Sáng 13/4, một cán bộ UBND huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum thông tin, cơ quan này vừa phát hiện vụ việc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô (thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô) có hành vi khuất tất trong quá trình vận chuyển gỗ tang vật ra khỏi rừng.
Theo đó, công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô được giao vận chuyển số lượng lớn gỗ tang vật tại tiểu khu 274, 275 xã Đắk Rơ Nga đưa về bãi tập kết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị này kẹp thêm 84m³ gỗ không rõ nguồn gốc đưa trót lọt ra khỏi rừng.
Việc làm của đơn vị này bị lực lượng kiểm lâm cơ động tỉnh Kon Tum phát hiện, báo cáo lên các cơ quan chức năng. Sau khi nắm được thông tin, UBND huyện Đắk Tô chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc kiểm tra.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc công ty Lâm nghiệp Đắk Tô phân trần: "Trong quá trình kéo gỗ tang vật, khi đi qua các khe suối trên đường thì gặp số gỗ ngoài hồ sơ nên tôi cho anh em bốc lên. Đơn vị dự kiến, khi về tập kết tại bãi sẽ thống kê, làm hồ sơ trình lên các cơ quan chức năng có phương án xử lý nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Hơn nữa, việc đưa gỗ về bãi sẽ dễ quản lý hơn".
"Trước đó, gỗ nằm rải rác khắp nơi trong rừng khó quản lý, lực lượng lâm tặc thường xuyên hăm he, đe dọa, chầu chực trộm gỗ nên anh em rất vất vả, khó bảo quản. Nói tóm lại, tất cả số gỗ trên đều là tài sản của Nhà nước. Sau khi quy về một mối, phía công ty sẽ đo đếm, lập hồ sơ cái nào có dấu búa thì giao cho kiểm lâm, cái nào không có trong hồ sơ vụ án thì báo cáo lên UBND huyện xử lý. Chúng tôi làm việc minh bạch, công khai hoàn toàn phi lợi nhuận", ông Chung thông tin thêm.
Ông Chung lý giải: "Số gỗ nằm ngoài hồ sơ mà công ty kéo thêm đã bị khai thác từ lâu nên mục, giác, không còn bất kỳ dấu hiệu nào để nhận biết đâu là gỗ tang vật, đâu không phải là gỗ tang vật. Do đó, sau khi đưa về bãi sẽ mời các cơ quan chức năng đến đối chiếu hồ sơ, kiểm đếm, phân loại. Số gỗ nào không phải là tang vậy sẽ trình UBND huyện lên phương án đấu giá, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước".
Theo hồ sơ, tổng khối lượng gỗ tang vật là 415m³, trong đó có hơn 106m³ đã được xác nhận, đóng búa kiểm lâm. Đây là số gỗ bị bộ Công an triệt phá từ năm 2013 và được UBND tỉnh Kon Tum lên phương án đưa ra khỏi rừng xuống bãi tập kết, chờ xử lý.
Tính đến tháng 2/2018, gần 329m³ gỗ đã được kéo xuống bãi tập kết. Qua kiểm tra, truy xuất, đối chiếu thực tế chỉ có 244 m³ gỗ phù hợp về số lượng, chủng loại với phương án đã được phê duyệt. Còn lại 84,7m³ không có trong hồ sơ của phương án.
UBND huyện đã giao Công an huyện tiếp tục tiến hành xác minh, làm rõ đâu là gỗ tang vật, đâu là gỗ không có lý lịch. Ông Cao Trung Tin, Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô đã có văn bản đề nghị công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô phải lập hồ sơ, thống kê, giải trình về nguồn gốc gỗ.