Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin xung quanh sự việc này, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, ông thực sự buồn vì sự việc này. Theo ông Hùng, trong khi Nhà nước đang tạo mọi điều kiện để thương hiệu Việt phát triển thì đây lại là đòn đánh thẳng vào lòng tin của người tiêu dùng.
“Sự việc bê bối bị phát giác sẽ khiến Khải Silk khó tránh khỏi làn sóng tẩy chay đến từ người tiêu dùng” – ông Hùng đánh giá.
Về mặt pháp luật, theo ông Hùng đây chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Quan trọng nhất là từ năm 90 tới giờ Khasilk đã bán bao nhiêu sản phẩm ra thị trường và mức độ của vi phạm là bao nhiêu? Mức độ vi phạm này sẽ liên quan đến vấn đề xử lý. Nếu từ năm 90 tới thời điểm hiện tại mà xác định được mức độ vi phạm lớn thì phải xử lý hình sự.
Trước đó, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận, sản phẩm của Khaisilk nhập về từ Trung Quốc nhưng doanh nghiệp lại cắt nhãn mác gốc rồi thay bằng thương hiệu của mình.
“Đây là hành vi làm giả nhãn mác để trục lợi và bản thân những sản phẩm này cũng thuộc diện hàng giả, hàng nhái. Sự việc xảy ra không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu Việt trên thế giới”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh hành vi làm giả nhãn mác nói trên, ông Hùng cũng nêu ý kiến rằng, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cần làm rõ Khaisilk nhập hàng hóa qua đường chính ngạch hay nhập qua đường lậu. Nếu Khaisilk không có đủ các giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì còn vi phạm pháp luật về buôn lậu qua biên giới.
Cũng theo ông Hùng, một vấn đề khác cần quan tâm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát. Từ năm 90 (theo thừa nhận của Khải Silk) việc buôn bán hàng giả nhãn mác đã bắt đầu xảy ra nhưng tới tận thời điểm hiện tại mới được phát giác thì đây chính là lỗ hổng quản lý.
“Với một lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng gồm các đươn vị quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… mà một cửa hàng lớn ở ngay trung tâm Thủ đô có hành vi bán hàng giả, hàng nhái trong suốt gần 30 năm qua mà không thể kiểm soát, phát hiện thì đây là trách nhiệm của quản lý thị trường và cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Cần làm rõ trong sự việc này liệu rằng có hiện tượng bảo kê của cơ quan chức năng hay không?” – ông Hùng nói.