U60, 70 vẫn nhảy tốt
Một trong những người mê khiêu vũ và được mọi người biết đến là người nhảy đẹp có tiếng đất Hà thành là bác Hoàng Thị Huệ, 73 tuổi, (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Bác Huệ chia sẻ: "Sau khi ông nhà tôi mất, đã bảy năm nay tôi không đến sàn khiêu vũ. Năm vừa rồi sức khỏe tôi yếu đi trông thấy, chân tay đau nhức, người mỏi mệt, trong khi đó con cháu đều bận cả ngày, cứ ngồi ở nhà xem TV vừa hỏng mắt lại mỏi mệt thêm. Bạn bè khuyên nên đi tập lại nếu không sẽ teo cơ.
Tôi không đi xe máy được nữa nên phải nhờ người đưa đi đón về nhưng từ khi khiêu vũ trở lại đến giờ sức khỏe tốt lên trông thấy, đã biết nhảy khiêu vũ rồi như nghiện ấy, hôm nào không đi được thì bứt rứt lắm”.
Ngày càng nhiều người già tìm đến các câu lạc bộ khiêu vũ
Chị Nguyễn Thúy Hằng, Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ cổ điển và Thẩm mỹ Lady (nhà văn hóa xóm mới Đình làng Hậu, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thực ra ở nước ta nhiều người còn e ngại khiêu vũ bởi vì định kiến cũ. Khiêu vũ cổ điển vốn là một môn thể thao. Nó giúp giải phóng một số năng lượng đáng kể nhưng lại không gây cảm giác áp lực lên người khiêu vũ. Hơn nữa còn giúp cho người nhảy có thân hình thon gọn, mềm dẻo và linh hoạt hơn.
Thời gian gần đây nhiều người mới tìm đến khiêu vũ bởi những tác dụng tốt đối với sức khỏe và cải thiện vóc dáng. Điều đặc biệt, tiên phong đến với khiêu vũ không phải là những người trẻ tuổi mà là những cụ U60, U70.
Những người mới bắt đầu bước vào học khiêu vũ thường học ở ngoài trời như công viên, vườn hoa,.., còn những người đã biết nhảy thường đến sàn. Khi đã biết nhảy rồi thì rất mê, thậm chí có cụ cứ nghe thấy tiếng nhạc là nhảy. Chỉ cần học 7-8 buổi người học đã nhảy được một vài điệu đơn giản như Rumba, Chachacha.
Lưu ý đối với người có tuổi nên tránh các điệu quá cuồng nhiệt, sôi nổi và không nên thực hiện các bước te sâu. Gân cốt không còn mạnh sẽ gây nguy hiểm khi thực hiện các động tác khó như thế”.
Nơi Nên ủng hộ “tình già” của các cụ
Tay trong tay với những điệu van dịu dàng và bản nhạc du dương, dường như không có khoảng cách giữa hai bạn nhảy. Do vậy mà tình cảm đối tác dành cho nhau cũng không có gì lạ. Nhiều người lớn tuổi sống đơn thân đến câu lạc bộ một phần để cải thiện sức khỏe, một phần tìm một người bạn đời đích thực sống nốt quãng đời còn lại.
Dù hai vợ chồng bác Đặng Trần Vĩnh (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) sáng nào cũng đi cùng nhau nhưng đến câu lạc bộ khiêu vũ mỗi người tìm cho mình một bạn nhảy riêng.
Bác Vĩnh cho biết: "Thực ra, để học nhảy khiêu vũ cổ điển người ta phải dám vượt qua mọi lời thị phi của người xung quanh. Cũng dễ hiểu bởi định kiến từ xã hội, người ta vẫn nghĩ già rồi thì ở nhà "nhảy nhót làm gì cho hư người", hay già rồi ở nhà cho con cháu nhờ.., do đó điều quan trọng phải có bản lĩnh để vượt qua những định kiến đó để đến với đam mê của mình.
