hàng trong hệ thống Khaisilk là nhập từ Trung Quốc.
Chị Lê Ánh Hồng – một doanh nhân ở Hà Nội cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ với lời xin lỗi của ông Hoàng Khải. Ở đây khoan nói lụa Trung Quốc hay lụa Việt Nam tốt hơn, nhưng chỉ riêng cái cách ông ấy chà đạp lên niềm tin của khách hàng đã cho thấy cung cách làm ăn không đàng hoàng rồi. Thật tiếc tôi đã từng trung thành với các sản phẩm của Khải Silk nhiều năm nay”.
Trả lời PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm.
“Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, khăn lụa xuất xứ Trung Quốc nhưng lại ghi thương hiệu của Việt Nam thì rõ ràng là không chính xác, làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tôi chưa nói đến chất lượng sản phẩm, việc vi phạm về nguồn gốc xuất xứ đã đánh luôn vào quyền được lựa chọn của người tiêu dùng, khi họ muốn mua hàng Việt Nam thì lại mua phải hàng Trung Quốc”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện chúng ta đang vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nay hàng Việt Nam cứ thật giả lẫn lộn thế này thì rất khó thuyết phục người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.
Đủ căn cứ xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch cho biết: Nghị định 185/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” có quy định về hàng giả là “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”. Như vậy, việc khăn lụa của nhãn hàng Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về, cắt mác đi và gắn mác Khaisilk với chỉ dẫn nguồn gốc là Made in Vietnam thì theo quy định của luật là hàng giả.
Theo Điều 13, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, ngoài ra có thể áp dụng các hình phạt bổ sung bao gồm tịch thu tang vật, tước giấy phép hoạt động, truy thu số tiền làm lợi bất chính do buôn bán hàng giả... “Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Ngoài ra, theo qui định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tùy thuộc vào mức độ phạm tội mà người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả bị khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; khung cao nhất phạt tù là đến mười năm lăm.” – luật sư Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đối chiếu với tình huống trong vụ việc lần này, luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Công Luật Vietsky, Giám đốc Trung tâm Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cũng khẳng định, chỉ riêng dấu hiệu phạm tội có tổ chức, thu lời bất chính lớn, Khải Silk phải nằm ở khung 2 có mức khung hình phạt tù từ 3-10 năm.
“Thậm chí, nếu chứng minh được thu lời từ trên 500 triệu đồng sẽ nằm tại khung 3 với mức án tù từ 7-15 năm. Việc này không khó bởi doanh nghiệp đã gian dối từ giữa những năm 90 thì lợi nhuận bất chính chắc chắn phải gấp nhiều lần con số 500 triệu đồng rồi”, luật sư Ngọc nói.
Cái mất lớn nhất là niềm tin!
Cũng trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, ông thực sự buồn trước sự việc trên. Trong khi Nhà nước đang tạo mọi điều kiện để thương hiệu Việt phát triển thì đây lại là một đòn đánh thẳng vào lòng tin của người tiêu dùng. Về mặt pháp luật, theo ông Hùng đây chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Quan trọng nhất là từ năm 90 tới giờ, Khải Silk đã bán bao nhiêu sản phẩm ra thị trường và mức độ của vi phạm là bao nhiêu. Mức độ vi phạm này sẽ liên quan đến vấn đề xử lý. Nếu từ năm 90 tới hiện tại mà xác định được mức độ vi phạm lớn thì phải xử lý bằng hình sự.
“Đây là hành vi làm giả nhãn mác, cố tình làm giả để trục lợi và bản thân những sản phẩm này cũng thuộc diện hàng giả, hàng nhái. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, vì sự việc xảy ra không chỉ những người tiêu dùng phải chịu thiệt mà còn có ảnh hưởng rất tiêu cực tới thương hiệu Việt trên thế giới” – ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh hành vi làm giả nhãn mác nói trên, ông Hùng cũng cho rằng, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cần làm rõ Khải Silk nhập hàng hóa qua đường chính ngạch hay nhập qua đường lậu. Nếu Khải Silk không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì còn vi phạm pháp luật về buôn lậu qua biên giới.
Cũng theo ông Hùng, một vấn đề khác cần quan tâm chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát. Từ năm 90 (theo thừa nhận của Khải Silk) việc buôn bán hàng giả nhãn mác đã bắt đầu xảy ra nhưng tới tận thời điểm hiện tại mới được phát giác thì đây chính là lỗ hổng quản lý. “Với lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế... mà cửa hàng lớn ở ngay trung tâm Thủ đô cũng không thể kiểm soát hành vi bán hàng giả, hàng nhái trong suốt gần 30 năm qua thì đây là trách nhiệm của quản lý thị trường và cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Cần làm rõ trong sự việc này liệu rằng có hiện tượng bảo kê hay không?” – ông Hùng nói.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường, bộ Công Thương cho biết, vụ việc đã trở thành sự quan tâm lớn của dư luận và lãnh đạo bộ Công Thương. Bộ Công thương đã vào cuộc nhanh chóng chỉ đạo làm rõ thông tin báo chí phản ánh, đồng thời ngay trong chiều qua (26/10), đội Quản lý thị trường số 14 đã phối hợp với Công an TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở cửa hàng kinh doanh tơ lụa Khaisilk tại số 113 Hàng Gai (Hà Nội) theo quy định.
Ông Trần Hùng cho biết, sự việc trên khiến ông rất buồn, cái mất lớn nhất ở đây không phải là giá một chiếc khăn mà là niềm tin của người tiêu dùng. Bởi, Khaisilk là thương hiệu rất uy tín, nổi tiếng từ nhiều năm nay, có thể coi là thương hiệu lớn của quốc gia. Các dịp lễ tết, khánh tiết, các đoàn ngoại giao đã luôn đặt niềm tin vào những thương hiệu như lụa tơ tằm Khaisilk, gốm sứ Minh Long, Bát Tràng…