Trường quay Cổ Loa với kinh phí đầu tư ban đầu tới 108 tỷ đồng (tương đương với 5 triệu USD) đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2012 và được kỳ vọng sẽ trở thành kinh đô điện ảnh của Việt Nam, góp phần thiết thực đưa nền điện ảnh nước nhà tiến một bước dài. Tuy nhiên, sau một vài dự án phim cổ trang hoàn thành, hiện tại trường quay lại ế ẩm và có nguy cơ lặp lại tình trạng "sống mòn" trong quên lãng.
Sau khi các đoàn làm phim dời đi; thành quách, lâu đài dựng tạm trong trường quay Cổ Loa đã đổ nát, cỏ mọc um tùm
Trường quay lận đận
Trường quay Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là trường quay đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, trường quay Cổ Loa được coi là thủ phủ điện ảnh của cả nước với những tác phẩm nổi tiếng như: Chung một dòng sông, chị tư Hậu, Nghêu sò ốc hến.
Được thiết kế và xây dựng trên diện tích 15 ha theo mô hình của Cộng hòa dân chủ Đức bao gồm khu trường quay nội cảnh, nhà thu thanh, xưởng in tráng phim, các công trình phụ trợ (nhà ăn, khu nhà trẻ, khu tập thể, trạm cấp nước, trạm biến thế), trường quay Cổ Loa trở thành nơi lui tới của đa số các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau những cống hiến to lớn cho ngành điện ảnh Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, trường quay Cổ Loa dần bị bỏ quên cùng những khó khăn của nền kinh tế xã hội đất nước vừa trải qua đạn bom khói lửa. Từ những năm 80 cho đến tận năm 2008, kinh đô điện ảnh của Việt Nam bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và chẳng còn mấy ai nhớ tới nữa.
Đầu năm 2008, chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt các dự án phim dã sử với chủ đề tưởng nhớ sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) được trình làng. Làm phim về lịch sử đòi hỏi những bối cảnh tường thành, cung điện, làng mạc hoang sơ mà Việt Nam dường như không kiếm đâu ra.
Ngổn ngang trăm mối Theo dự án Trường quay Cổ Loa ban đầu, đến cuối năm 2015 trường quay sẽ đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa/năm; đến năm 2030 sẽ đưa nước ta vào danh sách 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh. Tuy mục tiêu là vậy nhưng cho đến nay, mọi thứ trong trường quay vẫn ngổn ngang trăm bề. Đất đai vẫn chưa hoàn tất quy hoạch, ngoài phòng quay nội cảnh 400m2 thì chưa có một bối cảnh nào khác. Câu hỏi đặt ra, liệu mục tiêu kia có quá xa vời. |
Khát trường quay, người ta mới nhớ tới kinh đô điện ảnh ngày nào và ngỡ ngàng nhận ra sau bao năm bị lãng quên trường quay Cổ Loa đã cỏ mọc rêu phong. Mọi cơ sở vật chất dù trước đây được xây dựng khá tốt, nhưng lâu ngày bị bỏ mặc mưa nắng dãi dầu nên hầu như đã hỏng toàn bộ. Trước tình hình đó, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định đầu tư 5 triệu USD để cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại trường quay Cổ Loa với mục tiêu ban đầu là phục vụ cho các dự án phim lịch sử trước mắt và mục tiêu lâu dài là tạo đà phát triển cho điện ảnh Việt.
Trường quay nội cảnh (rộng 400m2 do Đức xây dựng trước đây) được nâng cấp trở thành trường quay nội cảnh hiện đại với hệ thống đèn treo, ghi hình, âm thanh đồng bộ. Hai dãy nhà cũ được nâng cấp thành nhà công vụ và nhà nghỉ 3 sao với nhiều phòng VIP dành cho các đoàn làm phim đến quay nghỉ ngơi. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí ban đầu còn hạn hẹp nên trường quay ngoại cảnh lại chưa được xây dựng.
