Không nên ăn cá biển từ Nhật?

Thứ 6, 28/12/2012 00:09

Sau khi giới chức y tế Mỹ phát hiện ra một hàm lượng phóng xạ nhỏ từ nước mưa ở bang Massachusetts với khả năng có nguồn gốc từ nhà máy điện hạt nhân Nhật đã “dấy” lên lo ngại về nước biển nhiễm phóng xạ từ người dân.

Cùng với một loạt những thực phẩm trong đó có sữa và rau củ, đã bị phát hiện nhiễm xạ tại Tokyo và 5 tỉnh xung quanh thủ đô khiến một số nước cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật, thì nay với việc nước biển nhiễm xạ, liệu các nguồn hải sản từ Nhật sẽ chịu chung số phận?

Phát hiện nước biển nhiễm phóng xạ từ Nhật

Theo một số phương tiện truyền thông đưa tin, nồng độ phóng xạ bị rò rỉ tại một lò phản ứng ở nhà máy Fukushima số 1 miền Bắc Nhật Bản đã cao gấp 10 triệu lần so với bình thường. Các quan chức của công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cũng trong ngày 27/3 cho biết, hiện nồng độ phóng xạ đo được tại đây là 1.000 millisievert/giờ, mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải tiến hành sơ tán khẩn cấp các công nhân đang vận hành tuabin tại các lò phản ứng. “Đây là mức độ cực kỳ cao, có khả năng là do nước rò rỉ từ một lò phản ứng", phát ngôn viên của cơ quan an toàn hạt nhân Hidehiko Nishiyama cho biết.

Theo các nhà khoa học thì nồng độ 1.000 millisievert có thể gây nên phơi nhiễm phóng xạ, với các triệu chứng như buồn nôn và ói mửa. Mức độ tiếp xúc 100 millisievert/năm được coi là mức thấp nhất, và nếu mức độ này tăng lên thì đồng nghĩa việc tăng khả năng gây bệnh ung thư.

Cũng trong thời gian này, Nhật Bản đã tăng diện tích khu vực sơ tán quanh nhà máy hạt nhân, từ bán kính 20 lên 30 km và cảnh báo: “Nước máy ở Tokyo đã được phát hiện là nhiễm xạ cao hơn mức cho phép và không được dùng cho trẻ sơ sinh”.

Trong khi chính phủ Nhật đang ra sức khắc phục những sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I thì vào ngày 28/3, mức độ phóng xạ của nước bên trong một lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima I lên mức "cực kỳ cao", nước biển gần nhà máy cũng có hàm lượng chất phóng xạ tăng lên.

Sau khi có nguồn thông tin về việc nước biển nhiễm phóng xạ, ngày 27/3, chính phủ Nhật đã thông báo mức phóng xạ chính thức lấy từ cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 330m về phía nam ở khoảng 74 becquerel/ml, cao gấp 1.850 lần giới hạn cho phép.

Không nên ăn cá biển của Nhật?

Mặc dù đã có những thông tin bất lợi, nhưng Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân (NISA) của Nhật tuyên bố nước biển nhiễm lượng phóng xạ như trên không gây nguy hiểm ngay lập tức đối với sức khỏe con người và ít ảnh hưởng tới sinh vật biển. “Mức nhiễm xạ này không đe dọa tức thời người dân ở khu vực gần đó. Nước bị nhiễm sẽ khuếch tán trong biển và loãng đi”.

Cũng theo giải thích của ông Hidehiko Nishiyama- người phát ngôn của NISA cho biết thì loại phóng xạ được phát hiện ra trong nước biển tại quanh khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima có chu kỳ bán rã ngắn nên trước lúc con người ăn phải hải sản nhiễm xạ thì hàm lượng phóng xạ có thể đã giảm rất đáng kể.

Ông Atsushi Kasai - cựu trưởng phòng thí nghiệm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản cho rằng mức phóng xạ trong nước biển nói trên không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Ông Kasai nhấn mạnh: “Không nên lo ngại về nguy hiểm đối với sức khỏe dù ăn phải cá phơi nhiễm phóng xạ trong thời gian ngắn. Cần có biện pháp ngăn chặn tin đồn vô căn cứ gây hại cho ngành đánh bắt hải sản”.

Cùng chung ý kiến, phát ngôn viên của Bộ Nông lâm ngư nghiệp của Nhật đã nhấn mạnh rằng việc ăn cá biển sẽ không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe vì phóng xạ sẽ khuyếch tán nhanh chóng trong nước biển.

Trong thời gian qua, việc rò rỉ phóng xạ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu của Nhật trong đó chủ yếu là thực phẩm. Chính phủ Nhật cũng đã đề nghị Tổ chức thương mại thế giới WTO về việc các thành viên trong tổ chức này không nên “phản ứng thái quá” trước sự cố hạt nhân của Nhật. Động thái trên của Tokyo diễn ra sau khi nhiều nước tuyên bố hạn chế nhập khẩu nông sản và các sản phẩm từ sữa của Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ. Phía Nhật Bản khẳng định, các mặt hàng của nước này không chứa hàm lượng phóng xạ vượt quá mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hải Hiền (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.