Chợ Âm Dương ở Bắc Ninh
Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Âm Phủ), chợ họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết (Tháng Giêng Âm lịch).
Ra đời từ những năm 40 sau Công nguyên - thời điểm đang diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa Hai Bà Trưng và quân Hán.
Địa điểm họp chợ - làng Ó - tương truyền là bãi chiến trường, nơi chôn xác những sinh linh tử trận. Chợ họp hàng năm nhằm cầu siêu thoát cho các vong hồn và thanh thản tâm hồn người còn sống. Chợ bắt đầu từ xẩm tối mồng 4, lúc trời nhập nhoạng, trời đất giao hòa, âm đi dương đến.
Với quan niệm người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ hồn ma hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm hồn ma tan tác…
Được mua bán nhiều nhất trong chợ là những chú gà đen và các đồ vật tế lễ. Ngay ở cổng chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm dương. Người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Họ cũng không tỏ vẻ bực tức, khó chịu nếu nhận phải "tiền ma" mà coi đó chuyện làm điều phúc, điều thiện với người đã chết và cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Chợ Viềng ở Nam Định
Ít người biết rằng ở Nam Định có đến 4 chợ Viềng mà mỗi chợ chỉ họp 1 lần /năm nhưng đều vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng hàng năm.
- Chợ Viềng Nam Trực thờ Từ Đạo Hạnh nằm cạnh Chùa Bi
- Chợ Viềng Liễu Đề trong khu vực đền thờ Triệu Quang Phục
- Chợ Viềng Mỹ Lộc cạnh Đền Trần
- Chợ viềng Vụ Bản liền kề với Phủ Dầy
Đông vui và được mọi người chen chân nhiều nhất là Chợ Viềng Phủ Dầy. Đi chợ cầu may nên ít người cò kè vì người ta tin rằng không nên mặc cả sát sạt để bồng ông Lộc về nhà mình.
Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc, đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Ngoài ra còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Hai đặc sản thu hút đc sự quan tâm của mọi người nhiều hơn cả đó là Thịt Bê Thui và Mía Đường Trèo(Mía Đường Trèo ngày nay không còn nữa mà thay vào đó là mía ruột vàng,vỏ màu cánh gián,cũng từ Thanh Hóa,Ninh Bình đưa ra) được coi như đặc sản cầu lộc.
Người đi chợ phải lặn lội từ đêm để đến chợ và cố gắng mua một thứ hàng nào đó trong chợ với mong muốn bán đi những điều rủi ro và mua về những điều may mắn, cả năm làm ăn hanh thông và thuận lợi.
Những phiên chợ tình thú vị
- Chợ Gò Trường Úc: Đây là một trong số những chợ tình tiêu biểu của đất nước ta. Chợ còn truyền mãi trong câu ca dao với lời thề non hẹn biển: "Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi cùng em."
Chợ Gò Trường Úc có tục nhóm phiên vào ngày mồng 1 Tết trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cạnh thị trấn Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8 km.
Chợ Gò Trường Úc được hình thành cách đây 200 năm. Trong thời kỳ quân Tây Sơn đóng tại đây, người ta tổ chức các cuộc vui chơi giải trí và tổ chức nhóm chợ đầu năm trên gò đất mang tên Trường Úc.
Chợ Gò Trường Úc đã trở thành điểm vui Xuân lý tưởng mang đậm tính chất lễ hội cổ truyền. Người đi chợ không những để đi mua sắm mà còn du Xuân hái lộc, cầu duyên nợ, cầu sự may mắn, hanh thông.
- Chợ Lượn: Ngoài giêng, một số chợ thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Thanh niên nam nữ đến đây chơi chợ, mua bán là phụ mà hát lượn - một điệu hát trữ tình dân tộc là chính để bày tỏ tình ân ái với nhau. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ cái chợ một phiên này. Họ hát say sưa, bằng cả trái tim của tuổi trẻ, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tàn phiên mới chịu rời nhau.
- Chợ Cưới ở Vĩnh Phúc: Đây là chợ phiên đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, họp vào ngày 25 Tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả bố mẹ hoặc ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau.
Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở miền núi. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng ngay trong phiên chợ đặc biệt này.
Gia Linh