Đó là phát biểu của ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, tại hội nghị Hospitality Indochina 2017, được tổ chức tại khách sạn Nikko TP.HCM hôm 3/5 vừa qua.
Hospitality Indochina 2017 là sự kiện thường niên về các vấn đề của thị trường bất động sản du lịch khu vực Đông Dương. Năm nay, sự kiện đã quy tụ 250 lãnh đạo cấp cao của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển, tư vấn, quản lý và cung ứng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng…
Tại hội nghị năm nay, chủ đề về phát triển bền vững trong ngành du lịch Việt Nam là một tâm điểm, trong đó, những chia sẻ của Tổng giám đốc FLC thu hút nhiều sự chú ý vì tính thực tiễn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ một nhà phát triển bất động sản du lịch có nhiều dự án trong nước, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, nhấn mạnh, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan là điều bắt buộc phải làm của bất kỳ chủ đầu tư làm ăn bài bản, dài hạn nào.
“Vòng đời của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng kéo dài rất lâu, nên đơn giản là nếu cảnh quan xung quanh của dự án bị phá vỡ vì chủ đầu tư không chú trọng bảo vệ môi trường, thì số phận của ngay chính dự án cũng sẽ bị đe dọa”, ông Vinh nói.
Tuy nhiên, theo ông, bảo vệ môi trường sẽ không chỉ là câu chuyện của riêng nhà đầu tư, bởi để phát triển du lịch bền vững, trước hết phải tạo ra sự đồng thuận xã hội về bền vững.
“Một mình nhà đầu tư sẽ chỉ giải quyết được một góc nhỏ ở khu đất có dự án thôi”, ông nói. “Chỉ khi nào toàn thể người dân địa phương cùng tham gia bảo vệ môi trường, nhận thấy những lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thì dự án du lịch của nhà đầu tư nói riêng và lợi thế du lịch nói chung của địa phương mới bền vững”.
Tổng giám đốc FLC nêu các ví dụ đã diễn ra tại Sầm Sơn và Quy Nhơn, nơi có các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn của FLC.
“Khi FLC đầu tư ở Sầm Sơn và Quy Nhơn, nhiều người dân ban đầu cũng dè chừng nhà đầu tư. Nhưng đến khi dự án tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, chúng tôi đã dần dần thay đổi suy nghĩ của họ”, ông Vinh kể.
Tại Sầm Sơn, trước đây thậm chí nhiều người dân xả thẳng nước thải, rác ra biển, khiến bãi biển trở nên ô nhiễm. Nhưng sau khi FLC vào đầu tư, kéo theo lượng khách du lịch đến đông hơn, chi tiêu nhiều hơn tại địa phương, thì ngày càng có nhiều người dân chung tay giữ gìn cảnh quan, trong khi chính quyền địa phương cũng đã quyết định đầu tư xây dựng một hệ thống thu gom và xử lý rác đạt tiêu chuẩn.
“Giờ thì hiệu quả đã rất rõ ràng. Trước đây biển Sầm Sơn phải nói là nhếch nhác, giờ đây biển đã và đang ngày càng sạch hơn, góp phần thu hút nhiều khách đến hơn, dù vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục khắc phục”, ông Vinh nói.
Còn tại Quy Nhơn, trước đây nghề nghiệp chính của người dân là đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên biển, còn giờ đây, nhiều người dân chuyển sang làm cho dự án du lịch của FLC hoặc tự tổ chức những dịch vụ tham quan cho khách du lịch. Vì lẽ đó, giữ gìn cảnh quan cũng chính là giữ gìn “cần câu cơm” cho họ.
Hiện tại, mỗi dự án nghỉ dưỡng của FLC tuyển dụng trung bình khoảng 1.500 lao động toàn thời gian, trong đó tỷ lệ lao động địa phương là 95%.
Thu Hà