Những lời mời gọi thường thấy như: Cần tuyển nhân viên bán hàng theo giờ không cần kinh nghiệm, ưu tiên sinh viên, làm việc trong môi trường năng động, có thể làm việc vào buổi tối, lương từ 60.000 - 80.000 đồng/ca.
Hầu hết công việc là tiếp thị quảng cáo hoặc bán sản phẩm thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm của một hãng nước ngoài nào đó. Để thuyết phục sinh viên, các công ty thường sử dụng chính bạn bè, người thân quen của các bạn để dễ bề lôi kéo nhằm gia tăng số lượng người tham gia. Sau khi mua các sản phẩm chức năng, mỹ phẩm “cao cấp” và không bán được cho ai, công sức và tiền bạc của sinh viên hầu như “bỏ sông bỏ bể”.
Một trang Web kinh doanh đa cấp. Ảnh minh họa
Anh Phạm Văn Hùng, ngụ quận 2, cựu quản lý một công ty bán hàng đa cấp cho biết: “Không bán được hàng đồng nghĩa việc không có hoa hồng hoặc nếu bán được thì một thời gian sau các bạn sẽ bị chính người sử dụng ca thán vì hiệu quả của sản phẩm không như giới thiệu. Hình thức này tuy không mới nhưng vẫn khiến rất nhiều sinh viên mắc bẫy.
Một chiêu lừa đảo khác cũng rất tinh vi mà các công ty quảng cáo, tiếp thị thường dùng là tuyển dụng nam, nữ tiếp thị sản phẩm để cung ứng nhân lực cho các hợp đồng quảng cáo sản phẩm của những công ty lớn. Bên cạnh các công ty làm ăn chân chính, vẫn có những công ty núp bóng để lừa”.
Nguyễn Thị Oanh, sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM bày tỏ: “Nhắc đến dịch vụ bán hàng đa cấp, em lại thấy ấm ức hơn. Khi tới công ty, họ yêu cầu sinh viên đóng trước 500.000 đồng gọi là chi phí đào tạo và chụp hình quảng cáo. Sau đó họ chụp cho mỗi người 10 tấm hình và hứa sẽ có việc làm 100% sau khi kết thúc khóa học khoảng một tuần. Tuy nhiên, sau khi khóa học kết thúc, bạn sẽ được nhận điệp khúc “chờ” khi nào có việc công ty sẽ gọi và cứ thế “chờ” cho đến khi nhận ra mình bị lừa”.
Lê Thị Phúc, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay, nhiều sinh viên sau một thời gian chờ “dài cổ” đã quay lại yêu cầu công ty trả lại tiền thì công ty phủi tay, thậm chí còn có lời lẽ đe dọa. Biết không thể làm gì khác vì không có hợp đồng cũng như không biết phải kiện ở đâu nên hầu hết sinh viên đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, coi như một bài học.
Định Ngọc Tuấn, sinh viên trường ĐH GTVT (cơ sở II), cho biết: “Phần đông những bạn sinh viên bị lừa bởi làm thêm dịch vụ “bán hàng đa cấp” đều từ những vùng quê nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Khi giá cả liên tục tăng, các bạn cần tìm đến những việc làm thêm không quá mất nhiều thời gian mà vẫn có thêm tiền cho việc học tập. Do quá nhẹ dạ, nhiều bạn sinh viên đã gặp phải cảnh dở khóc, dở cười khi số tiền bỏ ra không thu lại được, mà tiếp tục làm thì cũng chẳng sinh lời nên đành chấp nhận mình bị thua thiệt”.
Bà Phạm Thị Châu, chuyên viên quản lý thị trường, Sở Công Thương TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Để tìm được một công việc làm thêm an toàn và phù hợp, các bạn sinh viên nên cẩn trọng hơn trước khi quyết định làm việc, đặc biệt là tiếp thị sản phẩm cho một đơn vị, công ty nào đó.
Các bạn sinh viên cần đến tìm hiểu thêm ở những trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc tham gia buổi tư vấn giới thiệu việc làm rộng rãi do các doanh nghiệp tổ chức. Đồng thời, nếu phát hiện mình bị lừa đảo bởi những dịch vụ bán hàng “mơ hồ” cần tố giác qua các đường dây nóng của các cơ quan chức năng, tránh để những người khác tiếp tục bị lừa”.
Thế Quyết