Cô Nguyệt kính mến,
Con là Hà, hàng xóm cũ của cô đây ạ.
Thế là cô đã chuyển nhà được 2 năm rồi. Mỗi sáng thức giấc không còn nghe thấy tiếng nói tiếng hát át tiếng loa phường đặc sắc của cô, con ngõ nhỏ trở nên yên ắng lạ thường. Buồn nhất là đám trẻ hay chạy theo hò hét mỗi lần cô đứng chống nạnh trước cửa nhà mình, vừa đọc thơ vừa giậm chân bành bạch. Bài thơ rất dài, con chỉ nhớ mỗi đoạn:
“Ở nhà bà
Nó là gà gấm gà hoa
Sang nhà mày
Nó là ác cầm ác thú
là cú là cáo
là báo là hổ
Vồ cả nhà mày
Giày cả nhà mày.”
Thỉnh thoảng nghe trộm người lớn nói chuyện, con biết được giờ cô rất giàu có. Con thấy mừng thay cho cô.
Mẹ con bảo:
- Nguyệt nó cái gì cũng có chỉ thiếu mỗi đạo đức!
Đạo đức là gì hả cô? Con chưa nhìn thấy ai bày bán đạo đức bao giờ cả! Chắc phải đắt lắm nên một chủ nợ như cô mới không mua được đúng không ạ?
Mẹ con còn kể rằng gần đây, cô có sở thích mới: chơi “bóng” ném – một môn thể thao đồng đội. Tùy vào mức độ thân thiết với gia đình người vay nợ mà cô sẽ chọn một hỗn hợp “nặng mùi, nặng màu” để thuê đàn em ném vào nhà họ.
Trò chơi thú vị là thế mà mẹ lại dặn con không được đến gần cô, nếu không cô sẽ tức giận, ném mắm tôm, tiết canh vào cửa nhà con. Sao người lớn cứ hay phức tạp hóa mọi chuyện lên thế nhỉ. Mắm tôm, tiết canh thì có gì độc hại đâu, toàn đặc sản cả. Chắc chắn họ chưa từng nghe câu: “Nếu cuộc đời bỗng dưng ném mắm tôm vào bạn. Hãy cứ bình thản gọi thêm suất bún đậu”.
Với lại, nhà con đâu có ai mượn tiền cô mà không trả đâu. Rồi những người bị dị ứng hoặc không thích ăn mắm tôm ấy, sao họ cứ ôm bao nhiêu nợ vào người làm gì không biết! Thật khó hiểu...
Tuy không được ở gần cô như ngày trước, nhưng con và cả gia đình vẫn nhớ và thường xuyên nhắc đến cô, nhất là mỗi lần đi ngang qua hàng bún đậu. Con hứa với cô sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này thành đạt, kiếm được thật nhiều tiền, con sẽ mua loại tiết canh và mắm tôm hảo hạng nhất thế giới tặng cô!
Cuối thư, con chúc cô mạnh khỏe và sớm mua được đạo đức ạ!
Con,
Ngọc Hà
|