"Không thể để trẻ con chết oan mãi"

Thứ 6, 28/12/2012 00:03

Vụ 4 cháu bé bị chết đuối ở vũng nước một công trường thi công ở Hà Nội gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên dù mấy mạng người bị chết oan một lúc nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm gì. Theo các chuyên gia, vụ việc có đủ yếu tố để xử lý hình sự.

Có thể khởi tố vụ án

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết : Theo Điều 3, Chương 2, thông tư Quy định về an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng thì: Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng; Tại cổng chính phải có sơ đồ mặt bằng công trường, treo nội quy làm việc. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu.

Anh Tỏ đang chỉ cho PV hiện trường vụ chết đuối thương tâm

Điều 33 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định cũng nói rõ: Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng. Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường, phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.

Theo thực tế vụ việc như Nguoiduatin.vn đã phản ánh thì đơn vị thi công đã không thực hiện đầy đủ các quy định trên. Liên quan đến việc thực hiện các quy định này, trước tiên thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng, bên cạnh đó là đơn vị chủ quản có trách nhiệm giám sát việc thi công công trình.

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, các chuyên gia pháp lý của văn phòng luật sư Kinh Đô (Hà Nội) cho rằng: Như vậy đơn vị thi công đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn lao động tại khu vực công trường đang thi công. Nếu có cơ sở để chứng minh được nguyên nhân dẫn đến cái chết của bốn cháu bé là do bị chết đuối tại công trường đang thi công của Vinaconex PVC, thì hiển nhiên đây là một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp là việc thiếu trách nhiệm trong bảo đảm an toàn lao động của đơn vị thi công tại công trường. Và như vậy, có dấu hiệu làm cơ sở để cơ quan công an khởi tố vụ án về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 285, Bộ Luật Hình sự.

Cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Văn Cung (Văn phòng Luật sư Kinh Đô) cho rằng: Trong vụ việc này cần phải làm rõ trách nhiệm trực tiếp trong việc không đảm bảo an toàn lao động dẫn đến nguyên nhân tử vong của bốn cháu bé thuộc về cá nhân nào. Nếu xuất phát từ sự thiếu chỉ đạo của lãnh đạo công ty thì trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thuộc về người đứng đầu công ty. Ngược lại, nếu lãnh đạo công ty đã có sự chỉ đạo sát sao nhưng người thực hiện lại thiếu trách nhiệm thì trách nhiệm hình sự thuộc về những người đó.

Bên cạnh đó cũng có luật sư phân tích, nếu chủ đầu tư có căn cứ về việc có hành vi thiếu trách nhiệm của người được giao trông coi, quản lý, kiểm soát khu vực thi công trong việc không cắm biển báo nguy hiểm và các trách nhiệm an toàn thi công khác thì người ấy sẽ có dấu hiệu của tội "vô ý làm chết người" (Khoản 2 Điều 98 BLHS).

Mặt khác nếu do lỗi của chủ đầu tư đã không thực hiện các biện pháp cần thiết (cắm biển báo cấm; biển báo nguy hiểm; rào che chắn; tiêu thoát nước không để nước sâu;...) theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn trong khi thi công công trình thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 610 Bộ Luật Dân sự.

Luật sư Hoàng Việt Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 285: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm; 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm...

Đ.Phương - N. Cung

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.