Kỳ 1: Bị tống vào tù khi chưa thành án.
Chuyện này xảy ra ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo đó, TAND huyện Quảng Trạch ra lệnh thi hành bắt một công dân chưa thành án phải đi thi hành án phạt tù. Sự việc bị vỡ lở khi tòa phúc thẩm không tìm thấy "tăm hơi" bị cáo.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Quảng Trạch (trái) và quyết định trả tự do của VKSND tỉnh Quảng Bình.
Đang kháng cáo thì bị bắt bỏ tù
Chuyện cười ra nước mắt này xảy ra ngày 3.6.2009 khi TAND tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm vụ trộm cắp tài sản. Khi Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành kiểm tra căn cước của các bị cáo thì phát hiện người kháng cáo không có mặt tại phiên tòa. Tại công đường, mẹ của bị cáo cho biết, con của mình đã bị công an….bắt đi chấp hành án phạt tù gần một tháng rồi.
Theo điều tra của phóng viên Báo ĐS&PL, câu chuyện có những tình tiết sau: Ngày 25.3.2009, TAND
Sau khi Nguoiduatin.vn đăng tải bài viết "Khi quý tòa nhầm tai nạn thành...trộm cắp tài sản" nêu việc hi hữu ở chốn pháp đình Hà Tĩnh, Ban biên tập nhận được nhiều bình luận của bạn đọc bất bình với lối "làm ăn" thiếu cẩn trọng của tòa án huyện Thạch Hà.
Từ bài báo này, chúng tôi đã lần ra nhiều vụ án khác cũng có những tình tiết tương tự.
huyện Quảng Trạch mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Xuân Trường (01.02.1991); Nguyễn Phi Thường (16.02.1990) đều trú tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch về tội trộm cắp tài sản và Phạm Thanh Hải (18.10.1989), trú ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Bản cáo trạng có nội dung sau: Tối ngày 11.11.2008, Nguyễn Xuân Trường rủ Nguyễn Phi Thường đi trộm đồ và Thường đồng ý. Hai tên đã lấy cắp chiếc xe máy của ông Nguyễn Ngọc Văn, người cùng xã, rồi đem bán cho Phạm Thanh Hải với giá 1,4 triệu đồng và chia nhau mỗi người được 700 ngàn đồng. Sau đó, các bị can đã bị tạm giam một thời gian và được tại ngoại cho đến khi vụ án đưa ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội lỗi của mình và bồi thường thiệt hại đầy đủ. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt: Nguyễn Xuân Trường 12 tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Phi Thường 10 tháng tù giam và Phạm Thanh Hải 10 tháng tù giam.
Sau đó, Thường và Hải đều làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Bình. Đơn kháng cáo của họ được TAND huyện Quảng Trạch chấp nhận và đã ban hành thông báo kháng cáo gửi cho VKS rồi chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Quảng Bình để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Thế nhưng, ngày 13.5.2009, công an huyện Quảng Trạch đã bắt Nguyễn Phi Thường đi thi hành án theo Quyết định của chánh án TAND huyện Quảng Trạch và chuyển Thường cho Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình để chấp hành án.
Theo ông Dương Mênh Mông, chánh án TAND huyện Quảng Trạch: "Để xảy ra sự việc trên là do thư ký phiên tòa không ghi đơn kháng cáo của Nguyễn Phi Thường vào sổ theo dõi án bị kháng cáo, kháng nghị”. “Để xảy ra việc đó là do thư ký quên - ông nói - Mặc dù đã có thông báo án có kháng cáo và chuyển hồ sơ lên tòa tỉnh, nhưng do trong sổ theo dõi án không ghi, nghĩ là Thường không kháng cáo nên tôi đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Thường".
Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Văn Thí, viện trưởng VKSND huyện Quảng Trạch cho biết: Về nguyên tắc, Viện là cơ quan theo dõi, giám sát các vụ án từ đầu đến cuối. Các văn bản liên quan đến vụ án hầu hết Viện đều được các cơ quan tiến hành tố tụng như công an, tòa án chuyển đến để thực hiện chức năng giám sát. Trong trường hợp này, có sai sót mà Viện không phát hiện ra là do sự phối hợp không chặt chẽ giữa các phòng ban trong Viện.
"Kinh nghiệm"
Ngày 4.6.2009, viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định trả tự do cho Nguyễn Phi Thường. Quyết định nêu rõ: Bị cáo Nguyễn Phi Thường đang kháng cáo để xét xử phúc thẩm nhưng Chánh án TAND huyện Quảng Trạch lại ra quyết định thi hành án phạt tù khi bản án chưa có hiệu lực là trái pháp luật cho nên phải trả tự do cho Nguyễn Phi Thường.
VKS Quảng Bình cũng ra kháng nghị quyết định thi hành án nói trên và yêu cầu TAND huyện Quảng Trạch hủy quyết định trái pháp luật này.
Tính đến ngày 03.06.2009, khi phiên tòa phúc thẩm được mở thì Thường đã chấp hành án phạt tù được 23 ngày.
Theo khẳng định của viện trưởng Viện KSND và chánh án TAND huyện này, đây là sai phạm nghiêm trọng. Chánh án Mông nhận định: "đây là sai phạm chết người". Tuy nhiên, về trách nhiệm thì lãnh đạo của hai cơ quan này cho biết: đã họp cơ quan để nghiêm túc kiểm điểm... là cùng nhau rút kinh nghiệm.
Hoàng Nam
Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa: Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rõ: "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.