Những ngày theo chân các đầu nậu khai thác cát ở lòng hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hoạt động bành trướng của tàu, xe nơi đây. Dường như cả con đường và lòng hồ chỉ dành cho hoạt động khai thác của các công ty khai thác, vận chuyển cát.
Theo người dân địa phương, trước đây khi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Bình Phước… có quy định ngừng khai thác cát, con buôn bắt đầu đổ xô về lòng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Trước lợi nhuận siêu khủng, các công ty khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng gia tăng nhân sự, tàu thuyền ngày đêm “rút ruột” lòng hồ.
Ghi nhận của PV, trên lòng hồ Dầu Tiếng, đoạn thuộc huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) có hàng trăm tàu, thuyền hút cát. Mỗi tàu có trữ lượng từ 60 - 100 tấn thi nhau hùng hục hút cát. Tính trung bình mỗi tàu chở khoảng 40m³ cát cập bến bãi. Trong khi quy định mỗi ngày chỉ được khai thác 5.000m³ cát thì với vài trăm con tàu, thuyền trên lòng hồ mỗi ngày khai thác nhiều hơn rất nhiều so với quy định.
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Hùng, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng cho biết, qua kiểm tra có 240 tàu hoạt động khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, con số thực được cấp phép chỉ khoảng 100 tàu.
Như vậy, con số trên cho thấy vấn nạn khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng đang ồ ạt. Mặc dù vậy, theo ghi nhận của PV, nguồn cát được khai thác vô cùng lớn, dường như vẫn không đủ cung cấp cho con buôn khi cát ở bãi tập kết luôn trong tình trạng vơi cạn.
Trên đường về TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi theo chân một xe cát có biển số TP.HCM để tìm hiểu nguồn cát đã được mang đi đâu. Chiếc xe này rời khỏi bãi liền lao ầm ầm theo tỉnh lộ 781 rồi nhanh chóng rẽ vào đường nhánh về TP.Hồ Chí Minh. Sau vài giờ đồng hồ, chiếc xe này về tới tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi, TP.HCM) rồi vào điểm tập kết cát trên địa bàn huyện này trước khi mang đi tiêu thụ.
Trao đổi với PV, ông Đặng Diễm Phúc, Chánh Thanh tra Thanh tra sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết: "Những con đường ven bờ hồ ngày trước chỉ có một số bãi cát. Thế nhưng, từ khi các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Phước, Long An… có chủ trương hạn chế hoạt động khai thác cát thì hiện tượng xe quá tải quanh hồ Dầu Tiếng bắt đầu nóng lên. Các xe này vận chuyển cát từ hồ Dầu Tiếng đi tỉnh lân cận tiêu thụ. Theo đó, những xe chở cát tại hồ Dầu Tiếng đa số là của các tỉnh lân cận khiến việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Thanh tra GTVT cũng gặp nhiều khó khăn".
Được biết, cát trong lòng hồ Dầu Tiếng được rất nhiều nhà thầu công trình xây dựng săn tìm. Vì thế, các công ty khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng ra sức “tận diệt” hồ không thương tiếc. Họ không màng đến hệ lụy xung quanh. Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng với trữ lượng nước lớn dành cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP.HCM đang ngày ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng một phần do khai thác cát ồ ạt.
Trong khi vấn đề đang nóng và gây bức xúc cho dư luận các tỉnh lân cận ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước lòng hồ Dầu Tiếng, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh lại trả lời qua quýt. Cụ thể, lãnh đạo sở này cho biết, tháng 4/2017, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác cát tại khu vực này để tiến hành thanh tra, chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động. Lãnh đạo sở này cũng khẳng định thời gian vừa qua, sở TN&MT đã tăng cường công tác kiểm tra sau khi cấp phép hoạt động trở lại cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Tính đến nay, các doanh nghiệp được cấp phép vẫn hoạt động đúng quy định, chưa phát hiện vi phạm trong khai thác cát.
Hơn ai hết, công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa là đơn vị giám sát nên hiểu rất rõ về khai thác cát hồ Dầu Tiếng. Do đó, mới đây đơn vị này đã có văn bản gửi sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, đề nghị chấn chỉnh việc khai thác cát và giảm mật độ các tàu trên lòng hồ Dầu Tiếng.