'Xe máy xóa đói giảm nghèo'
Thông tin hơn 90% trong số 15.000 người ủng hộ việc dừng hoạt động xe máy được Hà Nội công bố mới đây khiến nhiều người dân cũng như một số chuyên gia có ý kiến trái chiều. Nhiều người dân sống tại Thủ đô cho rằng mình không hề được hỏi đồng thời cũng bày tỏ sự không tán thành việc dừng hoạt động xe máy.
TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng, con số hơn 90% trong 15.000 phiếu khảo sát ủng hộ dừng hoạt động xe máy trong nội đô không đại diện cho tất cả người dân. Trái lại, theo TS. Thủy, xe máy là phương tiện quan trọng trong đời sống người dân hiện nay nên nói việc cấm xe máy là xa rời thực tế.
Vị chuyên gia cho biết, bản thân ông từng tiến hành khảo sát độc lập về việc này và kết quả hoàn toàn trái ngược so với những gì vừa công bố. Đó là có hơn 95% người được hỏi đều đánh giá tầm quan trọng của xe máy và không tán thành với đề xuất cấm xe máy, dừng hoạt động xe máy ở nội đô.
“Chúng ta cứ thử hỏi bạn bè, hỏi những người thân, người dân xung quanh mình xem họ có tán thành việc cấm xe máy ở nội đô không? Tôi cho rằng việc khảo sát là cần thiết nhưng phải minh bạch, khoa học, không xa rời thực tế. Tôi không hiểu tại sao 90% trong số 15.000 người đó lại đồng ý cấm xe máy, không lẽ người ta đều có ô tô hay đều đi xe buýt? Tôi không tin vào kết quả khảo sát ấy bởi chính tôi đã khảo sát những người xung quanh tôi, hầu hết đều nói bỏ xe máy thì... chết. Hiện nay, người đi xe máy chiếm đa số, nếu bỏ xe máy người dân đi bằng gì?”, TS. Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn.
Minh chứng cho quan điểm không nên cấm xe máy ở nội đô của mình, TS. Nguyễn Xuân Thủy đánh giá xe máy là phương tiện xóa đói giảm nghèo hiện nay của nhiều người dân lao động. “Xe máy là một phương tiện hết sức quan trọng với người dân Thủ đô nói chung và người lao động nói riêng. Xe máy tạo công ăn việc làm như dịch vụ xe ôm, vận chuyển hàng hóa nhỏ, đưa con đến trường và quan trọng là phù hợp với túi tiền người dân, nhất là trong thời buổi giá ô tô bị đánh thuế cao như hiện nay… Ngay cả những công chức, những người có ô tô cũng không thể bỏ được xe máy. Lý do là bởi xe máy còn tiện lợi, phù hợp với hạ tầng giao thông của Thủ đô, nó đi vào được những ngóc ngách, đường hẹp”, TS. Thủy nói.
Theo vị chuyên gia giao thông này, xe máy không phải là nguyên nhân gây ra tắc đường và việc cấm xe máy trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng sẽ vô tình khiến ô tô cá nhân gia tăng nhiều hơn. “Đừng đổ lỗi cho xe máy là nguyên nhân gây ra tắc đường. Xe máy cũng không gây ô nhiễm môi trường nhiều như ô tô, chỉ bằng 1/10 ô tô. Nếu cấm xe máy thì người ta sẽ cố gắng mua bằng được ô tô và khi đó phương tiện ô tô lại gia tăng, lúc đó thì càng nguy hiểm”, TS. Thủy phân tích đồng thời dự đoán rằng phải 30 năm nữa, Hà Nội mới nên tính đến chuyện cấm xe máy.
Vị chuyên gia giao thông cũng chỉ ra rằng, do xe máy là phương tiện quá tiện lợi nên nhiều khi người dân chỉ đi vài trăm mét cũng dùng xe máy lưu thông. Đây là nhược điểm mà mỗi người dân cần ý thức hơn nhằm tiết kiệm cũng như nhằm hạn chế tắc đường.
Không khai man?
Tại buổi tọa đàm về hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội sáng 30/6, đề cập tới kết quả khảo sát 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy vào năm 2030, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng viện Chiến lược và Phát triển GTVT lý giải: “Chính xác là 84%. Chúng tôi đã phát đi ngẫu nhiên hơn 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Khoảng 84% người dân được khảo sát ủng hộ, tỉ lệ không ủng hộ là 16%. Tuy nhiên, khảo sát này kèm theo điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng chứ không riêng yêu cầu cấm xe máy”.
Ông Mười khẳng định, việc khảo sát được thực hiện theo một quy trình đầy đủ và kết quả khảo sát là trung thực. Cơ quan soạn thảo, lấy ý kiến không thể điều tra toàn diện TP.Hà Nội mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu, phát phiếu ngẫu nhiên, đối tượng được khảo sát đa dạng về ngành nghề và độ tuổi.
“Đối tượng phát phiếu khảo sát ý kiến bao gồm cả người lao động tự do, cán bộ, công nhân, viên chức… Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phối hợp với sở GTVT Hà Nội và cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận, huyện để phát cho người dân, có địa chỉ cụ thể, đối tượng cụ thể. Chúng tôi không tự “bốc thuốc”. Chúng tôi có thể chứng minh các phiếu khảo sát thực tế mà chúng tôi đã thu về", ông Mười nhấn mạnh.
Để triển khai thực hiện, Hà Nội đưa ra lộ trình gồm 3 giai đoạn: - Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. - Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. - Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận. |
Nhất Nam