Bởi trong vòng chưa đầy 2 năm anh đã tự mình chế tạo ra 2 chiếc trực thăng đầu tiên ở Việt Nam.
7 năm ấp ủ một đam mê
Năm 1978, anh Hải tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó anh ở lại thành phố công tác một thời gian. Rồi thấy như không thích hợp với ngành mình đã chọn học, anh quyết định về… quê. Cùng với gia đình thành lập một xưởng cơ khí nhỏ, càng làm việc anh càng thấy mình gắn bó với nghề hơn.
Ngày đó máy bay thường bay qua lại trên nhà anh rất nhiều. Anh thường tự hỏi tại sao chỉ người Mỹ mới có thể chế tạo máy bay còn Việt Nam thì không. Sau đó, bằng chính niềm đam mê, anh dành thời gian rảnh để tìm tòi học hỏi những kinh nghiệm làm máy móc, quy trình vận hành, các nguyên tắc hoạt động của máy bay để chế tạo. Anh ước ao chế tạo ra chiếc trực thăng để bay trên vùng rẫy bón phân cho nhanh vì anh thấy việc bón phân của bà con nông dân quá chậm, mất nhiều thời gian và công sức.
Sau 7 năm tự mình tìm tòi đến năm 2003, cùng với anh Lê Văn Danh, anh Hải bắt tay vào chế tạo chiếc máy bay đầu tiên và hoàn thành trong vòng chưa đầy 5 tháng. Sau đó anh đem ra xã Suối Ngô để bay thử nghiệm, nhưng chưa kịp bay thì đã bị xã đội xã Suối Ngô đình chỉ. Chiếc trực thăng sau đó bị giẫm đạp méo mó và hư hỏng khá nhiều do người dân khắp nơi hiếu kỳ kéo đến xem. Anh Hải đành ngậm ngùi mang về nhà đắp chiếu để làm kỷ niệm.
Nhưng điều đó không làm anh nản lòng vì nhân sự kiện chế tạo ra chiếc trực thăng đó, anh được cử đi dự Hội nghị tôn vinh những anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Anh nói: "Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi sáng tạo hơn". Anh Hải vẫn ấp ủ ước mơ làm ra máy bay, vẫn muốn chứng tỏ rằng con người Việt Nam thời nay, dù cho chỉ là một nông dân bình thường, vẫn có thể lập nên kỳ tích.
Năm 2005, anh Hải chế tạo chiếc máy bay thứ hai, lần này anh hồ hởi khoe chiếc trực thăng mới hiện đại hơn rất nhiều, với giá thành rẻ hơn chỉ ngang ngửa giá sản xuất một chiếc xe ôtô du lịch trong nước. Công nghệ chế tạo cũng được cải tiến hoàn toàn. Cốt máy làm bằng thép do anh tự chế chứ không dùng cốt máy và động cơ xe Zil như chiếc máy bay đầu tiên. Động cơ dựng đứng chạy bằng nhiên liệu RI-MI-FO (một loại dầu hôi có pha thêm nhiều phụ gia khác).
Theo anh Hải, động cơ mới sẽ ít hao xăng hơn, chỉ với 60 lít xăng có thể bay được 8 giờ đồng hồ (động cơ cũ chỉ chạy được 1 giờ). Nếu hệ thống lái trước đây được điều khiển bằng cơ thì nay được giữ bằng thủy lực. Thời gian làm chiếc trực thăng này chưa đầy 4 tháng.
Sau khi hoàn thành chiếc trực thăng thứ hai, anh Hải có cho thử nghiệm, máy bay nâng cao được khoảng 2m. Một đoàn cán bộ ở Cục Phòng không - Không quân và Vietnam Airlines nghe tin rầm rộ trên Internet liền đến xem thử. Anh Hải ngỏ ý muốn xin bay thử. Họ nói cấm thì không mà cho bay thì cũng không biết cơ quan nào cấp giấy phép cho bay.
Ít lâu sau một người bạn của anh Hải tên Lê Quang Đỉnh có quay một đoạn phim về người nông dân và quá trình chế tạo chiếc máy bay đưa lên mạng internet. Có lẽ vì vậy mà không lâu sau anh Hải nhận được lời mời của Viện Bảo tàng Quốc gia Singapore qua nước họ để trưng bày triển lãm chiếc trực thăng đầu tiên do người Việt Nam chế tạo ra. Triển lãm có rất nhiều nước tham gia và cuối cùng anh đã đồng ý bán chiếc trực thăng của mình cho Viện Bảo tàng nghệ thuật đương đại MoMa của Mỹ.
Từ một nông dân trở thành "Vua chế tạo máy móc"
Trước đó anh Hải còn được người dân trong vùng và một số tỉnh như Kontum, Gia Lai, các tỉnh miền đông Nam Bộ và khu vực biên giới Campuchia biết đến như một vị vua trong việc chế tạo các loại máy móc để phục vụ bà con nông dân.
Một rẫy mía hay mì của bà con nông dân cần làm cỏ, bón phân hay xới đất, róc lá khô hẳn phải mất rất nhiều nhân công mà nhiều khi còn làm không xuể. Nếu vận dụng đến sức trâu bò thì mỗi luống chỉ được mỗi con chui vào. Thế là anh chế tạo ra cái máy "cày vô cày ra" làm được một công mà rất nhiều việc, công suất đạt được khoảng 4 ha/ngày, có động cơ kéo hẳn hoi.
Nhìn bà con nông dân một nắng hai sương quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đập xong nông sản rồi lại phải vất vả vác lên bờ là cả một công đoạn vô cùng mệt nhọc. Vì địa hình quê anh không bằng phẳng, các loại xe chở mía, mì phải khổ sở lắm mới có thể đi được nên anh làm ngay xe chở nông sản sáu bánh chạy trên mọi địa hình.
Sau đó thấy bà con nông dân thu hoạch mía hì hục cả ngày nhưng năng suất không được bao nhiêu, anh nghĩ ngay đến việc chế tạo máy thu hoạch mía. Thực ra thì máy thu hoạch mía đã có từ rất lâu rồi nhưng ở Việt Nam hiện chưa chế tạo được mà phải nhập từ Nhật Bản với giá khoảng 6 tỷ đồng/máy.
Với khả năng kinh tế của người dân thì việc bỏ tiền ra mua một cái máy đắt như vậy là điều không thể. Anh Hải đã cho ra đời máy thu hoạch mía với giá 1 tỷ đồng/máy. Với chiếc máy này bà con nông dân có thể yên tâm và tiết kiệm sức người rất nhiều vì máy làm tất cả các công đoạn từ thu hoạch, cho tới tuốt mía sạch sẽ rồi chỉ cần đưa lên xe chở về là được. Bà con nông dân hay tin mừng khôn tả tìm đến nhà anh đặt mua hàng liền.
Ngoài ra, anh Hải còn chế tạo ra nhiều loại máy công nghiệp khác như: Máy giặt cao su, với số lượng mủ giặt một lần là 800 kg, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao... Hiện nay anh Hải đang cùng con trai ra sức tìm tòi chế tạo máy phục vụ cho việc trồng mì của gia đình anh theo một quy trình khép kín. Tất cả các công đoạn từ cày đất, lên luống, trồng và thu hoạch đều do máy móc làm, con người chỉ ngồi điều khiển. Anh nói: "Tôi sống và làm việc bằng niềm đam mê của mình, và điều quan trọng là tôi muốn cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước mình".
Nguyễn Nga