Những thành tựu đạt được của năm 2011 khiến người dân tin tưởng hơn vào triển vọng của kinh tế năm 2012 tuy còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt.
Một năm nhiều biến động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 ước tính tăng 5,89% (thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện tình hình sản xuất khó khăn chung của thế giới và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì mức tăng trưởng trên là khá cao và hợp lý.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2011 ước tính đạt 96, 3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010. Nhập siêu hàng hóa ước tính 9, 5 tỷ USD, bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với con số này, năm 2011 được đánh giá là năm tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm qua và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2002.
Năm 2010, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu CPI năm 2011 không quá 7%. Đến tháng 6/2011, Chính phủ đề nghị nới lỏng chỉ tiêu CPI cả năm lên không quá 17%. Nhưng cuối cùng CPI cả năm 2011 vẫn tăng ở mức cao 18,13%.
Năm 2011 được giới chuyên gia đánh giá là năm biến động thất thường của thị trường vàng; bất động sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán... "Bán tháo" là cụm từ được nhắc nhiều nhất đối với bất động sản trong năm 2011. Đây được xem là năm bi đát của giới đầu tư bất động sản. Những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy thị trường vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Mặc dù, thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã qua, nhưnng sự đang diễn ra khá chậm chạp. Do đó, triển vọng thị trường bất động sản năm 2012 cũng chưa có dấu hiệu cải thiện.
Không sáng sủa hơn bất động sản, chứng khoán cũng vừa trải qua một năm thê thảm. Ngày 15/12/2011, chỉ số HNX -Index rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử với 58, 04 điểm, giảm 50% so với hồi đầu năm. Lần đầu tiên trong lịch phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam có cổ phiếu xuống dưới ngưỡng 1.000 đồng /cp.
Trải qua nhiều biến động thất thường nhất năm 2011 phải kể đến thị trường vàng, sự biến động được ghi nhận ở từng phút, từng giây gây ra bao hệ lụy không chỉ nền kinh tế mà cả trong xã hội.
Nhìn nhận về những khó khăn của kinh tế Việt Nam năm 2011, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô...
Nhiều chính sách gây tranh cãi
Một trong những chính sách được áp dụng hoặc đang trong quá trình dự thảo gây nóng trong năm 2011 chính là việc tăng giá điện, xăng dầu, siết nhập khẩu ô tô, độc quyền vàng... Lần đầu tiên, giá điện tăng tới 2 lần trong một năm, tổng tăng 20,28%. Lần thứ nhất, mức tăng là 15,28%, cao nhất kể từ năm 2006 so với suốt 4 năm qua. Sau đó, EVN lại tận dụng cơ hội Chính phủ đã giao quyền tự được tăng giá điện trong phạm vi 5% để tăng giá điện lần 2. Đây cũng là một trong nhưng lý do khiến người dân lo ngại giá tiêu dùng sẽ bị đẩy lên cao vào dịp cuối năm.
Năm 2011 cũng là năm không mấy thuận lợi của giới kinh doanh ô tô. Thông tư 20 của Bộ Công Thương ra đời đã siết chặt nhập khẩu xe mới nguyên chiếc bằng việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải đáp ứng 2 tiêu chí: thứ nhất phải được chính hãng ủy quyền, thứ hai phải có chứng nhận đủ điều kiện cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô. Ngay lập tức, gần 100 doanh nghiệp liên quan đã ký vào một lá đơn thống thiết gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị được xem xét lại. Nhưng rốt cuộc, quy định này sau đó vẫn được thực thi.
Tháng 2/2010, dư luận bắt đầu xôn xao thông tin về việc Chính phủ sẽ cấm kinh doanh vàng miếng. Đây được coi là giải pháp nhằm hạn chế đầu cơ vàng và kinh doanh vàng lậu, quản lý được cung cầu thực về vàng, tránh đi những hỗn loạn giá vàng do giới đầu cơ đẩy lên.
Đầu tháng 11/2011, dự thảo kinh doanh vàng này được trình Chính phủ, trong đó quy định, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. Với quy định này, 7 đơn vị có tên tuổi như Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng á Châu (ACB), Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và hai doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi". Một số chuyên gia lên tiếng, cho rằng quy định này đã tạo ra sự độc quyền cho SJC và gây ảnh hưởng đến thói quen cất giữ vàng của người dân.
Có lẽ chưa một mặt hàng nào lại được người dân quan tâm như xăng dầu và năm 2011 cũng là năm ông lớn Petrolimex được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất về chuyện lỗ, lãi; chuyện minh bạch giá. Với 2 lần tăng giá liên tiếp vào tháng 2/2011, tháng 3/2011, giá xăng dầu đã trở thành đề tài tâm điểm trên tất cả các mặt báo. Bức xúc đi kèm với việc xăng dầu tăng giá mạnh là những nghi ngờ của dư luận đặt ra xung quanh các khoản lãi - lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu chưa được kiểm chứng, công bố.
Kéo lạm phát xuống 9% trong năm 2012 Phát biểu kết thúc Hội nghị Chính phủ ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những khó khăn cũng như thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Thủ tướng khẳng định: "Nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì, lạm phát cao có thể quay trở lại. Lúc đó, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra sẽ bị đảo lộn. GDP năm 2011 tuy đạt khá (5,9%) nhưng là có phần do kích cầu chống suy giảm từ 2010, vốn đưa ra khi đó rất mạnh. Trong khi đó, kinh tế năm 2011 khó khăn nên sẽ khó tạo được đà cho năm 2012. Không thể nhìn vào con số này nói mục tiêu năm tới tăng 6% đơn giản". Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung, kiên trì mục tiêu kéo lạm phát xuống mức 9%. |
Nhóm PV