Khám bệnh hay hành bệnh nhân?

Khám bệnh hay hành bệnh nhân?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Sau khi đăng bài phản ánh việc mua bán giấy khám sức khỏe ở Bệnh viện Xây dựng (Hà Nội), báo Nguoiduatin.vn nhận thêm nhiều phản ánh của độc giả xung quanh việc khám chữa bệnh tại đây.

Siêu âm "siêu nhanh"

Chiều ngày 21/07/2011, anh Đ.K (Hà Nội) đến Bệnh viện Xây dựng (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân) để khám về chứng đau mạn sườn. Sau khi mua bệnh án và nộp lệ phí khám bệnh, anh K được chỉ định đến Phòng khám phục hồi chức năng.

Dù đã hỏi cụ thể nhân viên thu phí nhưng sau một hồi đi khắp các tầng anh K vẫn không thể tìm được phòng ghi trên phiếu khám bởi “ma trận” biển ghi phòng “Hành chính” làm rối mắt. Sau khi dành thời gian quan sát và hỏi han, anh cũng tìm được đến phòng mà trên phiếu khám bệnh yêu cầu. Căn phòng mà anh tìm mang số 212, thế nhưng ngay từ đây nhân viên tại bệnh viện lại không cung cấp số phòng để anh dễ dàng trong việc tìm kiếm.

Đến nơi, anh K không khỏi bực bội khi tấm biển phòng khám ghi rất nhập nhằng, không phân biệt được căn phòng đó có chức năng chính là gì khi dòng chữ viết tắt “Khoa VKTL & PHCN” được in nhỏ bé phía trên dòng chữ “Phòng Hành chính”. Cùng tâm trạng với anh K, nhiều người tỏ ra khá bức xúc về cách chỉ dẫn phòng, bố trí biển… khiến họ phải đôn đáo để tìm đến đúng phòng .

Sau khi vất vả tìm được phòng khám bệnh, anh K phải ngồi chờ thêm 1 tiếng đồng hồ để được vào khám. Ngồi chờ gần 1 tiếng nhưng thời gian anh được khám chỉ có 1 phút. Chưa hết ngỡ ngàng vì kiểu khám bệnh chớp nhoáng thì anh K lại thêm lo lắng vì cách siêu âm “siêu nhanh” trong vòng 30 giây. Nữ bác sĩ nói giọng người Nghệ siêu âm cho anh cho biết: Thời gian như thế là đủ để chuẩn đoán bệnh.?!.

Bệnh viện Xây dựng Hà Nội

Được “cấp cứu” sau một tiếng vào viện

Cũng tại Bệnh viện Xây dựng, hồi đầu năm 2010, chị P.T.H (sinh viên nội trú ký túc xá Mễ Trì, 182, Lương Thế Vinh) đưa bạn là N.T.T vào bệnh viện cấp cứu vì đau bụng. Chị H cho biết, bạn của mình bị đau bụng suốt đêm, đến 7 giờ sáng, sau khi quan sát thấy việc sử dụng thuốc giảm đau tại phòng y tế của ký túc xá không có hiệu quả, chị quyết định đưa bạn vào bệnh viện để cấp cứu.

Mặc dù, chị N.T.T liên tục kêu đau và quằn quại ôm bụng nhưng các bác sĩ tại đây vẫn yêu cầu chờ đợi. Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, một y tá nữ mới cho biết nếu là sinh viên và có thẻ bảo hiểm y tế thì phải đi phô tô chứng minh thư để làm thủ tục cho đối tượng khám chữa bệnh có sử dụng bảo hiểm y tế.

Trong thời gian chờ người nhà đi làm thủ tục giấy tờ, vì thấy chị N.T.T liên tục kêu đau và nhăn nhó, chị H đã nhiều lần ra nhờ bác sĩ vào khám. Sau nhiều lần chị H yêu cầu, một vị bác sĩ nam mới đến để thăm chị N.T.T và chỉ định đi đến phòng khám và siêu âm.

Chị H bực tức kể lại: "Người ta vào bệnh viện cấp cứu, nhưng cứ lằng nhằng thủ tục này nọ. Cứ cấp cứu xong rồi làm thủ tục thì đã làm sao. Chứ cứ chờ làm thủ tục xong rồi bác sĩ mới đến thăm khám thì còn gọi gì là cấp cứu nữa?".

Đến bệnh viện, người bênh mong muốn được mau chóng được khám và chữa bệnh để nhanh chóng giảm bớt sự đau đớn. Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính rườm rà và thái độ khám chữa bệnh chưa thật hợp tác của một vài nhân viên bệnh viện khiến cho không ít bệnh nhân cảm thấy tâm trạng thêm phần nặng nề và lo lắng.

Hồng Thanh