Đen: Này, ông có đi “giải cứu” củ cải với tôi không? 10 ngàn, túi 5kg.
Đá: Tôi oải với mấy chiêu giải cứu lắm rồi. Hết dưa hấu, chuối, ớt... giờ lại đến củ cải, su hào.
Đen: Cũng là cách chung tay giúp bà con mình bớt lỗ. Nhiều người đang kêu gọi trên facebook kia kìa.
Đá: Chia sẻ, hỗ trợ là đúng, cần thiết. Nhưng lẽ ra sau vài lần “thất bát”, cũng phải rút kinh nghiệm mà thay đổi chứ.
Đen: Nói như ông thì chẳng bị ùn ứ, ế ẩm thế kia.
Đá: Sao ngành nông nghiệp, công thương không giúp nông dân có kế hoạch, chủ động đầu ra. Nếu thấy nguy cơ ế thì phải dừng chứ.
Đen: Vụ này bộ Nông nghiệp cũng có chỉ đạo khẩn "giải cứu” đấy thôi.
Đá: Toàn giải quyết phần ngọn. Giờ mới ra tay thì đã quá muộn.
Đen: Nhìn nông sản bỏ trắng đồng mà xót quá.
Đá: Mồ hôi, nước mắt cả đấy. Nhiều hộ phải vay vốn để mở rộng sản xuất. Chưa kịp thu lãi đã ôm đống lỗ.
Đen: Mình xắn tay vào cuộc ngay đi. Chần chừ, bà con càng khốn khổ thêm.
Đá: Bộ đang chờ “báo cáo”, nắm bắt thực trạng, rồi người ta sẽ có giải pháp.
Đen: Đang nước sôi lửa bỏng. Rau củ không chờ thêm được. Không người mua, chỉ còn nước vứt bỏ.
Đá: Lại thêm công thu lượm. Lỗ chồng lỗ.
Đen: Để tránh thua thiệt, việc chỉ đạo sản xuất, chế biến và phát triển thị trường nông sản là vô cùng cần thiết.
Đá: Không nên nuôi trồng theo trào lưu, bị động khâu phân phối, cầm chắc rủi ro.
Đen: Theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”.
Đá: Có ông bạn còn a lô rủ đi “giải cứu” giáo viên, quá buồn cho thế sự.
Đen: Vụ này căng. Cơ quan thẩm quyền Đắk Lắk đang loay hoay, chưa biết phải gỡ thế nào.
Đá: Đành chờ thôi ông. Việc người ta mà.
Đen: Cũng phải, còn mình, về gom tiền, mua củ cải, phơi khô, làm ca la thầu, kim chi...
Đá: Vừa ngon, rẻ, lại giúp nông dân, một công đôi việc.
Đ.Đ