Hai “siêu dự án” nói đến ở đây là dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa và Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, hai dự án có số phận trái chiều nhau.
Năng lực tài chính của chủ đầu tư quyết định số phận dự án (Ảnh minh họa)
Tháng 10/2010, dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng. Ngay lập tức chủ đầu tư đã tiến hành công tác san lấp mặt bằng và đến thời điểm hiện nay đã có 488 ha mặt bằng được san lấp, đạt 24,8% diện tích.
Bên cạnh việc san lấp mặt bằng, chủ đầu tư cũng đã hoàn tất công tác thiết kế và đặt mua thiết bị cho nhà máy, xây dựng xong khu bãi chứa và đang triển khai xây dựng công trình luồng tàu dịch vụ vào cảng và khu sinh hoạt và hành chính.
Với tiến độ công việc như hiện nay, chủ đầu tư tập đoàn Formosa cam kết tháng 7/2012 sẽ hoàn thành cầu cảng dịch vụ số 1, tháng 2/2012 sẽ khởi công xây dựng móng lo cao nhà máy luyện thép và tháng 6/2014 sẽ có sản phẩm thép ra lò. Hiện dự án này vẫn đang theo đúng tiến độ mà chủ đầu tư đã đề ra.
Cùng được xếp vào hàng “siêu dự án” nhưng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê lại có số phận hoàn toàn trái ngược.
Theo kết quả khảo sát, đến nay dự án khai thác mỏ sắt của Hà Tĩnh mới chỉ bóc xong 11,2 triệu m3 đất tầng phủ. Không những thế, hiện nay, chủ đầu tư công ty cổ phần Sắt Thạch Khê đang tạm ngừng các hoạt động để tiến hành cơ cấu lại cổ đông, hoàn thiện thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ để xin phê duyệt trong quý 1/2012.
Khó khăn của dự án này nằm ở việc huy động tiền vốn. Theo chủ đầu tư, hiện tại, việc góp vốn của các cổ đông mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số 2.400 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó có 786 tỷ tiền mặt và phần còn lại là chi phí tài liệu thăm dò điều tra trong quá khứ. Công việc giải phóng mặt bằng cũng tốn kém mất khoảng 3.478 tỷ đồng, trong khi việc chi trả cho việc giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện được khoảng 8,7% tương đương hơn 300 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư công ty cổ phần Sắt Thạch Khê hiện đang “rất khó khăn” vì thế không chỉ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê mà một dự án khác của công ty này là dự án nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm, có thể mở rộng lên 4 triệu tấn/năm cũng đang gặp khó khăn về vốn. Vốn đầu tư của dự án này lên tới 1,236 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay dự án này cũng mới chỉ dừng lại ở mức hoàn thành công tác lập dự án đầu tư và đang chờ chính hội đồng quản trị công ty này… phê duyệt.
Khó khăn đã buộc chủ đầu tư phải đánh giá lại tổng mức đầu tư cũng như lựa chọn công nghệ phù hợp với loại quặng nhiều kẽm ở Thạch Khê. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đang tìm phương án cho việc vận chuyển quặng từ Thạch Khê đến nhà máy tại Vũng Áng, một trong những vấn đề được đánh giá là điểm mấu chốt của dự án này.
Trước những khó khăn của chủ đầu tư, hiện tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), một trong những cổ đông chính, đã đạt được thỏa thuận về thoái vốn đầu tư với các cổ đông khác và đang trình xin ý kiến Chính phủ về việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình. Thế mới thấy được vai trò quyết định của chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ và sự sống còn của công trình.
Phan An (Tổng hợp từ VNE)