Các đoàn làm phim, nhất là các bộ phim dã sử muốn quay tại đây lại phải tự dựng bối cảnh bằng gỗ dán, mút xốp, bìa các tông. Cũng chính vì vậy mà khi các đoàn làm phim dời đi, thành quách, lâu đài với bao nhiêu tiền bạc, công sức đầu tư cũng coi như bỏ đi luôn vì những vật liệu tạm bợ kia không thể thắng được thời gian, mưa nắng.
Ước mơ cho đến bao giờ?
Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, trường quay Cổ Loa đã đón tiếp hai đoàn phim truyền hình lịch sử kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội là Huyền sử thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ. Để thực hiện những cảnh quay tái hiện lịch sử cách đây 1.000 năm các đoàn làm phim đã phải dựng lại cổng thành Thăng Long với dãy tường thành gần 150m, đại điện, dãy phố nhà giàu, dãy phố nhà nghèo, xóm chợ, tư dinh của Trần Thủ Độ. Những bối cảnh này tuy được dựng bằng các vật liệu gỗ dán, xốp nhưng với tường thành, cung điện đòi hỏi sự cầu kì và nét tinh xảo thì phải thuê thợ Trung Quốc. Số tiền bỏ ra thuê thợ nước ngoài thiết kế và dựng như vậy cũng không hề nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Cảnh, nhân viên kỹ thuật tại trường quay Cổ Loa cho biết: "Những bối cảnh hoành tráng và uy nghi như vậy phải nhờ tới thợ nước ngoài chứ thợ Việt Nam không làm được. Tay nghề họ cao nên chắc số tiền thuê cũng không nhỏ. Lúc đầu khu tường thành, cung điện kia đẹp lắm nhìn như thật vậy; sau khi đoàn làm phim hoàn thành người dân còn thi nhau vào đây thăm quan, chụp ảnh cưới. Thế nhưng lâu ngày, ngoài trời mưa gió lại không có cách nào bảo vệ nên bây giờ đổ nát hết".
Thực tế thì ngay từ đầu những bối cảnh lầu son gác tía kia cũng chỉ nhằm mục đích để quay một vài bộ phim đó thôi chứ không tính tới lâu dài. Trong khi đó ngoại cảnh thực sự với hệ thống kỹ thuật hiện đại, vật liệu bền vững phù hợp với khí hậu nhiệt đới thì vẫn đang trong thời gian nằm trên bản vẽ.
Hiện tại, những bối cảnh ngoài trời do các đoàn làm phim cổ trang xây dựng trước đây đã vào giai đoạn xập xệ, đổ nát bởi sau khi hoàn thành xong các bộ phim phục vụ cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng không còn mấy dự án phim dã sử nữa. Phần vì thiếu trường quay nên các nhà làm phim cũng e ngại với dòng phim này. Khoảng đất rộng lớn phía sau dãy nhà chính dành để xây dựng ngoại cảnh ở trường quay Cổ Loa bây giờ lại trở về những ngày bỏ hoang như xưa. Trên nền những tường thành, cung điện, thái ấp đổ nát, cỏ mọc um tùm, rập rạp bởi đã lâu không có bước chân người qua lại.
Ông Phan Văn Hòa, giám đốc trường quay Cổ Loa cho biết: "Hiện tại trường quay đang chuẩn bị đề án để bước vào giai đoạn kế tiếp với việc mở rộng và xây dựng hệ thống các bối cảnh ngoài trời. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là xây dựng 5 cụm bối cảnh ngoại để phục vụ cho dòng phim lịch sử. Trường quay cũng đã xin thêm 100 ha để mở rộng trường quay ngoại với địa điểm giới thiệu khả quan nhất là khu nghỉ dưỡng cuối tuần Minh Phú (thuộc xã Minh Phú và xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội). Nơi đây địa hình núi, hồ, rừng cây cảnh quan có sẵn nên nếu trường quay được xây dựng ở đây sẽ đỡ rất nhiều chi phí đầu tư. Hi vọng sau khi hoàn thành, các đoàn làm phim sẽ không phải vất vả trong việc tìm kiếm và dàn dựng bối cảnh nữa".
Đinh Nhung - Bảo Hằng
Kỳ 3: Tìm lối thoát từ trường quay tư nhân
Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222. |