Nghề báo là một nghề nguy hiểm, một nghề nguy hiểm thì phải cần có một chế độ “bảo hộ” phù hợp để hạn chế, giảm thiểu nguy hiểm đó.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Chuyện đã từng xảy ra… và có thể sẽ tiếp tục xảy ra
Hẳn nhiều người còn nhớ tháng 12/2007 nhà báo Hùng Vỹ (Báo Thương Mại) bị giết ở số 72 Nguyễn Sỹ Sách; Nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung khi tác nghiệp về đề tài chống buôn lậu ở Lạng Sơn hồi tháng 1-2011; Tháng 5/2011 nhà báo Võ Thanh Mai (Báo NNVN) bị chém ở đường Lê Hồng Phong – TP.Vinh; Tháng 11/2012 Phóng viên Nguyễn Đức Khánh (báo Nông thôn ngày nay) bị hành hung trên đường Trần Văn Khéo thuộc địa bàn Cần Thơ. Hay mới đây nhất là trong một ngày (9/4/2013) một phóng Viên nam (phóng viên Trung Đức, báo Lao động Nghệ An) bị dọa giết và một phóng viên nữ (bà N, báo Thanh Niên) bị tạt axit.
Chuyện đã từng xảy ra, đang xảy ra và có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Mức độ, tích chất của việc nhà báo, phóng viên bị cản trở, bị hành hung ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và phổ biến hơn.
Cần có cơ chế bảo vệ Nhà báo
Có lẽ đã đến lúc không nên, không chỉ xem xét những hành vi cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên ở cấp độ xử phạt vi phạm hành chính như theo quy định tại Điều 6, Nghị định 02/2011/NĐ-CP. Không thể chờ có thêm nhà báo bị giết, bị hành hung, bị “trả thù” mới ban hành các chề tài xử lý nghiêm khắc. Bộ luật hình sự Việt Nam cần xem xét đưa tội cản trở và hành hung nhà báo là một trong những tội được ghi nhận trong Luật.
Bảo vệ bằng chế tài Luật hình sự để “bảo hộ” tốt hơn nhà báo
Phải khẳng định lại một lần nữa nghề báo là một nghề nguy hiểm, có sự rủi ro. Mặc dù hoạt động báo chí là hoạt động được quy định theo pháp luật và được pháp luật cho phép. Nhưng vì một nguyên cớ nào đó mà hoạt động báo chí bị ngăn cản, nhà báo bị đe dọa, cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp. Do đó cần thiết phải có những quy định hình sự hóa vấn đề cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo nhằm răn đe, ngăn chặn hiện tượng tấn công phóng viên, nhà báo đang diễn ra ngày càng ở mức độ “báo động”.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của báo chí trong việc thông tin, phản ánh những sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội, vai trò tuyên truyền phổ biết pháp luật, chính sách nhà nước. Đặc biệt là vai trò phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thế nhưng nếu không có một cơ chế “bảo hộ” thỏa đáng sớm muộn cũng làm giảm nhiệt huyết phòng chống, phát hiện tham nhũng của báo chí, làm giảm sự chân thực, khách quan trong ngòi bút của phóng viên.
Dẫu biết Bộ luật hình sự đã có những quy định chung đối với hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. Thế nhưng hoạt động báo chí là một hoạt động mang tính đặc thù nghề nghiệp, hoạt động ấy cần phải có sự điều chỉnh hơn nữa của pháp luật, trong đó việc thúc đẩy một cơ chế “bảo vệ” làm hành lang an toàn trong quá trình làm việc, tác nghiệp là hết sức cần thiết.
>Những vụ phóng viên bị đe dọa, hành hung ghê rợn
Điều 6. Hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: ( Nghị định 02/2011/NĐ-CP) |
Luật gia Giang Quyết