Vừa qua, thông tin 4 bé sơ sinh ở Bắc Ninh tử vong cùng một ngày khiến dư luận dậy sóng. Theo viện Khoa học Kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, bước đầu kết luận nguyên nhân gây tử vong ở 4 bé là do “sốc nhiễm khuẩn”.
Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao (từ 20 – 50%), trong đó sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn huyết.
Sau vụ 4 cháu bé tử vong do sốc nhiễm khuẩn thương tâm, các cháu bé được chuyển về Hà Nội điều trị tích cực tại bệnh Viện Bạch Mai và bệnh viện Nhi Trung ương. Trong 3 bệnh nhi Bắc Ninh chuyển đến bệnh viện Bạch Mai, có một bé được phát hiện nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Acinetobacter. Bé bị nhiễm khuẩn nặng, hạ đường máu liên tục, vàng da, ứ mật, xuất huyết não, tim to, bụng chướng.
Acinetobacter là cầu khuẩn gram âm, đang nổi lên là một nhóm sinh vật nghi ngờ gây các bệnh nhiễm khuẩn quan trọng ở bệnh viện trên toàn cầu. Các sinh vật này có khả năng tích lũy những cơ chế kháng thuốc, dẫn đến xuất hiện chủng kháng mọi loại kháng sinh hiện có. Sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn so với các chủng nhạy cảm khác. Từ đó gây ra hậu quả là sự kháng kháng sinh.
Vậy nguyên nhân do đâu mà tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến và Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất thế giới?
1.Nguyên nhân thứ nhất là việc người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh nhưng người dân vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc.
2.Nguyên nhân thứ hai, việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh.
Việc này có thể được giải thích là bệnh nhân lười tái khám, tự dùng thuốc của người bệnh.
Nguyên tắc kê đơn: Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm để tìm vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phổ hẹp, thế hệ nhẹ, nếu không đỡ mới sử dụng đến kháng sinh thế hệ cao hơn. Còn trường hợp nếu không tìm thấy vi khuẩn gây bệnh thì sẽ được cho dùng kháng sinh phổ rộng.
Nhưng nếu ở nhóm bệnh nhân lười tái khám thì những ngày sau diễn biến xấu đi, bác sĩ e ngại không theo dõi được ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân nên cho kháng sinh mạnh ngay từ đầu.
Không những thế, bản thân người nhà bệnh nhân sốt ruột giục giã, bệnh không đỡ đổi tại bác sĩ, hoặc gây sự với bác sĩ; vì thế để an toàn thầy thuốc thường dùng quá lên một chút.
3.Nguyên nhân thứ ba, là nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn ở môi trường này cũng trở nên kháng kháng sinh.
4.Nguyên nhân thứ tư, tình trạng lây chéo do quá tải bệnh dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác.
5.Nguyên nhân thứ 5, dược sĩ là những người chưa đặt chân đến bệnh viện nhưng vẫn tư vấn, chẩn đoán và bán thuốc, kể cả dược sĩ đại học thời lượng đi bệnh viện rất ít. Ở Việt Nam rất phổ biến tình trạng này.
Có rất nhiều trang báo nêu ra những nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Nhưng mọi người chỉ cần nhớ 2 nguyên tắc đơn giản này, đó là:
1.Nguyên tắc thứ nhất là “đúng”: Đúng ở đây là sử dụng đúng thuốc cho đúng loại bệnh.
2.Nguyên tắc thứ 2 là “đủ”: Đủ liều lượng trong thời gian có thể giết hết vi khuẩn. Mọi người phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng kháng sinh. Trong quá trình sử dụng kháng sinh nếu thấy có biến chứng hay tai biến phải báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.
Sau khi đọc bài này, mong mọi người có ý thức hơn trong việc sử dụng kháng sinh. Để không còn xảy ra những vụ việc thương tâm như trên.
BS. Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương