Khát vọng sống của người 12 lần phẫu thuật khuôn mặt

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

Nỗi đau hậu chiến trên khuôn mặt chàng sinh viên 21 tuổi Nguyễn Đức Huynh còn thể hiện bằng những vết sẹo hằn sâu trên khuôn mặt. 12 lần phẫu thuật, đau đớn cả thể xác và tinh thần không thể xóa hết những vết sẹo dài nhằng nhịt.

Mới đây cậu đã từ chối cơ hội phẫu thuật lần thứ 13. Bởi Nguyễn Đức Huynh ý thức được khuôn mặt của mình, nhưng cậu không né tránh những ánh nhìn ái ngại của người đời mà tự tin đối mặt. Huynh chia sẻ thật: "Ai chẳng muốn có khuôn mặt đẹp. Em cũng muốn nhưng biết không thể hơn được nữa nên em từ chối... cơ hội lần phẫu thuật thứ 13".

Nguyễn Đức Huynh với khuôn mặt hiện tại, sau 12 lần phẫu thuật

Ông Bụt đến từ... Bắc Âu

Ngồi đối diện với tôi là chàng sinh viên năm thứ 3, ĐH Điện lực có vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt sáng thông minh nhưng khuôn mặt dù đã qua 12 lần phẫu thuật vẫn còn gồ ghề, lồi lõm, minh chứng của vết sẹo chiến tranh cho dù nó đã thành quá khứ. Huynh sinh ra trong một gia đình ở Quảng Trị. Nơi đó đã hứng chịu hàng triệu tấn bom mà đến nay, một phần lớn còn vùi trong lòng đất, nó vẫn còn sẵn sàng gây họa cho con người bất kỳ lúc nào. Nguyễn Đức Huynh là một trong số rất nhiều nạn nhân bom mìn sau chiến tranh ấy.

Năm 1996, ông Fokle Redén phóng viên người Thụy Điển làm việc cho một hãng thông tấn có trụ sở tại Hồng-Kông đến Việt Nam tìm hiểu về nạn nhân bom mìn. Được chính quyền địa phương giới thiệu ông Fokle Redén đã đến gặp gia đình Huynh và làm một phim phóng sự về cậu, một nạn nhân bom mìn. Phóng sự mang tên "The boy with no face" (Cậu bé không có khuôn mặt) được trình chiếu trong một chương trình thời sự của Đài truyền hình Stockholm. Đoạn phóng sự đã gây xúc động lớn với công chúng Thụy Điển, nó được các hãng thông tấn của nhiều quốc gia phát lại.

Ông Oran.G. Avinius, một doanh nhân người Thụy Điển sau khi xem phóng sự rất xúc động và quyết định sang Việt Nam giúp đỡ nhân vật chính trong phóng sự. Gặp Huynh, biết rõ hoàn cảnh gia đình cậu, ông Oran.G. Avinius về nước đã gửi tiền điều trị cho Huynh qua Đại sứ quán Thụy Điển. Nhận được sự giúp đỡ, gia đình đưa Huynh đến Trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội (Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba), với hy vọng tìm lại được khuôn mặt.

Nguyễn Đức Huynh được điều trị 8 tháng liên tục với 7 lần phẫu thuật nhưng mỗi lần mở băng chờ đợi các bác sỹ lại thất vọng. Cậu bé 7 tuổi đã chịu nhiều đau đớn với những ca phẫu thuật liên tiếp. Sau khi phẫu thuật, ảnh của Huynh được gửi cho ông Oran.G, nhìn thấy sự không khả quan nhưng doanh nhân người Thụy Điển vẫn tiếp tục giúp đỡ Huynh và cố gắng thu xếp để đưa cậu sang Mỹ điều trị. Tại Mỹ, Huynh với hơn 4 lần phẫu thuật cùng với những thiết bị công nghệ và chuyên môn hàng đầu em đã có diện mạo khả dĩ hơn với khuôn mặt hiện tại.

