Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Thứ 5, 27/06/2013 11:44

Trong quá trình thu thập thông tin, PV Nguoiduatin.vn bất ngờ phát hiện ra những manh mối quan trọng trong đường dây "chạy" giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ để hưởng chế độ chất độc Điôxin của Nhà nước.

Các đối tượng có khi khai tăng tuổi, tăng thời gian quân ngũ để làm chế độ; có kẻ thì vênh váo khoe có khả năng chạy chế độ nhằm lừa tiền các cựu binh rồi trao cho họ những quyết định hưởng trợ cấp... giả. Thực tế trong quá trình tìm hiểu chúng tôi đã phát hiện có những kẻ lợi dụng "quan hệ" để chạy chọt hưởng "chế độ chất độc da cam" nhiều năm trời. Có kẻ lại lợi dụng việc làm hồ sơ xin hưởng chế độ chất độc da cam/điôxin để trục lợi. Với những thông tin thu thập được trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tích cực vào cuộc để làm rõ trắng đen và xử lý theo quy định của pháp luật...

Sau một thời gian thực tế tại thôn Bắc Ái xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), PV báo Nguoiduatin.vn bất ngờ phát hiện dấu hiệu làm giả giấy tờ, khai tăng tuổi, tăng thời gian ở quân ngũ để hưởng chế độ chất độc da cam của vị chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Điôxin của xã. Không biết bằng quan hệ như thế nào và bằng cách nào, mà nhiều năm nay vị chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam này và gia đình nghiễm nhiên hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam của Nhà nước. Được hưởng quyền lợi nếu đúng tiêu chuẩn là đương nhiên, nhưng thực tế có nhiều dấu hiệu khuất tất trong trường hợp này.

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Ông Vũ Du Hành bức xúc trao đổi với PV báo ĐS&PL

Không đóng quỹ vì bất bình

Thời gian qua, tại thôn Bắc Ái, dư luận nhân dân xôn xao vì phát hiện ra hành vi làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước để hưởng chế độ trợ cấp chất độc dam cam đối với ông Nguyễn Thanh S. (SN 1958). Hiện ông này đang là chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam của xã Ngọc Thanh. Người dân bất bình hơn khi nhiều cựu binh tại Ngọc Thanh đã một thời hy sinh một phần xương máu, đang phải hứng chịu những di chứng khủng khiếp của chất độc Đôxin để lại, giờ đây vẫn phải oằn mình lao động để nuôi sống gia đình. Những cựu binh đó đến nay vẫn chưa được hưởng một đồng trợ cấp, chỉ bởi lý do duy nhất: Các giấy tờ liên quan đã hoàn toàn bị thất lạc. Ấy vậy mà, một chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam của một xã, lại có thể giả mạo giấy tờ để hưởng trợ cấp của Nhà nước. Bất bình trước sự việc này, nhiều cựu binh xã Ngọc Thanh đã đồng loạt làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng thị xã Phúc Yên yêu cầu điều tra làm rõ. Cũng theo thông tin từ người dân thôn Bắc Ái, do bất bình vì hành vi trục lợi của ông Nguyễn Thanh S. mà suốt một thời gian dài, người dân không chịu đóng tiền quỹ cho Hội nạn nhân chất độc da cam của xã Ngọc Thanh.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Vũ Du Hành (một cựu binh một thời chiến đấu tại Tây Ninh, hiện là thương binh nặng tại xã Ngọc Thanh - PV) cho biết: "Bản thân chúng tôi chiến đấu và hy sinh máu thịt cho Tổ quốc, đó là niềm vinh dự và tự hào cho những người lính khi khoác trên vai bộ quân phục màu xanh. Đồng đội chúng tôi, người còn, người mất, con cái họ ngày ngày vẫn phải đối mặt trước những di chứng khủng khiếp của chất độc Điôxin. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đỡ những nạn nhân này, tuy nhiên lại có người trục lợi, tìm vào những lỗ hổng của chính sách để chạy chọt, luồn lách, kiếm tiền bất minh...". Ông Hành cho biết thêm: "Bản thân ông S. là người nơi khác tới, đóng quân tại xã Ngọc Thanh thì không thể nào bị nhiễm chất độc da cam?”.

Qua tìm hiểu được biết, thương binh Vũ Du Hành đã từng chiến đấu tại khu biên giới Tây Ninh. Hiện vị thương binh này vẫn chưa được hưởng các chế độ của nạn nhân Điôxin chỉ vì ông mất giấy tờ của đơn vị (giấy XYZ - xác nhận của đơn vị đóng quân nay đã thất lạc -PV).

