Trẻ mắc bệnh “hiểm” từ đồ chơi
Mấy ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh phát sốc về nghiên cứu của một tổ chức nước ngoài về đồ chơi trẻ em. Theo nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh, nhiều đồ chơi do Trung Quốc sản xuất chứa hàm lượng hóa chất cao có khả năng gây ra các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em.
Ông Trương Hồng Sơn- Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn chất lượng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Bộ KHCN đang kiểm tra số hàng đã thu giữ
Xét nghiệm 19/21 sản phẩm cho thấy hóa chất phthalate chiếm hơn 10% trong các sản phẩm này, đặc biệt một sản phẩm chứa hơn 43% chất phthalate. Tất cả sản phẩm này được mua tại Trung Quốc, Hong Kong.
Được biết, phthalate can thiệp vào hormon của con người và ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản và các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em. Hơn nữa, phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm hơn và tăng khả năng chịu nhiệt. Các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Thị Thủy - Viện Hóa Học Việt Nam (Viện Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Xét về chuyên môn hóa học, phthalates có nguồn gốc từ axit phlatic (cấu tạo COOH) tác dụng với một bazo kim loại hoặc hữu cơ. Đây là một chất có các vòng thơm. Mà đã là một chất có vòng thơm thì sẽ gây độc hại. Hóa chất này có liều gây độc trong giới hạn 550mg/kg trở lên. Khi vào cơ thể, độc chất này rất khó đào thải trong cơ thể. Một khi nó tích tụ lại sẽ gây ra rất nhiều bệnh đối với con người".
PGS. TS Trịnh Thị Thủy cho biết, hóa chất Phthalates đuợc sử dụng rất nhiều ở sơn móng tay, mỹ phẩm, sơn véc ni tường hoặc gỗ đặc biệt trong đồ chơi trẻ em, ghế nhựa... Hầu hết các vật dụng xung quanh chúng ta đều chứa hợp chất này tuy nhiên ở một mức độ thấp hay cao mới gây độc hại.
Những sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng hoặc nhập lậu từ Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường bởi nhà sản xuất thường không áp dụng đúng tiêu chuẩn, liều lượng. Vì hóa chất này có tác dụng hòa tan các chất trong nhựa nên họ thường tăng liều lượng lên hàng chục lần để tăng tính thẩm mỹ, sáng bóng cho sản phẩm. Trẻ em thường có thói quen ngậm đồ chơi vào miệng, qua nhiều lần chất này sẽ qua đường tiêu hóa tích tụ lâu ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khó kiểm định đồ chơi độc hại
Mặc dù đã có thông tin về chất độc gây hại đến sức khỏe từ đồ chơi bằng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên các con phố của Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can...đang tràn ngập các cửa hàng đồ chơi trẻ em.
Tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em thì những hàng như: Vỉ siêu nhân, ô tô, máy bay bằng chất liệu nhựa luôn thu hút khách. Cầm hộp đồ chơi siêu nhân đủ các loại màu sắc xanh, đỏ..., chúng tôi đỏ mắt tìm mãi mới thấy mấy dòng chữ ghi bằng Trung Quốc và một hình cấm lửa in ở một góc hộp.
Để tìm hiểu về các loại đồ chơi bạo lực, chúng tôi tìm đến một cửa hàng cuối đường Hàng Mã (đoạn giao với đường Phùng Hưng). Hỏi một bà chủ cửa hàng có bán súng đồ chơi, người phụ nữ này "lườm" chúng tôi một lúc rồi kéo khách sang nhà bên cạnh. Ở bên ngoài, cửa hàng này cũng bày bán các loại đồ chơi như búp bê, ô tô, siêu nhân... như các cửa hàng khác. Bên trong một góc phòng tối mịt, bà lôi từ chiếc tủ gỗ ra 3 khẩu súng đen sì dúi vào tay chúng tôi với giọng nói bí hiểm như buôn bạc giả: "Đấy chị chỉ có 3 loại này thôi. Xem đi rồi lấy được thì lấy".
Tại phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, HN), hàng chục cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em cũng trưng bày nhiều mặt hàng rất bắt mắt. Tuy nhiên, khi lật gói đồ chơi này lên, tất cả đều được ghi dòng chữ "made in China".
Trao đổi với PV, ông Trương Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn chất luợng thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết: "Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng được biết trong một số đồ chơi trẻ em có chất độc tên gọi phthalates gây rối loạn nội tiết, rất nguy hiểm trong đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như: Siêu nhân, súng, ô tô...
Khi chơi, trẻ em thường ngậm đồ chơi vào miệng nên rất dễ mắc bệnh. Khi nắm được thông tin này, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch sẽ kiểm tra trên địa bàn Hà Nội xem đồ chơi trẻ em có nhiễm hóa chất này không. Tuy nhiên, chúng tôi đang đi liên hệ nhưng không biết chỗ nào thử và phát hiện được chất này".
Ông Trương Hồng Sơn cũng cho biết thêm: " Hiện nay chúng tôi vẫn đang quản lí đồ chơi trẻ em theo quy chuẩn quốc gia về đồ chơi lưu hành trên thị trường Hà Nội (tiêu chuẩn QCVN 3/2008). Trong tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có chỉ tiêu về chất này mà những thông tin về chất độc trên là do tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) nghiên cứu tại châu âu nên nếu có phát hiện ra cũng chỉ khuyến cáo chứ chưa có chế tài nào hướng dẫn xử phạt cụ thể.
Ở Việt Nam từ trước đến nay cũng chưa phát hiện ra chất nào mới cả, chủ yếu chỉ dựa vào nguồn từ nước ngoài. Chúng tôi cũng không thể đi hết được các cửa hàng nhỏ lẻ để kiểm tra rà soát được. Chúng tôi kiểm tra tập trung mạnh vào dịp Trung thu phối hợp với Chi cục quản lí thị trường Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ".
Văn Chương - Anh Đức