Những cuộc thanh toán rúng động trại giam
Nhận được tin báo, mấy tên đàn em của Lâm Chín Ngón rút dao lá lúa ra sẵn sàng nghênh chiến. Trong khám Chí Hòa, vì quản ngục cấm tuyệt đối việc mang dao vào nên đám tù thường chế "dao" bằng các mảnh tôn hay thép thùng phuy mài sắc. Chúng coi những con dao "chế" này là "thần hộ mệnh" của mình. Thấy đối thủ đến, những tên đàn em nhanh chóng dúi vào tay Lâm cùng lời dặn: "Anh cầm theo phòng thân".
Khi hai bên đã đứng đối diện, Cương Võ Sĩ đứng khựng lại. Không thèm hỏi đầu đuôi câu chuyện, hắn lên giọng đại ca, lớn tiếng quát: "Ở đây, mày với tao, ai là đàn anh"? Rồi, không kịp chờ Lâm trả lời, Cương đã tung ngay một cú đấm nhằm vào mặt đối thủ. Nhờ đề phòng từ trước, Lâm Chín Ngón nghiêng đầu né cú đấm của tay võ sĩ quyền anh nhà nghề. Trong giới giang hồ ngày ấy có một "quy ước" rằng, một "đại ca" nếu bị người khác tát một cái coi như không thể ngoi đầu lên được.
Máu nóng bốc lên cộng với việc cay cú Cương Võ Sĩ không thèm hỏi chuyện đã động thủ, Lâm Chín Ngón dùng tay trái xách cổ áo địch thủ, tay phải nhanh như cắt rút ngay con dao sau lưng đâm thẳng vào ngực đối thủ. Tất cả mọi việc diễn ra chỉ trong chớp mắt. Không ai kịp can ngăn, cũng chẳng ai kịp nhận ra sự việc gì đang xảy ra. Chỉ nghe Cương "hự" lên một tiếng rồi ôm ngực nằm vật ra sàn nhà. Lúc đó, Lâm mới buông dao ra. Hắn định đâm đối thủ thêm vài nhát nữa.
Từ bên ngoài có một người la lớn: "Anh Lâm đừng đâm nữa". Lâm Chín Ngón bỗng sực tỉnh. Hắn buông vội con dao xuống nền xi măng. Nhát dao duy nhất đã đâm trúng tim Cương khiến tay võ sĩ quyền anh tắt thở tại chỗ. Lâm Chín Ngón mặt mày tái mét. Hắn bị đưa vào khu biệt giam "Điện Ảnh" trong khám Chí Hòa. Tên gọi chính thức của khu này là khu ĐA, chuyên giam giữ tù nhân trong khám vi phạm kỷ luật hoặc mới từ các trại giam khác chuyển qua. Từ chữ ĐA, các tù nhân "chế" ra thành "Điện Ảnh".
Nghe tin em trai bị Lâm Chín Ngón đâm chết trong trại giam, Vũ Đình Sơn (tức Sơn Đảo) lồng lộn, điên cuồng. Hắn tuyên bố sẽ lấy mạng Lâm Chín Ngón bằng bất cứ giá nào. Cũng như em trai, Sơn Đảo là tay võ sĩ có thứ hạng trong làng quyền anh. Các anh em của Sơn đều giàu lên rất nhanh nhờ con đường buôn bán ma túy. Được hậu thuẫn, chẳng bao lâu, Vũ Đình Sơn đã trở thành kẻ cung cấp ma túy cho một khu vực rộng lớn.
Năm 1965, Sơn bị bắt, lãnh án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Những năm tháng bị tù ở chốn này, hắn đã được các tù nhân gắn cho cái biệt danh Sơn Đảo. Sau này, khi được thả, Sơn đã mang hẳn bộ tạ tập quyền anh đến tặng khám Chí Hòa. Và cũng nhờ vậy, uy tín và thế lực của Sơn Đảo ngày càng mạnh lên trong giới giang hồ Sài Gòn.