Đến khiêu vũ, mọi người có cơ hội gặp gỡ và "gần nhau" hơn, thậm chí nhiều người đi tìm một nửa, tìm tri kỉ của mình. Không chỉ đến đây đơn thuần chỉ để khiêu vũ để luyện tập sức khỏe mà còn có nhiều cái lợi khác về mặt tinh thần.
Đến đây mọi người rất thoải mái, như tôi và bà nhà tôi, rất ít khi nhảy cùng với nhau. Tôi có bạn nhảy riêng của tôi, bà ấy có bạn nhảy riêng của bà ấy, ôm eo, nắm tay thoải mái mà không có vấn đề gì".
Theo quan điểm của bác Vĩnh, thực ra "con chăm cha không bằng bà chăm ông", ở cái tuổi này còn "làm ăn được gì" nhưng vẫn cần có một người ở bên tâm sự và sống hết quãng đời còn lại sẽ vui hơn nhiều mà con cái khó có thể thay thế được.
Nhiều người nghỉ hưu ở nhà không biết làm gì, buồn và cô đơn lắm do đó phải tìm chỗ để chơi, mà chơi đâu phải dễ nên phải tìm cái gì đó vừa lành mạnh về thể chất và tinh thần thì tham gia.
Ngày càng nhiều người tham gia vào các câu lạc bộ như khiêu vũ để giảm xì-trét, giải phóng tinh thần, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn cho nên có câu "Khi buồn ra ngắm phố đông dại gì đóng cửa mà đong cơn sầu/ Khi buồn ta lại yêu nhau, dại gì ủ rũ cho mau cái già".
Lý giải về xu hướng ngày càng nhiều cụ già tìm đến các câu lạc bộ thay vì đóng cửa ở nhà làm bạn với cái TV và sách báo, chuyên gia tâm lý Hà Vân, Trung tâm tư vấn Hạnh phúc gia đình cho rằng: "Các cụ ông, cụ bà khi đến tuổi thất thập cũng là lúc con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng. Nếu bạn đời đã mất đi, họ sẽ rất cô đơn và hụt hẫng. Nhu cầu có người chia sẻ tình cảm, chăm sóc ân cần là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, nhiều khi con cái không hiểu điều đó, mà nghĩ rằng chỉ cần chu cấp đầy đủ vật chất cho các cụ là đã làm tròn chữ hiếu. Xu hướng mới trong xã hội hiện đại là con cái không muốn sống chung với bố mẹ vì muốn được tự do, và chính các bậc cha mẹ khi đã về già cũng không muốn sống cùng con cái vì cần không gian yên tĩnh. Chế độ, giờ giấc sinh hoạt của con cháu cũng khác với các cụ nên việc chung sống đôi khi trở nên phiền phức cho cả hai bên.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, con cháu nên ủng hộ nếu các cụ muốn có bạn đời mới để nương tựa. Người già không mấy quan tâm đến vật chất nhưng lại rất cần tình cảm, cần được quan tâm, chia sẻ. Con cái dù có quan tâm đến mấy cũng khó lòng lấp được khoảng trống cô đơn trong lòng họ. Có được một người bạn để tâm tình là liều thuốc tinh thần rất tốt đối với người già.
Rẻ và đa dạng Một chủ câu lạc bộ khiêu vũ thừa nhận, các câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người già mọc lên ngày càng nhiều bởi nhu cầu cho các đối tượng này ngày càng tăng. Chi phí vé tham gia sinh hoạt vào câu lạc rất thấp chỉ dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng (gồm cả nước uống). Xuất hiện ở các câu lạc bộ hiện nay còn có các "giai nhảy trẻ" rất chuyên nghiệp, bởi một số điệu nhảy có động tác mạnh như nằm ra sàn nhà, hai chân tung trên không,.. Do đó, đối tác nhiều tuổi không thể "đáp ứng", cũng như cho "cảm giác mạnh" làm các quý bà vui lòng. Tùy vào sự phục vụ “nhiệt tình” của "giai nhảy" để quý bà boa, thường thì 100.000 đồng nhiều thì vài trăm. |
Thiên Vũ