Công an TP.Hà Nội vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm.
Xung quanh thông tin này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sỹ luật hình sự Trần Văn Việt, Công ty TNHH Luật LT và Cộng sự nêu quan điểm: “Để xử lý hình sự một con người, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… một cách thấu tình, đạt lý”.
Trong vụ án ở Đồng Tâm, cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 123 BLHS) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 BLHS).
“Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ thẩm quyền và thủ tục”, Thạc sỹ Trần Văn Việt phân tích yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo Thạc sỹ Việt, tội Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, gồm 3 hành vi: Bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Dấu hiệu trái pháp luật được thể hiện qua các đặc điểm sau: Người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt, giữ, giam người khác; người có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người nhưng thực hiện việc bắt, giữ, giam người không đúng quy định của pháp luật như: Không có lệnh bắt, hoặc khi có lệnh bắt nhưng lai không lập biên bản theo đúng quy định không có người chứng kiến, tạm giam quá thời hạn hoặc bắt sai đối tượng…
Về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, Thạc sỹ Trần Văn Việt chỉ rõ một số dấu hiệu pháp lý cơ bản. Theo đó, người phạm tội có hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn (hành vi huỷ hoại tài sản). Còn hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác, làm mất một phần hoặc giảm giá trị sử dụng, nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được thì đó là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.
“Pháp luật thượng tôn, ai cũng phải tuân thủ. Bên cạnh đó, nhà nước khoan hồng cho những ai thành khẩn nhận tội, ăn năn, hối cải. Vụ án ở Đồng Tâm không phải là một ngoại lệ”, Thạc sĩ Việt cho hay.
Thiên Long