Khám Chí Hòa nhìn từ xa.
Trở lại chuyện báo thù cho em trai, đối tượng đầu tiên Sơn nhắm tới là Tuấn Đả. Tuấn Đả là một nhân vật nổi tiếng trong giới giang hồ Nam Trung Phần. Khi bị bắt giam tại Nha Trang, Tuấn Đả từng đâm lòi ruột Sơn “trắng” để tiếm quyền trong trại. Sở dĩ, Sơn Đảo nhắm tới Tuấn Đả vì thời gian này, y đang bị nhốt cùng khu "Điện Ảnh" với Lâm Chín Ngón. Máu liều thì Tuấn Đả có thừa nhưng đánh tay đôi thì hắn khó nắm phần thắng Lâm Chín Ngón.
Sơn Đảo nghĩ cách tuồn "chó lửa" (súng) từ bên ngoài vào cho Tuấn Đả. Nhưng nhiều lần súng được ngụy trang rất tinh vi vẫn bị trả về. Bởi vì lý do là sau khi được di lý từ Nha Trang vào khám Chí Hòa, Tuấn Đả bị các "đàn anh" cô lập. Đồng thời giới giang hồ trong khám sợ hắn với bản tính sẵn có sẽ lại lật đổ tiếm quyền như trước. Trong khi bị cô lập, hắn được Lâm Chín Ngón đứng ra bảo lãnh. Lúc đó, Tuấn Đả cảm kích Lâm.
Kế hoạch giết người hoàn hảo của Lâm Chín Ngón
Mối thù vẫn nung nấu nhưng phải đến gần một năm sau, Sơn Đảo mới tìm được người thay thế Tuấn Đả. Gã này tên Nguyễn Văn Hoàng (biệt danh Hoàng "đầu lâu"). Người ta gọi hắn với cái biệt danh này vì sau lưng Hoàng có xăm hình chiếc đầu lâu nằm trên hai ống xương bắt chéo trông rất oai hùng. Nói về võ nghệ, cả trại giam Chí Hòa không ai sánh kịp với Hoàng "đầu lâu". Khi còn ở bên ngoài, Hoàng đã đạt đến tứ đẳng huyền đai Taekwondo với chiến tích hạ gục hàng chục cao thủ người Việt và người Miên.
Ngày ấy, biết vợ con Hoàng "đầu lâu" đang sống khó khăn, Sơn Đảo đã bỏ tiền mua một căn nhà mặt phố để tặng. Tiếp đó, hắn mua một sạp vải ở chợ cho vợ Hoàng bán làm kế sinh nhai. Hoàng "đầu lâu" trong tù nghe vợ nói lại được Sơn Đảo giúp đỡ nên rất cảm kích. Không ngần ngại, Hoàng "đầu lâu" hứa sẽ giúp Sơn Đảo trả thù. Tuy nhiên, do Hoàng "đầu lâu" không ở trong khu “Điện Ảnh”, nên Sơn Đảo đã vạch ra một kế hoạch cho Hoàng "tăng án".
Ngày ấy, ở khám Chí Hòa, trong đám cai ngục có tay trung úy tên Cách. Hắn là cháu gọi phó giám thị trại bằng cậu ruột. Ỷ thế có chỗ dựa lưng, Cách luôn tìm cách ăn chặn, phá phách đồ thăm nuôi của người nhà phạm nhân mang vào. Vậy là trong một lần thăm nuôi, Hoàng "đầu lâu" đã gọi trung úy Cách vào phòng riêng gặp. Cánh cửa phòng vừa khép lại, Hoàng "đầu lâu" bước tới, mặt đằng đằng sát khí. Linh tính như mách bảo có chuyện chẳng lành, trung úy Cách toan quay ra nhưng không kịp. Hoàng “đầu lâu” đứng chặn ngay cửa. Tên này rút thanh mã tấu sắc nhọn chém vào mặt trung úy Cách.
