Vừa qua, bộ Tài chính đã triển khai thí điểm thực hiện chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng và các Tổng cục trưởng.
Tuy nhiên, việc khoán này có kiến cho rằng không hiệu quả vì vấn đề chính là bớt đầu xe, bớt lái xe, còn khoán như bộ Tài chính đang thực hiện chỉ từ nhà đến cơ quan.
Trao đổi với PV bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng: “Khoán xe công chỉ là bước khởi đầu để tiến dần tới cơ chế khoán toàn bộ chi phí hành chính công.
Như bộ Tài chính thực hiện khoán xe công mới chỉ tiết kiệm được chi phí đi lại từ nhà tới cơ quan và từ cơ quan về nhà của một cán bộ, công chức. Nhưng nếu khoán chi phí hành chính công sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi tiêu khác từ việc bớt đầu xe, giảm lái xe…
Khoán xe công có hiệu quả thực sự khi giảm được chi tiêu mua sắm xe, chi trả lương cho lái xe thì đó mới là thành công trong việc tiết kiệm chi tiêu công”.
ĐB Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh: “Đã khoán xe công mà vẫn không dư dôi xe ra, người lái xe vẫn chỉ phục vụ một người thì chưa hiệu quả”.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng: “Chúng ta đang trong quá trình tinh giản biên chế, giảm chi tiêu công mà bộ Tài Chính đi đầu trong việc khoán xe công là rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, việc khoán xe công làm sao phải cho người dân thấy tiết kiệm, giảm được chi tiêu công so với trước đây như thế nào. Chứ khoán xe công mà không dư xe và lái xe thì vẫn vậy, chỉ khác ở chỗ cán bộ thay vì đi xe công nay đi xe dịch vụ”.
ĐB Trần Ngọc Phương chỉ ra: “Có thể tập trung tất cả lái xe trước đây phục vụ cho cá nhân giờ tập trung vào một mối. Khi đi công tác đội xe sẽ điều xe và lái xe chung của cơ quan.
Đã khoán xe thì cần thiết chấm dứt việc xe công và lái xe chỉ phục vụ một người, việc phục vụ như vậy rất lãng phí”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương: “Đã thực hiện khoán xe công thì anh không được bố trí xe và lái xe cố định. Còn việc khoán mà chỉ để đưa từ nhà đến cơ quan bằng taxi và ngược lại thì không phải khoán đúng nghĩa.
Trong khi đến cơ quan, cán bộ được khoán xe vẫn có xe và lái xe riêng thường trực để phục vụ thì không khác gì chưa khoán xe.
Bởi vậy, việc khoán xe cần phải làm theo đúng nghĩa là khoán xe, nay anh có thể đi xe này, mai có thể đi xe khác từ đội xe của cơ quan phục vụ chung”.
Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Bước đầu chúng tôi thực hiện khoán như vậy. Nhưng chúng tôi không dừng lại ở việc khoán xe như vừa rồi.
Bước thứ hai là tới đây chúng tôi kiến nghị sửa Quyết định số 32 về mua sắm, sử dụng xe công ban hành năm 2015 theo hướng tiền tệ hoá.
Hiện nay, tiêu chuẩn của các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng là có ô tô riêng thì tới đây không có ô tô nữa mà tiền tệ hoá theo khung từ 5-10 triệu đồng.
Từng cơ quan sẽ xác định và quyết định cụ thể việc này, lúc đó không mua thêm xe nữa thì sẽ bớt được đầu xe.
Hướng thứ hai có thể gom các văn phòng, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, và kể cả văn phòng đoàn ĐBQH thành một đầu mối xe chung. Lúc đó còn 1 văn phòng có 7-8 xe, không còn xe riêng cho từng cá nhân nữa thì đầu xe sẽ giảm”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thêm: “Các chức danh hệ số lương 1,3 trở xuống thì khoán xe. Trước mỗi người một xe, nay khoán đi sẽ giảm được nhiều.
Cố gắng sửa quyết định 32 trong khoảng 1 năm, sau đó triển khai, thực hiện. Tôi nghĩ việc này cũng không khó. Vấn đề là thay đổi tư duy, định hướng chính sách để từng bước giảm bớt đầu xe”.
Vũ Phương