Và cũng cần phải khẳng định về chuyện bộ phim cháy vé tại các rạp ở Việt Nam không phải vì khiến dân tình tò mò như 50 sắc thái, không phải vì nội dung đặc sắc như La la land và cũng không phải vì phim đem đến một góc nhìn mới như Moonlight hay Tách biệt.
Nội dung không sâu, mạch phim không mới, kỹ xảo không đột phá và thậm chí nhạc phim rất thường. Nhưng Kong: Skull island vẫn cháy vé. Và sau tất cả, nó vẫn là một bộ phim đáng xem.
Nội dung phim nói về hành trình chứng-minh-mình-đúng của tổ chức bí mật Monarch do Giáo sư Randa dẫn đầu và cuối hành trình thì một số người hoặc phải xác nhận mình sai hoặc phải chết. Lý do của phim là việc Giáo sư Randa là người duy nhất sống sót trên một chiếc tàu mà ông cho là bị sinh vật khổng lồ tấn công. Đó là điều giáo sư tin và tất nhiên, không ai tin ông. Ông đã (có phần) cay cú dốc 40 năm cuộc đời vào Monarch để chứng minh mình đúng.
Dưới vỏ bọc một chuyến đi nghiên cứu địa chất (thực chất Monarch có một phần nghiên cứu địa chất nhưng không chỉ nghiên cứu địa chất), Randa đã xin được sự hỗ trợ của quân đội, và nhóm của Trung tá Preston Packard (do gương mặt phòng vé Samuel L. Jackson thủ vai) nhận nhiệm vụ.
Đoàn phải đi vào một hòn đảo quanh năm suốt tháng bị bao phủ bởi sấm sét, chính vì sự bao bọc đầy khắc nghiệt của thiên nhiên mà đây là hòn đảo mà thế giới văn minh chưa biết đến. Phi đội trực thăng Sky Devils do “cáo” đầu đàn Packard dẫn đầu đã vượt qua tầng tầng lớp lớp mây mù và sấm sét.
Người xem hồi hộp đến thót tim khi tưởng những chiếc trực thăng sắp rơi đến nơi thì kìa, màn hình rực sáng (tiếng dàn dây cất lên), khung cảnh Hạ Long hiện ra chưa bao giờ đẹp như thế.
Vẻ đẹp riêng có của Hạ Long, dưới góc máy tinh tường của Hollywood và nhờ tiết tấu của phim, được đẩy lên đến mức mê hồn. Và vì tính riêng có của nó, chỉ cần nhìn thoáng qua vài giây, du khách cũng có thể xác định đó là Hạ Long của Việt Nam (nếu đã có khái niệm về dải đất hình chữ S). Còn với Quảng Bình và Ninh Bình, có lẽ họ phải tìm hiểu thêm.
Chính vì thế, dù thời gian quay tại Quảng Bình nhiều nhất, dù cộng đồng mạng có bắt đầu gắn Kong như một biểu tượng của Quảng Bình (như đã làm với Pikalong của Hải Phòng) thì nơi cần phải trả phí quảng bá du lịch cho ê-kíp Kong: Skull island lại chính là Hạ Long.
Có lẽ chưa bao giờ Hạ Long được phục sức và bước ra dưới ánh đèn một cách lung linh như thế. Chưa bao giờ. Kể cả khi Hạ Long phải chi phí cho mục đích đó. Thế mà lần này, Hạ Long không những được make-up miễn phí mà còn được quảng cáo không công trên các hệ thống rạp từ New York tới Tokyo, một cách trân trọng.
Tất nhiên, nếu Hạ Long không đẹp thì Hạ Long cũng chẳng có cơ hội đó. Bản chất của sự việc là Hạ Long đẹp, Hạ Long có quyền được mọi người biết đến.
Vấn đề ở chỗ: chưa bao giờ Hạ Long đẹp như lần quảng cáo miễn phí này. Đó là câu trả lời cho thắc mắc ai đó có thể nảy ra khi đọc những dòng đã viết trước đó: Nội dung không sâu, mạch phim không mới, kỹ xảo không đột phá và thậm chí nhạc phim rất thường. Nhưng Kong: Skull island vẫn cháy vé. Và sau tất cả, nó vẫn là một bộ phim đáng xem.
Phải đi mà xem nước mình đẹp thế nào trong bộ phim bom tấn góp phần quảng bá miễn phí cho du lịch Việt Nam!
Và một lý do nữa: Bài review này chưa kể hết nội dung của phim.
Thêm một lý do khác cũng có vẻ liên quan: Chiều ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định chính thức bổ nhiệm đạo diễn của Kong: Skull island Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017- 2020.
T.X