Khát vọng sống và yêu

Nguyễn Đức Huynh có sự tự tin như hôm nay là sự giúp đỡ của bao người muốn mang lại cơ hội, may mắn cho người kém may mắn như em. Hiểu điều ấy, khát vọng sống và cống hiến trong Huynh càng bùng cháy mãnh liệt hơn. Từ nỗi đau của bản thân, Huynh tự nghĩ phải làm gì để người dân những khu vực còn nhiều bom mìn vẫn hàng ngày, hàng giờ bị thần chết đe dọa ý thức được nguy hiểm và biết cách phòng tránh? Làm sao, những nạn nhân như Huynh được cộng đồng biết đến và chia sẻ? ý nghĩ ấy, thôi thúc Huynh thành lập trang thông tin: www.nannhanbommin.com

Nỗi đau của... “thằng Sẹo”

Một ngày định mệnh đầu tháng 11/1994 khi hai anh em song sinh Huynh và Hòa mới 4 tuổi chơi gần xưởng gia công đồ phế liệu. Bỗng, ầm! Tiếng nổ rung chuyển khiến anh em Huynh ngất lịm đi. Quả bom napan lẫn trong đống phế liệu phát nổ, người Huynh bị cháy như ngọn đuốc. Cậu tỉnh lại đã thấy mình trong viện, toàn thân bỏng rát. Và cũng từ ấy, khuôn mặt của Huynh bị biến dạng. Đi học, cậu không còn được bạn bè gọi tên bình thường nữa mà thay vào đó là cái tên gắn với dị tật của mình: "Thằng Sẹo!". Lớn dần lên, cậu ý thức được sự đau đớn, miệt thị trong cái tên bạn bè gọi khiến Huynh chán nản, khủng hoảng tinh thần.

Huynh chia sẻ: "Từ website đó, em đã tham gia vào tổ chức “Nhóm hỗ trợ nạn nhân bom mìn (ICBL-CMC) quốc tế” với mong muốn giáo dục phòng tránh bom mìn cho người dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn về y tế, giáo dục. Từ tổ chức này, em cũng tham gia, đề xuất ý tưởng thực hiện theo chủ đề của Nhóm. Tổ chức này là mạng lưới toàn cầu, có nhiều thành viên ở nhiều quốc gia tham dự".

Ngoài những chia sẻ về công việc, tôi muốn tìm trong sâu thẳm con người Huynh một khát vọng sống và yêu cho bản thân. Huynh cười, nói rằng đã có người yêu và chia tay. Cậu cười hồn nhiên lắm khiến tôi không nghĩ em đã chia tay người yêu và nhắc về “người đó” lại tươi rói như vậy. Gặng hỏi, cuối cùng khi những "cửa sổ" của laptop đóng lại hiện trên hình nền là một Nguyễn Đức Huynh đang cười rạng rỡ bên một cô bạn gái xinh xắn. Huynh nói: "Người yêu của em đấy. Cô ấy người Canada, 23 tuổi cũng tham gia “Nhóm hỗ trợ nạn nhân bom mìn như em".

Tôi muốn khai thác thêm mối tình không biên giới của Huynh nhưng cậu lại từ chối. Tôi đề nghị cậu gửi cho ảnh hai người Huynh chỉ cười. Sau đó vài tiếng, tôi nhận được tin nhắn của Huynh: "Chị ơi, chuyện cô bạn gái người Canada, em đùa đấy". Tôi thì không nghĩ cậu đùa, bởi trong câu chuyện Huynh đã rào đón rất kỹ. Rồi tôi lại tự nhủ, nếu Huynh có đùa đi chăng nữa thì trong câu chuyện ấy vẫn có 50% sự thật, 50% mơ ước của "Cậu bé không có khuôn mặt". Nay em đã tìm được sự tự tin, yêu đời, ham cống hiến và khao khát được sống, được yêu. Cậu cũng mơ mình có người yêu để sẻ chia buồn vui trong cuộc sống. Tôi thầm mong, câu chuyện tình yêu (nếu có đùa) cũng hóa thành sự thật, như một chuyện cổ tích về hành trình tìm lại khuôn mặt sự tự tin đã từng đến với Huynh.

Vương Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.