Kiều nữ Thành Nam lần đầu gặp Bác

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

"Thế cháu là nông dân, mặc áo dài đi cày, áo quấn vào cày, cháu cày làm sao?". Câu hỏi của Bác làm nữ đại biểu Quốc hội thẹn thùng, mặt nóng như đổ lửa.

Với bất cứ ai, được trực tiếp nhìn thấy Bác một lần trong đời là niềm hạnh phúc lớn. Riêng đối với bà Nguyễn Thị Kim Dung - Nguyên cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy Nam Định, nguyên đại biểu Quốc hội khóa III - niềm hạnh phúc đó thật to lớn vì bà không chỉ được gặp Bác hai lần mà còn được Người trò chuyện và dạy bảo.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung thời trẻ

Sinh năm 1937 tại xã Hải Quang (Hải Hậu), bà Kim Dung cùng gia đình chuyển tới sống tại xã Nam Phong vào năm 1963. Một năm sau, bà được Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định giới thiệu ra ứng cử rồi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III. Tại kỳ họp thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội, bà và các đại biểu trẻ vinh dự được vào gặp Bác ở vườn cây gần nơi Bác ở.

Quá xúc động và bỡ ngỡ vì lần đầu tiên trong đời được gặp Bác, bà không nghe thấy Bác gọi tên mình. Phải tới khi Bác gọi đến lần thứ ba và mọi người xung quanh nhắc, bà mới vội vàng đứng dậy, lúng túng đến nỗi để chiếc áo dài quấn vào ghế.

Bác nhìn bà đôn hậu rồi hỏi đùa: "Thế cháu là nông dân, mặc áo dài đi cày, áo quấn vào cày, cháu cày làm sao?". Câu hỏi làm nữ đại biểu Quốc hội thẹn thùng, mặt nóng như đổ lửa. Thấy vậy, Bác nói ngay: "Thôi, Bác đùa đấy. Thế Chi bộ Vạn Phong và Đảng bộ Nam Phong vẫn 4 tốt chứ?".

Sau khi trò chuyện, hỏi han, Bác cùng mọi người ra cửa Phủ Chủ tịch chụp ảnh kỷ niệm. Hôm đó, các đại biểu trẻ được về gặp Bác rất đông, ai cũng muốn được đi gần Bác. Các anh chị em khác chen nhau đi trước còn bà Dung đi sau.

Bỗng Bác dừng lại bên cạnh rồi nắm lấy tay bà nói: "Những thành tích của cháu đạt được, Bác rất hoan nghênh. Bác sẽ tặng cho cháu Huy hiệu của Bác. Cháu cố gắng học tập để có đủ trình độ làm tốt nhiệm vụ của nguời Đảng viên, người đại biểu Quốc hội nhưng Bác cũng phê bình cháu, cháu ít tuổi nhưng nhiều con. Cháu phải sinh đẻ có kế hoạch thì mới tiến bộ được".

Những lời dạy bảo của Người làm bà vô cùng vui sướng và xúc động. Bà không ngờ một vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc như vậy mà lại có thể nắm rõ một cách tường tận thành tích của một Chi bộ, một Đảng bộ và hơn thế là cả lai lịch chi tiết của một đảng viên trẻ ở vùng quê như bà. Lời Bác như những lời dạy bảo chân tình của người ông nội, người cha đối với con, cháu trong nhà.

Bà Kim Dung được Bác nắm tay dẫn đi tiếp trên con đường rải sỏi, dưới hàng cây mát rượi. Trong bàn tay ấm áp của Người, bà cảm thấy như được truyền thêm sức mạnh để có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn và sự khốc liệt của chiến tranh.

Trong lần chụp ảnh đó, Bác còn bảo với bà: "Cháu thấp, cháu đứng đằng trước để thợ chụp ảnh nhìn cho đẹp". Khi lấy ảnh, bà mới biết được rằng mình được đứng ngay dưới chân Bác. "Trải qua mấy chục năm rồi nhưng thời khắc thiêng liêng đó vẫn không phai mờ trong ký ức của tôi" - Bà nói, tay nâng niu bức ảnh cũ đã sờn, khóe mắt ngấn lệ vì xúc động xen lẫn vẻ tự hào.

Bác Hồ tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 3, tháng 5-1962

Sau lần gặp đó, vào năm 1968, bà được Đảng bộ tỉnh cử đi dự Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng 4 tốt toàn miền Bắc tại Hội trường Ba Đình. Đến giờ giải lao, các đại biểu xôn xao vì không thấy Bác đến dự.

Khi đang đứng ở hội trường, bà thấy đồng chí Lê Hoành - Chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương - đến tìm và nói: "Bác đang hỏi cô. Cô về chụp ảnh với Bác". Lúc gặp, Bác vẫy vẫy tay gọi bà đến bên và bảo: "Bác cháu ta ngồi xuống để chụp ảnh".

Bà ngồi xuống ôm chân Bác như một đứa cháu nhỏ. Nhìn thấy Bác gầy và xanh, bà hỏi: "Thưa Bác, Bác có khỏe không ạ?". Bác hiền từ nhìn bà và bảo: "Bác vẫn khỏe". Bác còn quan tâm hỏi han bà rất nhiều về chuyện chồng con, cuộc sống gia đình... Bà không ngờ đó là lần cuối cùng bà được gặp Bác và được chụp ảnh chung với Bác.

Trong 8 năm làm đại biểu Quốc hội cũng như trong quá trình công tác và về địa phương nghỉ hưu sau này, bà vẫn luôn nhớ và làm theo lời Bác dặn: Phấn đấu rèn luyện phẩm chất lối sống để mãi là người đảng viên tốt được quần chúng tin yêu.

Năm 1993, bà nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc... Cách đây 2 năm, bà xin thôi giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nam Phong và bàn giao công việc cho người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, bà luôn xông xáo, miệng nói tay làm, sẵn sàng đi đầu giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp ở địa phương với tinh thần "bất cứ lúc nào, bất cứ đâu cần là mình có mặt".

Bà tâm niệm phải cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể, làm những gì có lợi cho Đảng, cho dân và rất tự hào đến nay vẫn giữ được cốt cách, đạo đức của người đảng viên. Điều hạnh phúc nhất của bà là cả 5 người con đều đã thành đạt và có gia đình êm ấm. ở bất kỳ vị trí nào, các con bà đều luôn phấn đấu để xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.

Bà Kim Dung chia sẻ, năm tới sẽ được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bà cũng kể thêm, có một cán bộ trên Trung ương vừa tìm về xin mượn tấm huy hiệu mà Bác đã trao tặng cho bà cách đây gần 50 năm cùng tấm huy hiệu đại biểu Quốc hội để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà quyết định xin giữ lại tấm Huy hiệu cao quý Bác tặng để làm kỷ niệm cho mình và cho con cháu sau này.

Hữu Chiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.