Kiểm điểm nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Chợ Đồn

Kiểm điểm nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Chợ Đồn

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Sau khi báo Người đưa tin đăng tải thông tin xung quanh vụ khai thác quặng lậu khổng lồ tại huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), hàng loạt những cán bộ địa phương phải làm kiểm điểm.

Trao đổi với PV Người đưa tin, sau khi sự việc “động trời” bị đưa ra trước ánh sáng công luận, ông Hoàng Văn Mão - chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho biết: “UBND huyện đã tiến hành làm kiểm điểm đối với tập thể, cán bộ và cá nhân thuộc diện quản lý, gồm: Chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn; chủ tịch và các trưởng, phó trưởng công an 2 xã Nghĩa Tá và Lương Bằng; các cán bộ công an huyện Chợ Đồn phụ trách địa bàn 2 xã trên và các cán bộ phòng tài nguyên và môi trường…”.

Pháp luật - Kiểm điểm nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Chợ Đồn

Quặng lậu bị khai thác công khai ở Bắc Kạn

Có người đứng sau tiếp tay?!

Cũng theo ông Hoàng Văn Mão, ông rất đau lòng khi lãnh đạo huyện đã bị các cán bộ, lãnh đạo hai xã Nghĩa Tá và Lương Bằng “qua mặt” trong suốt hơn một năm qua để làm những việc “động trời” trong khai thác quặng lậu. Ông Mão cho rằng, sự việc bị bưng bít lâu như vậy chắc chắn là có người đứng đằng sau. Một trong những người mà ông Mão nhắc đến có hành vi tiếp tay, thậm chí là đóng cổ phần vào khu khai thác quặng này là một cán bộ của Công an huyện Chợ Đồn. Đó là lý do mà ông Mão đề nghị không để cho Công an huyện Chợ Đồn tiếp tục điều tra vụ việc mà chuyển vụ việc lên Công an tỉnh Bắc Kạn.

Đại tá Ma Văn Lả - giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn khẳng định, ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) vào cuộc làm rõ vụ việc. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng giao cơ quan chức năng truy tìm các cá nhân, tập thể trong vụ trộm quặng táo tợn này, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/7.

Chính quyền “bảo kê” khai thác quặng lậu?

Đem thông tin về vụ khai thác quặng trái phép tại Bắc Kạn trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia này không giấu nổi bức xúc. GS.Võ cho biết, chuyện khai thác quặng bừa bãi tại Bắc Kạn đã được nhắc đến từ nhiều năm nay và các cơ quan ban ngành đều biết. Sự việc phát hiện mỏ quặng “lậu” khổng lồ tại huyện Chợ Đồn như báo chí phản ánh mới đây chỉ là đốm lửa thổi bùng ngọn đuốc đang âm ỉ cháy tại vùng đất “hái ra tiền” này.

Theo ý kiến của GS.Võ, tình trạng Bắc Kạn “bảo kê” cho khai thác quặng kể cả có phép lẫn trái phép đã lan rộng đến mức báo động. Chỉ cần vào công cụ bản đồ trực tuyến Google map, phóng to ảnh chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy trên địa bàn Bắc Kạn, khắp nơi bị đào bới, loang lổ như những hố bom khổng lồ. Đó chính là hệ quả của việc khai thác quặng không kiểm soát. “Tôi đã từng nói, trước đây Bắc Kạn vốn “ngủ yên” giữ được vẻ thuần khiết của thiên nhiên với phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số thì nay điều đó gần như hoàn toàn biến mất. Đồng tiền đem theo cơn lũ khai thác quặng đã “đào bới” đất đai của người dân nơi đây, biến nó thành những bãi chiến trường. Từ nhìn qua ảnh vệ tinh hay chứng kiến tận mắt, không ai là không đau xót. Nguồn nước bị ô nhiễm, nhóm dân tộc thiểu số bị đảo lộn, dân tình phản ánh lên chính quyền thì bị “ém” đi, khiến họ chẳng biết kêu ai. Tôi có cảm giác, chính quyền luôn đứng ra “bảo kê” cho những đơn vị khai thác quặng trái phép này”, GS Võ thẳng thắn.

Trường hợp như báo chí mới “phanh phui” cách đây vài ngày về mỏ quặng “lậu” tại Chợ Đồn còn nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, số quặng ở đây đã được khai thác không phép, thậm chí còn “núp bóng” thuê đất trồng rừng. Mức độ vi phạm, phá hoại tài nguyên quốc gia còn cao hơn gấp nhiều lần. Hành động phá hoại đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài nhưng các cấp chính quyền gần như vẫn không hề hay biết, điều này là rất đáng nghi ngờ. “Theo suy nghĩ của tôi, nói cấp xã không biết có lẽ không đúng. Bởi, chỉ cần một tình yêu vụng trộm dù là nhỏ nhất, xã cũng có thể biết, không lý nào sự việc chấn động như thế xã lại không nghe được thông tin. Đặc biệt, lực lượng công an xã luôn phải theo sát, nằm vùng, nắm bắt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn... Cấp huyện có thể “quan liêu” một chút không biết còn hiểu được, cấp tỉnh ở xa không nghe tin cũng có thể cảm thông, nhưng cấp xã không biết thì thực sự là chuyện nực cười. Có điều, họ có muốn biết, muốn công khai hay không là cả một vấn đề cần kiểm tra. Liên quan đến sự việc “động trời” này, cần kiểm điểm rõ trách nhiệm các bên từ phía doanh nghiệp cho đến chính quyền. Bộ cũng phải cử ngay đoàn thanh tra về Bắc Kạn để điều tra rõ ngọn ngành, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Không nên tiếp tục để tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng thêm”, GS Võ nhấn mạnh.

Như Người đưa tin đã đưa, dưới “vỏ bọc” trồng cây gây rừng, Nguyễn Tiến Oanh (một đại gia đất Bắc Kạn) đã thuê lại của ông Nà Văn Sính hơn 70.000m2 đất ở thôn Nà Lếnh, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn để khai thác quặng sắt trái phép. Sự việc diễn ra suốt từ 1/1/2011 nhưng chính quyền địa phương “không hề hay biết”. Chỉ đến khi một người dân vì quá bức xúc trước tình trạng “chảy máu” tài nguyên đã gọi điện thông báo cho một phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thì mọi việc mới vỡ lở.

Tiểu Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.