Dính đòn, trung úy Cách kêu la inh ỏi. Nghe tiếng kêu cứu, bọn giám thị chạy vào khống chế Hoàng "đầu lâu" và đưa trung sĩ Cách cùng chiếc mũi bị chém đi bệnh viện. Với chiến tích này, Hoàng "đầu lâu" nghiễm nhiên trở thành "dân chơi" thứ thiệt. Hắn được giới giang hồ trong khám Chí Hòa trọng nể. Tội nặng thêm Hoàng "đầu lâu" bị tống xuống khu biệt giam. Kết quả là hai tháng sau, Hoàng "đầu lâu" ung dung ôm giỏ đồ xuống ở chung phòng với Lâm Chín Ngón.
Kinh nghiệm sống và những lời thì thào to nhỏ trong giới giang hồ đã giúp Lâm thừa biết Hoàng "đầu lâu" định làm gì tiếp theo. Khốn nỗi, bọn chúng nằm chung một phòng, muốn tránh cũng chẳng có ngóc ngách nào. Lâm thở dài, toan tính âm mưu và âm thầm chuẩn bị kế hoạch. Bắn tin ra ngoài, Lâm nhờ đàn em kiếm một chiếc quai đeo ba lô hình chữ "X" bằng inox rồi bẻ ra giấu vào trái bí đỏ chuyển vào. Chờ lúc Hoàng "đầu lâu" ra khỏi phòng, Lâm đập bể trái bí, lấy thanh inox ra, mài xuống sàn xi măng, biến thành một lưỡi dao sắc mỏng và nhọn hoắt.
Lại có tin Hoàng "đầu lâu" mới nhận được một tờ giấy do Sơn Đảo gửi vào nhắn tin cần tiến hành gấp công việc mà hắn giao. Lúc này, Lâm Chín Ngón lòng nóng như lửa đốt. Ngay lập tức, Lâm nhờ một tù nhân có vai vế nhất tại khám Chí Hòa là Tướng Lam Sơn (ngụy), nguyên là giám đốc trung tâm huấn luyện sĩ quan Thủ Đức mua cho Lâm một chai rượu. Trước đó, vì giết quản gia nên Tướng Lam Sơn xộ khám. Lâm kêu Lí Lắc chuẩn bị mồi, đợi tới khuya, hắn mời Hoàng "đầu lâu" đánh chén. Không hề nghi ngờ thành ý của đàn anh, Hoàng mặc sức uống rượu say sưa. Trong khi đó, Lâm chỉ uống đủng đỉnh.
Đến nửa đêm, chai rượu vừa cạn cũng là lúc Hoàng "đầu lâu" say mèm không biết trời đất. Cơ hội đã đến, Lâm lôi con dao nhọn trong người ra nhằm đối thủ mà đâm không biết bao nhiêu nhát cho đến khi Hoàng "đầu lâu" tắt thở. Thấy đối thủ đã chết, Lâm Chín Ngón mới ra đứng cửa phòng lớn tiếng gọi giám thị: "Giám thị, tôi đâm chết Hoàng "đầu lâu" rồi". Không ai tin nổi Lâm lại có thể giết người dã man như vậy. Hắn tiếp tục bị đày xuống khu biệt “Điện Ảnh”.
Đi tù vẫn có người hầu Có thời điểm Lâm đã được chuyển từ khu "Điện Ảnh" lên phòng OG thuộc khu FG. Dãy OG rất tối do các phòng không quay ra phía sân chung. Khi đến đây, Lâm Chín Ngón được phép mang theo một đệ tử để sai vặt đó là "Lí Lắc". Mới đầu chuyển qua ở chung phòng với Lâm Chín Ngón, Hoàng "đầu lâu" đánh đòn "khủng bố tinh thần" đối thủ. Y cởi trần trùng trục phô chiếc đầu lâu xương chéo. Cả ngày, hắn hết gồng mình lại xuống tấn đấm binh binh vào tường. Tiếp đó tên này tung cước đá loạn xạ đủ các kiểu và biểu diễn các thế lộn nhào trong phòng. |
Hoa Nguyên