Xem bài kỳ trước: Bí ẩn ở 'ma nhai táng' lớn nhất Việt Nam
Không ít người thắc mắc, chủ nhân của những quan tài kỳ lạ trong động hang Ma là ai. Đi sâu tìm hiểu, PV có được thông tin rất đáng quý. Theo đó, từ lâu, người Quan Hóa tin rằng, chủ nhân của những cỗ quan tài kỳ lạ chính là người Giới, một tộc người xa xưa từng là cư dân của vùng đất này. Đó là những người có bàn chân bằng lưỡi mai, sức khoẻ phi thường, họ có nắp dao bằng máng lợn, thường sống trên các đỉnh núi cao. Hiện ở xã Phú Lệ vẫn còn dấu tích khu mộ người Giới, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hàng năm bà con vẫn giết trâu đến mộ làm lễ.
Trong các giả thuyết khác, cách đây khoảng 1.000 năm, địa bàn này thuộc vùng cai quản của người Cử Long man (người Thái cổ). Họ từng tranh chấp với nhiều vị vua thời Đinh, Tiền Lê, và chỉ bị khuất phục sau chuyến thân chinh của vua Lý Thái Tổ. Thua trận ở Cửa Hà (Cẩm Thủy), họ phải ngược dòng sông Mã để tránh sự sát hại. Thế lực ngày một suy yếu, họ phải tìm những hang động xa sông lớn, vào trong hang động thấp hơn, thậm chí hang trong lòng đất để mai táng người thân.
Nhưng người Thái bản địa không thừa nhận điều này, bởi trong ký ức về dân tộc Thái đầy những cuộc thiên di lớn, nhưng không có các biến cố nào ảnh hưởng đến nghi lễ mai táng. Đến nay, người Thái dùng hỏa táng hoặc hung táng (chôn người chết trong lòng đất). Ngược lại, họ tin rằng, đó là các nghĩa địa của người Xá.
Bằng chứng, cả người Thái và người Mường đều gọi các hang động có di cốt là “hang ma Xá” hoặc “đống ma Xá”. Các di chỉ khảo cổ quan trọng tại các hang động như Mái Đá Điều, hang Làng Tráng (huyện Bá Thước)..., vốn đều có tên gọi ấy. Bản thân khu vực hang Ma (huyện Quan Hóa) hiện nay vẫn là vùng đất với các di tích, câu chuyện về người Xá trong ký ức người Thái địa phương.
Theo nhà nghiên cứu Thái học Cầm Trọng, trước khi người Thái trở thành chủ nhân, vùng đất tây Thanh Hóa nói chung và Tây Bắc nước ta vốn là địa bàn cư trú lâu đời của cư dân bản địa, gọi là người Lếm, người Lé (người Xá). Cuộc “giao lưu” này, người Xá yếu thế hơn, phải bỏ địa bàn, đi xa dần về phía tây. Những ngôi mộ trong hang đá chính là dấu tích còn lại của họ.
Người Lếm, người Lé, hay người Xá là ai? Họ chính là cư dân thuộc nhóm dân tộc ít người hiện vẫn còn lại ở Thanh Hóa và Tây Bắc như người Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng... Tại Thanh Hóa, hiện chỉ còn Mường Lát có hai bản người Khơ Mú là bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) và Lách (xã Mường Chanh), nằm bên bờ sông Mã, giáp nước bạn Lào.
Cụ thể hơn, dấu tích việc đưa người vào chôn tại các hẻm ngách đá của người Khơ Mú đến nay vẫn còn, dù mờ nhạt. Dù chôn người dưới đất, họ vẫn tìm đến chân núi, nơi có những hàm ếch hõm vào. Có thể đó là sự mai một của nghi thức ma nhai táng. Đưa quan tài vào hang động đá, người xưa muốn linh hồn của người chết được nhanh chóng siêu thoát về cõi trời. Đá luôn ám ảnh với ký ức về cuộc sống hang động xa xưa trong tín ngưỡng của người dân, nơi họ gửi gắm linh hồn. Trở về với những hang động đá, được coi như một sự trở về với cuộc sống tươi đẹp hơn cùng tổ tiên.
(còn tiếp)
Lê Quân
Xem thêm: