Sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai, năm 17 tuổi Hoàng Khải đã phụ giúp bố mẹ, chuyển việc kinh doanh của gia đình từ cửa hàng thêu thành chuyên bán hàng lưu niệm làm từ tơ lụa cho khách du lịch khi đến Hà Nội.
Giấc mơ lụa được cất cánh trong một dịp ra nước ngoài, Hoàng Khải được thấy sự phát triển của các nước như Thái Lan, Singapore. Ông nung nấu mong muốn xây dựng cửa hàng tơ lụa của gia đình trở nên bài bản, sang trọng.
Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ 16 năm đàn nhạc ở Nhạc viện để chính thức đến với kinh doanh với cửa hàng KhaiSilk đầu tiên được đặt trên phố Hàng Gai. Thương hiệu Khaisilk cũng nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công.
Ông Khải từng tiết lộ đã "kiếm được 1 triệu USD từ năm 24 tuổi". Trên trang cá nhân, doanh nhân Khải Silk từng chia sẻ những dấu mốc quan trọng của cuộc đời mình với tiêu đề "Tài liệu của Khải" như sau:
- 22 tuổi, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội và mở cửa hàng KHAISILK đầu tiên.
- 28 tuổi, mở 19 cửa hàng KHAISILK tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và một nhà hàng Khai Brother.
- 32 tuổi, khai trương một resort 4 sao đầu tiên ở Hội An và biết 4 ngoại ngữ.
- 38 tuổi mở KHAISILK trên toàn Việt Nam tại những con đường nổi tiếng như Đồng Khởi, Hàng Gai và trong những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Da Nang hay JW Marriott Phu Quốc và khai trương 10 nhà hàng cao cấp nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
- 45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với diện tích hơn 25.0000m2.
- 50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài Tajmasago nổi tiếng.
- 54 tuổi, Hoàng Khải đã mở thành công chuỗi phở "Ông Khải" với 100 cửa hàng trong 2 năm. Mục tiêu tiếp theo của Hoàng Khải là xây dựng tòa cao ốc The Khai với diện tích 20.000 m2, 1 khách sạn 179 phòng tại Cam Ranh.
Thế nhưng, quá khứ hoành tráng với những tuyên bố hùng hồn của Khải Silk đã sụp đổ trong chớp mắt khi những hành vi gian dối bị phanh phui trước dư luận.
Theo đó, một khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai và phát hiện trong 60 sản phẩm mà Khaisilk đã cung cấp có 01 chiếc gắn tới 2 mác: mác “Khaisilk Made in Vietnam” lẫn mác “Made in China”.
59 sản phẩm còn lại chỉ có mác Khaisilk Made in Vietnam. Nhưng trên viền khăn lại có một miếng nhỏ màu trắng, nhìn giống như đã bị cắt mác từ trước.
Sự việc khiến nhiều khách hàng hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của những chiếc khăn lụa cao cấp thương hiệu Khaisilk.
Trả lời báo chí, ông Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khaisilk lên tiếng thừa nhận đã nhập lụa từ Trung Quốc về bán từ giữa những năm 90 đến nay. Ông này cũng thừa nhận 50% hàng trong hệ thống Khaisilk là nhập từ Trung Quốc.
Mặc dù ông Khải đã chính thức lên tiếng nhận lỗi nhưng điều này chắc chắn không thể cứu vãn được niềm tin đã không còn đủ đầy như trước đây mà người tiêu dùng và kể cả những người hâm mộ dành cho ông ta.
Ở vị trí là một doanh nhân, để tạo lập được một thương hiệu chắc chắn Hoàng Khải đã phải bỏ ra rất nhiều công sức cũng như tâm sức. Thế nhưng, thương hiệu ấy đã đổ xuống sông xuống biển từ việc làm gian dối của ông ta.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.
Cũng trong chiều 26/10, đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xuất xứ hàng hoá theo phản ánh thông tin báo chí về việc thương hiệu Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc từ những năm 90.
Tại cửa hàng số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, đội Quản lý thị trường phối hợp với Công an TP.Hà Nội đã tiến hành tạm giữ 56 chiếc khăn vuông lụa tơ tằm kích thước 50x50 cm nhãn Khaisilk Made in Việt Nam là tang vật vi phạm để tiếp tục xử lý.
Với giá niêm yết 644.000 đồng/sản phẩm, tổng giá trị hàng hoá bị thu giữ là hơn 36 triệu đồng.