 Liên quan đến ông Nguyễn Thanh S., người bị những cựu binh xã Ngọc Thanh tố cáo về hành vi làm giả giấy tờ, khai tăng tuổi để hưởng các chế độ của Nhà nước, có một số vấn đề cần làm rõ. Câu hỏi đặt ra là, những giấy tờ của ông S. hiện tại ở xã Ngọc Thanh sao lại không trùng khớp với giấy tờ tại đơn vị khi ông S. bắt đầu nhập ngũ? Và hiện tại chính quyền địa phương đã vào cuộc để làm rõ hành vi làm giả giấy tờ của ông S. như thế nào? Và có hay không một "đường dây" làm hồ sơ để "chạy" nhằm hưởng chế độ chất độc da cam/dioxin để hưởng chế độ của Nhà nước?

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1) (Hình 2).

Giấy xác nhận hoàn thành nhiệm vụ quân sự của ông Nguyễn Thanh S. của Ban CHQS huyện Đô Lương, Nghệ An.

Không qua chiến trường vẫn có chế độ da cam loại đặc biệt?

Trong quá trình thâm nhập thực tế, cùng nhiều nguồn tin của nhân dân, PV báo Nguoiduatin.vn đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến ông S., cũng như những giấy tờ liên quan đến quá trình nhập ngũ và xuất ngũ của ông S..

Được biết, ông Nguyễn Thanh S. (SN 1958) quê gốc tại xã Liên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Sau một thời gian sinh sống cùng gia đình tại Nghệ An, ông S. cùng cha mẹ chuyển về xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho đến lúc nhập ngũ. Năm 1978, ông Nguyễn Thanh S. nhập ngũ và đóng quân tại khu vực đồi bạch đàn thuộc thôn Chung, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc thuộc đơn vị C3 trường Vận tải - Cục vận tải - Tổng cục Hậu cần. Cho tới năm 1979, ông S. tìm hiểu chị Đàm Thị H., trú tại thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh và đi đến kết hôn. Tại thời điểm này, đơn vị cùng gia đình đã tổ chức kết kết hôn cho ông S. và chị H. với mong muốn họ sẽ có một cuộc sống trọn vẹn nghĩa tình. Thế nhưng trong 2 năm liền ông S. và chị H. sinh ra hai đứa con nhưng đều bị mất khi tuổi đời còn quá nhỏ? Đóng quân trên địa bàn xã Ngọc Thanh được 3 năm, cũng như sau khi kết hôn với chị H., tới năm 1982 ông S. xuất ngũ và chuyển toàn bộ gia đình tại Ninh Bình lên xã Ngọc Thanh để sinh sống. Những năm xuất ngũ và sống với gia đình tại xã Ngọc Thanh, ông S. tiếp tục sinh hạ được 5 người con hoàn khoẻ mạnh, không hề bị dị tật, dị dạng...

Tuy nhiên, sau đó người dân thôn Bắc Ái bỗng ngã ngửa khi nghe tin, ông Nguyễn Thanh S. là một nạn nhân bị dính chất độc Điôxin loại đặc biệt (81%), con trai ông S. được hưởng chế độ con đẻ dị dạng, dị tật, vợ ông S. được hưởng chế độ nuôi chồng một đinh suất. Trong khi đó, bản thân ông S. và con trai ông S. vẫn lao động bình thường, và hiện tại ông S. đang là chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã Ngọc Thanh.

Theo lý giải của các cựu binh thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh thì ông S. có dấu hiệu làm giả hồ sơ tài liệu cơ quan Nhà nước, khai tăng tuổi để hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Trao đổi với PV, chủ tịch hội cựu chiến binh thôn Bắc Ái, ông Đàm Văn Toan cho biết: "Đối với trường hợp ông S., hiện tại được hưởng chế độ chất độc da cam là hoàn toàn vô lý. Bởi ông S. nhập ngũ năm 1978, đóng quân tại xã Ngọc Thanh, không qua chiến trường mà lại được hưởng chất độc da cam loại đặc biệt thì cũng hơi "đặc biệt". Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra làm rõ việc ông S. được hưởng chế độ da cam suốt một thời gian dài như thế đã đúng chưa? Chính vì bức xúc của nhân dân nên hàng năm xã Ngọc Thanh đề ra thu quỹ chất độc da cam nhưng nhân dân thôn Bắc Ái phản đối không đóng quỹ nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ cơ sở".

Chung ý kiến với ông Toan, nhiều cựu binh xã Ngọc Thanh và chính những người đồng đội cũ, thủ trưởng cũ của ông S. cũng kịch liệt phản đối khi biết ông S. được hưởng chế độ da cam một cách vô lý. Qua xác minh, điều tra tại Ninh Bình và từ xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi ông S. công tác, PV báo Nguoiduatin.vn đã làm rõ những dấu hiệu làm giả giấy tờ để hợp thức hóa hưởng chế độ da cam của ông S.. Được biết, các cơ quan chức năng thị xã Phúc Yên đã chính thức ra quyết định tạm ngừng lương 6 tháng đối với ông Nguyễn Thanh S. kể từ ngày 7/6/2013 để tiếp tục làm rõ trắng đen.                        

Nhóm phóng viên điều tra

Kỳ 2: Những lý giải và hàng loạt mâu thuẫn cần làm rõ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.